Xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị

Bài báo đưa ra đề xuất của tác giả về việc xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ (CSHT GTĐB) đô thị.

ThS. Phạm Hoài Chung

KS. Đinh Trung Hiếu

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải

Người phản biện:

TS. Dương Văn Chung

TS. Trương Anh Tuấn

TÓM TẮT: Bài báo đưa ra đề xuất của tác giả về việc xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ (CSHT GTĐB) đô thị. Bộ chỉ tiêu này sẽ giúp cơ quan quản lý đánh giá mức độ phát triển bền vững của hoạt động đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị của các thành phố.

TỪ KHÓA: Bộ chỉ tiêu, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị, mức độ đầu tư phát triển bền vững.

Abstract: This paper propses about establishing an indicator system for appraising sustainable development investment level of urban road infrastructure. This indicator system will help the management agency assess sustainable development investment level in urban road infrastructure development investment activities.

Keywords: An indicator system, urban road infrastructure, sustainable development investment level.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phát triển bền vững là một bài toán khó, là chủ đề thách thức đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thế giới chỉ phát triển bền vững khi và chỉ khi các quốc gia phát triển bền vững. Các quốc gia chỉ đạt mục tiêu này khi các lĩnh vực, các ngành, các vùng lãnh thổ của quốc gia đó phát triển bền vững.

Trên thế giới, mục tiêu phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng và tiến hành song song với các mục tiêu phát triển khác. Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tại Rio de Janero (Brazil) tổ chức năm 1992 đã thông qua 5 văn kiện quan trọng, trong đó nổi bật nhất là tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển với 27 nguyên tắc chung về phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 21 toàn cầu (Agenda 21) về phát triển bền vững. Tính đến cuối năm 2013 đã có 70/191 nước (36%) xây dựng, phê duyệt và thực hiện Chương trình nghị sự 21 quốc gia với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều nhằm mục đích để phát triển bền vững trong thế kỷ 21.

Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia vào các chương trình phát triển bền vững trên thế giới và đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, đặt nền móng cho phát triển bền vững như: Công ước MARPOL về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển; Công ước BASEL về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và loại bỏ chúng; Tuyên ngôn quốc tế của Liên hợp quốc về sản xuất sạch hơn...

Nền kinh tế Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ, nhiều khu đô thị, thành phố lớn được hình thành và phát triển. Quá trình đô thị hóa mang lại nhiều hiệu quả tích cực song cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quy hoạch và quản lý CSHT GTĐB đô thị liên quan đến các khía cạnh về kinh tế - xã hội và môi trường. Các đô thị đang gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng sâu sắc của bùng nổ đô thị trên mọi phương diện như: Phát triển đô thị mất cân đối, thiếu bền vững; năng lực quản lý đô thị chưa tốt; an toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế không ổn định… Phát triển bền vững đô thị được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những bài toán về quy hoạch và quản lý CSHT GTĐB đô thị.

Trong các văn bản, nghị quyết về phát triển đô thị, các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… luôn nhấn mạnh vào mục tiêu trọng tâm là phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có bất kỳ một công cụ nào được sử dụng để đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị. Chính vì thế, một nhu cầu bức thiết hiện nay là xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu để đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị.

2. CĂN CỨ XÂY DỰNG BỘ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CSHT GTĐB ĐÔ THỊ

Căn cứ đầu tiên để xây dựng bộ chỉ tiêu là 3 mục tiêu cơ bản nhất của phát triển bền vững được trình bày trong báo cáo “Nghiên cứu phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam”. Theo đó, phát triển bền vững về mặt kinh tế là đạt được sự tăng trưởng ổn định và cơ cấu hợp lý, đáp ứng và nâng cao đời sống nhân dân; tránh được sự đình trệ, suy thoái trong tương lai và tránh được nợ nần cho thế hệ mai sau. Phát triển bền vững về mặt xã hội nhằm đạt được tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống, mọi người đều có cơ hội học hành, có việc làm, giảm đói nghèo và xóa bỏ khoảng cách giữa các tầng lớp của xã hội; bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân; duy trì và phát triển được tính đa năng và bản sắc văn hóa của dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ văn minh về đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Phát triển bền vững về mặt môi trường nhằm khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên và xã hội.

Căn cứ thứ hai là các văn bản pháp lý đã ban hành. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 ban hành hệ thống chỉ tiêu quốc gia và quyết định này đã đưa ra danh sách 350 chỉ tiêu cần được chuẩn hóa về khái niệm, nội dung và phương pháp tính. Trong số các chỉ tiêu được ban hành có các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực GTVT (số lượt hành khách vận chuyển và luân chuyển, khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển...); chỉ tiêu về xây dựng (vốn và cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giá trị sản xuất xây dựng…); chỉ tiêu về bảo vệ môi trường. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015. Sau đó, Chính phủ ban hành Quyết định số 2157/2013/QĐ-TTg ban hành Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững địa phương giai đoạn 2013 - 2020 ngày 11/11/2013 bao gồm các chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường.

Căn cứ thứ ba để xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị là các đề tài nghiên cứu liên quan. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên” là tập hợp các chỉ tiêu đa chiều, đa lĩnh vực nhằm theo dõi quá trình phát triển hướng tới bền vững. Đây là đề tài có ý nghĩa quan trọng và định hướng nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị.

3. XÂY DỰNG BỘ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CSHT GTĐB ĐÔ THỊ

Trên cơ sở thực tế quá trình đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị, các tài liệu văn bản pháp luật và các nghiên cứu về đầu tư phát triển bền vững, tác giả đề xuất xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị gồm: Các chỉ tiêu lĩnh vực kinh tế, các chỉ tiêu lĩnh vực xã hội, các chỉ tiêu lĩnh vực môi trường và các chỉ tiêu đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị. Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị sẽ xây dựng được các chỉ tiêu định lượng để có thể so sánh và đánh giá giữa các khu vực đô thị với nhau và trên cơ sở chính là các Hệ thống chỉ tiêu quốc gia.

Để có thể lựa chọn các chỉ tiêu phù hợp, tác giả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị; nghiên cứu các văn bản pháp luật, quy hoạch phát triển đô thị và GTVT; tham khảo các tiêu chí, chỉ tiêu phát triển bền vững được đề cập đến trong các văn bản, đề tài nghiên cứu; tham khảo thực tiễn về phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị tại một số nước phát triển. Trên cơ sở sử dụng phương pháp chuyên gia và các tài liệu cần thiết, tác giả chọn ra 27 chỉ tiêu phù hợp với mục tiêu đánh giá của Bộ chỉ tiêu và chia làm 4 nhóm.

Bộ chỉ tiêu tác giả đề xuất có tính khái quát hóa cao, đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị trên tất cả các mặt là kinh tế - xã hội, môi trường và các chỉ tiêu đặc trưng cho mức độ đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị. Mặt kinh tế được đánh giá thông qua các chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người cùng các chỉ tiêu cơ bản khác. Mặt xã hội gồm các chỉ tiêu như tổng dân số, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và mặt môi trường gồm các chỉ tiêu như nồng độ bụi trong không khí, mức tăng nhiệt độ trung bình của đô thị… Để đánh giá mức độ đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị, tác giả sử dụng các chỉ tiêu như mật độ mạng lưới giao thông đường bộ, tổng chiều dài đường bộ. Nội dung cụ thể Bộ chỉ tiêu như sau:

Bảng 3.1. Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị

4. SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP PHÁT PHIẾU PHỎNG VẤN ĐỂ ĐÁNH GIÁ TÍNH KHẢ THI CỦA BỘ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CSHT GTĐB ĐÔ THỊ

Để kiểm định tính khả thi của Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị, tác giả phát phiếu phỏng vấn đến các cơ quan quản lý nhà nước, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp…

Mẫu phiếu phỏng vấn như sau:

Bảng 4.1. Mẫu phiếu phỏng vấn đánh giá Bộ chỉ tiêu

PHIẾU PHỎNG VẤN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐÔ THỊ

Ngày …… tháng …… năm 2015

Thời gian khảo sát:……………………….

Người tham gia phỏng vấn:……………………………………………………………………………

Chức vụ:…………………………………

Thâm niên công tác:………………………………………

1. Thuộc đơn vị thuộc:

+ Bộ GTVT, cơ quan thuộc Bộ:

+ Sở GTVT, cơ quan thuộc Sở (ban QLDA, ban duy tu…):

+ Trường, Viện nghiên cứu:

+ Đơn vị tư vấn:

+ Doanh nghiệp lớn:

+ Doanh nghiệp vừa và nhỏ:

2. Theo anh/chị mối quan hệ giữa đầu tưphát triển CSHT GTĐB và phát triển kinh tế - xã hội có mối quan hệ với nhau hay không, mức độ quan hệ như thế nào?

+ Rất mật thiết:

+ Có quan hệ:

+ Không có mối quan hệ:

3. Theo anh/chị nguồn vốn đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị trong giai đoạn tới nên tập trung huy động vào nguồn nào?

+Nguồn NSNN (TW+ĐP):

+ Nguồn PPP:

+ Nguồn vay tín dụng:

4. Theo anh/chị những yếu tố nào ảnh hưởng đến đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị?

+ Điều kiện tự nhiên:

+ Vốn đầu tư (nguồn tài chính):

+ Khoa học công nghệ:

+ Tình trạng khai thác, sử dụng:

+ Duy tu, bảo trì công trình:

+ Yếu tố khác (nếu có): ……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

5. Theo anh/chị các chỉ tiêu dưới đây chỉ tiêu nào là quan trọng để đánh giá đầu tư phát triển CSHT GTĐB đô thị?

NGƯỜI PHỎNG VẤN NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Tác giả gửi đi 430 phiếu và kết quả thu về như sau:

Bảng 4.2. Kết quả phát phiếu phỏng vấn

Tỷ lệ trả lời hợp lệ rất cao (96,74%) cho thấy mức độ quan tâm của đối tượng phỏng vấn dành cho vấn đề khảo sát là rất lớn. Các phiếu bị loại sẽ không được đánh giá và xem xét trong kết quả tính toán. Kết quả câu hỏi phỏng vấn số 5 như sau:

Bảng 4.3. Kết quả trả lời câu hỏi phỏng vấn số 5

Căn cứ vào kết quả phỏng vấn trên, tác giả nhận thấy các chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ đầu tư phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị đều có kết quả đồng ý trong các phiếu khảo sát từ 50% trở lên, điều đó cho thấy Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững CSHT GTĐB đô thị mà tác giả đề xuất có tính thực tiễn.

Tài liệu tham khảo

[1]. Lê Thạc Cản, Trần Thùy Chi, Nguyễn Thế Chinh, Nguyễn Viết Thịnh, Ngô Đăng Trí, Nguyễn Thanh Tuấn, Trần Văn Ý, James Hennessy (2015), Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên, Đề tài nghiên cứu, Hà Nội.

[2]. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ban hành ngày 02/6/2010 về việc Ban hành hệ thống chỉ tiêu quốc gia.

[3]. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 432/QĐ-TTg ban hành ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

[4]. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 160/QĐ-TTg ban hành ngày 15/01/2013 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015.

[5]. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2157/2013/QĐ-TTg ban hành ngày 11/11/2013 về việc công bố Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững địa phương giai đoạn 2013 - 2020.

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/xay-dung-bo-chi-tieu-danh-gia-muc-do-dau-tu-phat-trien-ben-vung-co-so-ha-tang-giao-thong-duong-bo-do-thi-d32543.html