Xây dựng chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020

ND - Ngày 18-3, tại TP Cần Thơ, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn: "Xây dựng chính sách kinh tế - văn hóa - xã hội đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020". Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng:

GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Sơn Song Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo 18 bộ, ngành T.Ư có liên quan; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở, ngành có liên quan của chín tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, gồm: TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang. Đồng bào Khmer hiện có khoảng 1,3 triệu người, trong đó 97,2% sống tại các tỉnh Tây Nam Bộ, hầu hết theo Phật giáo Nam tông. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer. Bằng nhiều nguồn vốn, thời gian qua các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ đã đầu tư, trợ giúp hơn 2.000 tỷ đồng vào vùng đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó đã tạo ra bước phát triển cho vùng Tây Nam Bộ nói chung và vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Tuy có bước phát triển nhanh, nhưng nhìn chung đời sống mọi mặt của đồng bào Khmer vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của vùng và cả nước. Nguyên nhân của sự chậm phát triển là đồng bào Khmer sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa, mặt bằng dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Báo cáo đề dẫn, GS, TS Lê Hữu Nghĩa nêu rõ mục đích yêu cầu của cuộc hội thảo là: Thông tin chính thức với các cơ quan, đơn vị về chủ trương của Chính phủ giao cho học viện chủ trì tổ chức nghiên cứu Đề án tổng thể về chính sách đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020. Thảo luận để làm rõ thực trạng kinh tế - văn hóa - xã hội, nguyên nhân của những việc đã làm được và chưa làm được, những vấn đề đặt ra đến năm 2020, xác định những chính sách cụ thể trong hệ thống chính sách kinh tế - văn hóa - xã hội vùng Tây Nam Bộ cần phải xây dựng và thực hiện đến năm 2020. Những vấn đề cần tập trung thảo luận, đó là các đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội có liên quan chính sách phát triển kinh tế, đánh giá về tình hình thực hiện các chính sách, đề xuất những nội dung cần nghiên cứu đối với việc phát triển toàn diện đời sống đồng bào Khmer Tây Nam Bộ. Hội thảo đã nhận được 17 bài tham luận, chuyên đề từ chín bộ, hai địa phương và bốn chuyên gia và các ý kiến của các đại biểu dự hội thảo chung quanh các vấn đề: hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, ứng dụng khoa học - công nghệ...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=170380&sub=130&top=37