Xác 6.000 linh dương chết đuối nuôi dưỡng con sông châu Phi

Hàng nghìn linh dương chết đuối khi di cư trở thành nguồn thức ăn quan trọng giúp hệ sinh thái sông Mara ở Kenya phát triển.

Các nhà khoa học tại Đại học Yale, Mỹ trong nghiên cứu đăng ngày 19/6 trên Proceedings of the National Academy of Sciences cho rằng cái chết của hàng nghìn linh dương đầu bò trên sông Mara ở khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara, Kenya giúp hệ sinh thái địa phương phát triển, Gizmodo ngày 20/6 đưa tin.

Lần đầu tiên, nhà sinh thái học và sinh vật học tiến hóa David Post dẫn đầu đội nghiên cứu xác định số lượng và quy mô linh dương đầu bò đuối nước trên sông Mara trong cuộc di cư hàng năm để phân tích tác động của sự kiện này tới hệ sinh thái sông Mara.

Trung bình, trong khoảng 1,2 triệu linh dương đầu bò di cư mỗi năm có 6.250 con bỏ mạng ở sông Mara, tạo ra khoảng 1.100 tấn sinh khối thối rữa trên sông, tương đương xác của 10 con cá voi xanh.

Mô mềm phân hủy trong 2-10 tuần và xương phân hủy trong khoảng 7 năm tạo ra nguồn dinh dưỡng trong ngắn hạn và dài hạn cho vi khuẩn, cá, cá sấu, chim ăn xác thối... Cá là loài hưởng lợi nhất vì thịt linh dương đầu bò chiếm 34-50% khẩu phần ăn của cá, còn xương chiếm 7-24%.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy một cuộc di cư của động vật trên mặt đất có thể tạo ra tác động lớn với hệ sinh thái của một con sông, tác động đến chu trình dinh dưỡng và mạng lưới thức ăn ở quy mô thập kỷ", Amanda Subalusky, tác giả chính của nghiên cứu, nói.

Các đàn linh dương đầu bò, ngựa vằn và linh dương theo các cơn mưa từ Tanzania di cư lên phía bắc qua Kenya vào tháng 6 hoặc tháng 7 hàng năm để tìm kiếm đồng cỏ mới. Đến tháng 10 hoặc tháng 11, đoàn di cư trở về nơi xuất phát để bước vào mùa sinh sản.

Theo Vnexpress

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/cong-nghe/xac-6000-linh-duong-chet-duoi-nuoi-duong-con-song-chau-phi-1160465.tpo