Xây cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã: Sao lại vội?

Việt Nam đang làm hồ sơ đề cử vườn di sản ASEAN với VQG Bạch Mã, do đó, việc bảo tồn hệ sinh thái và cảnh quan hết sức quan trọng.

Phải có đánh giá tác động môi trường

Ngày 15/8, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh này đã trình lên Bộ Xây dựng đồ án quy hoạch Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, trong đó có hạng mục cáp treo.

Theo ông Trung, điểm đầu của cáp treo là khu vực Cầu Hai và điểm kết thúc là tại biệt thự thuộc khách sạn Morin. Dự kiến hệ thống cáp treo sẽ có 3 điểm dừng, trong đó có điểm dừng tại thác Đỗ Quyên.

Các nhà khoa học bày tỏ lo lắng trước đề xuất xây cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã của UBND tỉnh Thừa - Thiên Huế

Ông Trung khẳng định với tờ Vnexpress, tuyến cáp treo không can thiệp vào diện tích rừng tự nhiên. Đặc biệt khu du lịch sẽ mang đẳng cấp quốc tế, tôn trọng thiên nhiên và thúc đẩy sự phát triển của Bạch Mã.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cho rằng khi xây dựng cáp treo, ở một chừng mực nào đó sẽ có ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh.

Vì vậy ông Đăng đề nghị, dự án trên cần phải thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách chặt chẽ và đầy đủ.

“Chúng ta cần phải xem dự án có làm đúng các quy định của pháp luật hay không? Tức là phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, phải tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư gần đó, đặc biệt là các tổ chức về bảo vệ rừng. Các cơ quan này sẽ đánh giá xem tỉnh đã làm đến nơi đến chốn hay chưa, ra hội đồng đánh giá như thế nào.

Tất nhiên xây dựng cáp treo là phải có ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu làm tốt báo cáo tác động môi trường thì chúng ta sẽ đánh giá tất cả tác động tiêu cực đồng thời đề xuất các giải pháp để giảm bớt, giảm thiểu các tác động đó”, ông Đăng nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam khẳng định bản thân không đồng tình với việc triển khai dự án xây dựng cáp treo trong khu vực vườn quốc gia Bạch Mã.

Theo ông Huỳnh, dù đại diện tỉnh Thừa Thiên – Huế hứa rằng tuyến cáp treo không can thiệp vào diện tích rừng tự nhiên. Tuy nhiên ông Huỳnh cho rằng rất nhiều những vấn đề phát sinh khác có thể xây ra trong quá trình xây dựng cáp treo có thể xảy ra mà chúng ta không thể lường trước được.

“Chúng ta đã có quá nhiều bài học thời gian qua. Từ sự cố ô nhiễm môi trường tại Formosa Hà Tĩnh ảnh hưởng rất lớn đối với 4 tỉnh miền Trung ở Việt Nam đến việc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị xâm hại nghiêm trọng. Gần đây nhất là dự định nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận.

Tất nhiên các nhà lãnh đạo muốn làm việc này cũng vì nền kinh tế chung của tỉnh thôi. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa cũng phải bảo vệ, bảo tồn. Hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khi đã được chính phủ phê duyệt, đã nằm trong chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học mà Thủ tướng đã ký thì nên giữ lại.

Tất nhiên là có sự can thiệp của con người nhưng có con người dựa trên cơ sở khoa học”, ông Huỳnh khẳng định.

Ảnh hưởng đến đề cử vườn di sản ASEAN

Một vấn đề khác được ông Huỳnh nhắc đến đó là hiện nay chúng ta đang làm hồ sơ đề cử vườn di sản ASEAN – vườn quốc gia Bạch Mã để đưa sang Philippines. Để đạt được các tiêu chí của tổ chức này thì bắt buộc chúng ta phải giữ nguyên vườn quốc gia Bạch Mã.

“Tôi có trong hội đồng đánh giá nên hoàn toàn tin tưởng rằng vườn quốc gia Bạch Mã sẽ được công nhận là vườn di sản ASEAN.

Hiện nay chúng ta có 6 khu vườn được công nhận. Mong muốn của Chính phủ và Bộ TN-MT là từ nay đến năm 2020 ít nhất phải có 10 khu nằm trong danh sách. Nếu Bạch Mã được công nhận thì sẽ có tổng cộng 7 khu.

Tuy nhiên muốn được tổ chức ASEAN công nhận thì chúng ta bắt buộc phải bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Cụ thể, bảo vệ được các loài động, thực vật quý hiếm, các cảnh quan tự nhiên vốn có để phục vụ cho du lịch, nghỉ ngơi, môi trường, phục vụ cho dịch vụ hệ sinh thái. Do đó muốn thuận lợi thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không nên làm cáp treo”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay, ông Huỳnh cho rằng bắt buộc phải giữ được vẻ nguyên sơ của rừng Bạch Mã.

“Rừng Bạch Mã có những vị trí cao hơn 1000 m. Tôi nghĩ đây cũng là cách để thu hút được du khách trong nước và quốc tế khám phá về khu rừng này.

Dọc đường đi lên khách sẽ quan sát được các loài chim thú, các loại phong lan, phong cảnh, từ đó mói giữ được khách lâu hơn.

Còn đi cáp treo thì rút ngắn được thời gian nhưng ấn tượng đọng lại không nhiều. Ngồi trên đó chúng ta chỉ thấy rừng mà không khám phá được vẻ nguyên sơ xung quanh. Sau khi lên thăm quan vài phút thì đi xuống và như vậy sẽ không giữ được ấn tượng gì về khu rừng này, nhất là với các vị khách nước ngoài”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-cap-treo-tai-vuon-quoc-gia-bach-ma-sao-lai-voi-3341207/