Xác định trọng tâm đổi mới giáo dục

Một trong những điểm mới của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới chương trình dạy và học ở tất cả các cấp học. Trong gian đoạn tới, cần tập trung đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, ở phần V – “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực” đã chỉ rõ hạn chế của chương trình giáo dục hiện thời: Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất… Từ đó, Dự thảo cũng đã nhấn mạnh đến phương hướng, nhiệm vụ đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học cần phải tập trung trong giai đoạn tới là: - Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; - Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. - Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan…

Ở tầm phổ quát, Dự thảo đã xác định rất đúng và trúng các nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới giáo dục, đào tạo cần thực hiện giai đoạn tới; trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới chương trình dạy và học. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là làm sao để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ ấy. Theo tôi, chúng ta cần phải làm rõ thêm nội hàm đổi mới chương trình giáo dục cũng như định hướng kế hoạch hành động sao cho tường minh hơn. Ở đây, tôi xin tập trung mấy điểm sau:

1. Trước tiên, cần xác định hạn chế của chương trình và sách giáo khoa (CT và SGK) hiện hành là được xây dựng và thực hiện chủ yếu theo định hướng phát triển nội dung. Định hướng này xuất phát từ quan niệm: Giáo dục là quá trình truyền thụ kiến thức. Theo đó, chương trình giáo dục (CTGD) là bản phác thảo nội dung và được bắt đầu bằng việc xác lập các môn học, nội dung từng môn học. Do đó, mục tiêu giáo dục chủ yếu nặng về trang bị kiến thức từng môn học có tính chuyên biệt, ít có sự kết dính, tích hợp và vì vậy thường bị nhấn mạnh ghi nhớ, tái hiện kiến thức cả trong hoạt động dạy, học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Hệ lụy tất yếu của định hướng đó làm cho người học ít có khả năng chủ động, sáng tạo, linh hoạt với các tình huống trong nhận thức, đời sống.

2. CT và SGK theo hướng phát triển năng lực sẽ tác động tích cực đến việc xác định mục tiêu giáo dục và tường minh hóa các mục tiêu đó bằng chuẩn đầu ra - được mô tả bằng hệ thống các năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Hệ thống năng lực đó xuyên suốt các lớp, các cấp học, các môn học, hoạt động giáo dục; và dựa vào đó xác định các phương thức dạy học tích hợp, phát triển năng lực, tác động một cách trực tiếp làm thay đổi mô hình, cấu trúc SGK.

Cùng với đó, cũng cần lường trước những thách thức phải vượt qua:

- Người xây dựng chương trình phải có năng lực xác định và mô tả chuẩn đầu ra đủ tường minh cho việc lựa chọn lĩnh vực khoa học, môn học, các hoạt động giáo dục phù hợp, đáp ứng mục tiêu đổi mới. Nếu xem mục tiêu và chuẩn đầu ra là bản thiết kế, thì người soạn SGK, người dạy, người học, người quản lý chất lượng giáo dục phải là người đọc bản vẽ thiết kế và thi công để làm ra sản phẩm là nhân cách, năng lực học sinh.

- Phương pháp dạy học bằng thuyết trình truyền đạt thông tin một chiều từ người dạy đến người học, làm mất phản ứng chủ động tích cực của học sinh trong quá trình nhận thức đang ngự trị ở nhà trường phổ thông- trở thành lực cản lớn cho việc đổi mới CTGD.

3. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá và thi cử theo định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực. Kiểm tra, đánh giá có vai trò kép: Kích thích, tạo động lực điều chỉnh, phát triển, hoàn thiện CTGD, hoạt động dạy, hoạt động học, hoạt động quản lý bảo đảm chất lượng giáo dục; xác nhận thành tích học tập theo quy chuẩn chất lượng đạt mục tiêu giáo dục. Kiểm tra, đánh giá phải vừa là phương pháp, vừa là nội dung giáo dục, vừa là hoạt động quản lý chất lượng giáo dục. Vậy phương án nào có thể áp dụng để thỏa mãn các chức năng đó?

CTGD theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đòi hỏi phương thức đánh giá là đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá tổng kết. Phương thức này sẽ khắc phục được các bất cập, nhược điểm hiện nay và đặc biệt tạo được sự chuyển biến các yếu tố cơ bản của CTGD: đòi hỏi phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực; liên tục tổ chức điều chỉnh quá trình giáo dục để khắc phục được những hiện tượng như “ngồi nhầm lớp”, “nhầm cấp học”, “nhầm chọn nghề”; một cách tích cực, tự giác ngăn chặn hoặc hạn chế tiêu cực trong thi cử; giảm áp lực, tốn kém trong tổ chức thi,… Đặc biệt, công tác kiểm tra mới yêu cầu tư duy phê phán, tư duy phản biện sẽ kích thích hứng thú học tập, tạo môi trường học tập dân chủ, sáng tạo.

4. Thực hiện cơ chế một chương trình quốc gia, nhiều bộ SGK. SGK hiện đại phải thực hiện được hai chức năng cơ bản: nguồn cung cấp nội dung kiến thức và hướng dẫn hoạt động dạy và học.

Trong xã hội hiện đại, SGK không còn là một nguồn thông tin duy nhất. Tuy vậy, thông tin từ SGK vẫn có vai trò quan trọng, là nguồn chính thống, cơ bản mẫu mực không thể thiếu. Nội dung kiến thức SGK cần được gia công, lựa chọn, trình bày theo logic nhất định vừa bảo đảm chính xác, khoa học vừa thể hiện quan điểm riêng của người biên soạn. Như vậy, thông tin từ sách có giá trị đã được tinh chế nhất định và sự tinh chế đó mang dấu ấn phong cách, quan điểm của cá nhân người soạn. Phong cách, quan điểm đó rất phong phú, vì vậy nếu chỉ sử dụng một bộ sách cho thực hiện CTGD thì sẽ không tận dụng được sức sáng tạo của đông đảo các nhà khoa học, đặc biệt là của đội ngũ giáo viên phổ thông. Mặt khác, điều kiện tiếp xúc, lựa chọn, xử lý nguồn thông tin khoa học, đặc điểm người dạy, người học cũng rất đa dạng ở các vùng miền, địa phương với các đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau, nếu chỉ có một bộ SGK thì khó đáp ứng được những đặc điểm riêng ấy.

Chức năng hướng dẫn quá trình sư phạm được thực hiện bằng rất nhiều kịch bản, thậm chí mỗi giáo viên có cách tổ chức, dạy học khác nhau chi phối hoạt động nghiên cứu, sử dụng SGK để đạt được mục tiêu và chuẩn chương trình môn học; ngay cả một giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK ở mỗi lớp cũng khác nhau. Như vậy cần phải thống nhất tiêu chí, yêu cầu sư phạm cơ bản đánh giá SGK để dựa vào đó biên soạn, lựa chọn SGK một cách sáng tạo, linh hoạt theo nhiều phương án khác nhau; phải công khai các quy định về yêu cầu, tiêu chí biên soạn SGK.

5. Quản lý thực hiện CTGD theo hướng tăng cường năng lực tự chủ của địa phương và nhà trường. Hiện nay CT và SGK giáo dục phổ thông được thực hiện theo phương thức quản lý mang tính áp đặt bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc làm giảm khả năng thích nghi với hoàn cảnh của các địa phương, hạn chế sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã quy định: “… CTGD phổ thông quốc gia quy định mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung giáo dục bắt buộc, đồng thời hướng dẫn các nội dung giáo dục mở rộng (cùng với thời lượng) để các nhà trường vận dụng, xây dựng CTGD phù hợp với điều kiện của mình”. Vấn đề đặt ra là phải lựa chọn được phương án quản lý CT và SGK giáo dục phổ thông quốc gia, chuyển từ cơ chế quản lý áp đặt mang tính hành chính, cứng nhắc sang quản lý mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh địa phương và nhà trường để chương trình quốc gia được thực thi với hiệu quả cao trong thực tế nhà trường đa dạng.

Cơ chế quản lý mới cũng sẽ huy động được sự tham gia đóng góp một cách trực tiếp của các địa phương, nhà trường, đội ngũ giáo viên, cộng đồng vào quá trình thực hiện CTGD phổ thông quốc gia. Do đó, vừa làm cho CTGD phù hợp với yêu cầu của địa phương, nhà trường vừa tăng được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở nhà trường, khắc phục tâm lý thụ động triển khai theo mệnh lệnh từ trên xuống.

Như vậy, đổi mới giáo dục phổ thông phải tạo những tiền đề tốt cho giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; đồng thời đặt ra nhiệm vụ củng cố, hoàn thiện hệ thống giáo dục – đào tạo, để các cơ sở giáo dục này vừa tận dụng được kết quả hướng nghiệp từ giáo dục phổ thông vừa có trách nhiệm và khả năng tham gia giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh phổ thông.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/27586802-xac-dinh-trong-tam-doi-moi-giao-duc.html