Xã rọ tôm

Người xã Xuân Lai (Yên Bình, Yên Bái) chẳng còn nhớ ai là người đầu tiên đưa cái nghề đan rọ tôm về với quê mình. Cũng đã hơn mười lăm rồi, người Xuân Lai ai cũng cũng biết đan rọ tôm, không phải là nghề hốt bạc, nhưng đã giúp cho người dân có đồng ra đồng vào. Tuần hai phiên, chợ Xuân Lai tràn ngập rọ tôm. Xuân Lai, được mệnh danh là xã rọ tôm là thế…

Nhà văn người dân tộc Tày Hoàng Hạc nổi tiếng với những tác phẩm: Ké Nàm, Sông gọi, Khảm Hải…nhưng mấy ai biết chuyện kể “Rùa chạy thi với thỏ”, do ông sưu tầm, biên soạn được đưa vào sách giáo khoa tái bản hàng chục lần. Ông sinh ra và lớn lên bên bờ sông Chảy, khi thủy điện Thác Bà phát điện, xã Xuân Lai quê ông vén lên vùng đất lưng chừng núi. Có một dạo tôi công tác với ông ở Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn. Khi về hưu, huyện Yên Bình định cấp cho ông một mảnh đất ở thị trấn để ông làm nhà, tạo điều kiện giúp ông sáng tác, nhưng ông chất tất cả đồ đạc lên thuyền ngược dòng sông Chảy về quê. Hồi ông còn sống, năm 1988 tôi có đến thăm ông do anh Vũ Tuyên, Chủ tịch huyện Yên Bình, đưa đi bằng xuồng máy. Chúng tôi phải đi bộ từ hồ lên khoảng 2 km, trời tối chẳng có đèn đóm lại mưa nhập nhèm, nhà ông ở sâu trong đồi nên gần tám giờ tối chúng tôi mới tới. Mặc dù sức khỏe của ông hồi ấy đã yếu lắm rồi, răng rụng gần hết ông cười hóm hỉnh nhại câu thơ Bút Tre: “Hoan hô đồng chí Thái Sinh/ Mang một khối tình đến với Xuân Lai”. Xuân Lai nghèo nhưng với tay xuống sàn cũng có rượu uống, rượu sắn uống thoải mái nhé. Vậy là đã hơn hai chục năm rồi, lần này tôi trở lại Xuân Lai bằng con đường bộ phía Đông hồ Thác Bà. Bí thư Đảng bộ xã Hoàng Tương Lai là con trai nhà văn Hoàng Hạc, anh thừa hưởng cái máu văn chương, chất hóm hỉnh từ người cha mình, mặc dù đã ngoài năm mươi tuổi nhưng tính lênh phênh lắm. Làm Bí thư xã nhưng đã in mấy đầu sách, sáng tác có, sưu tầm có. Liên hoan Tiếng hát truyền hình Việt Nam anh cũng ghi tên, giật mấy giải nhờ cây đàn tính và hát Khảm hải bằng tiếng Tày. Thấy tôi đến tìm hiểu về xã rọ tôm, anh bỏ công việc đi luôn. Xã Xuân Lai, tiếng Tày có nghĩa là mảnh đất quanh năm là mùa Xuân. Đấy là khi xã còn nằm dưới bờ sông Chảy, những cánh đồng bờ xôi ruộng mật năm chỉ cấy một vụ nhưng thóc rủng rỉnh ăn cả năm không hết. Khi thủy điện Thác Bà được xây dựng, người dân chuyển đi khắp nơi, một bộ phận được vén lên cao, tên Xuân Lai thì vẫn còn đó. Hoàng Tương Lai cho biết: Ruộng chìm xuống lòng hồ hết rồi, khai phá, khai hoang khắp các xó xỉnh, chỗ nào có nước là làm, nhưng cũng chỉ được 108 ha, ruộng hai vụ cũng chỉ cấy được 85 ha thôi. Đất màu không có, mùa cạn nước hồ xuống thấp thì tranh thủ tra ít lạc, ít đỗ…năm nào lũ sớm, nước hồ dâng thì mất ăn. Năm được năm mất, bấp bênh lắm… Người Xuân Lai nhiều năm thiếu đói triền miên, đồi núi bị cạo trọc để tra lúa, trồng ngô nuôi sống cái đã. Mặc dù nằm sát bên hồ Thác Bà, nhưng cũng chỉ ít người ra hồ đánh bắt cá tôm. Cuộc sống của đa số người dân ở đây vẫn bám vào đồng ruộng. Hơn chục năm nay nhờ cây lúa lai người dân mới tạm đủ ăn, họ thôi làm nương chuyển sang trồng cây nguyên liệu giấy, cuộc sống khá hơn một chút nhưng còn chật vật lắm. Hoàng Tương Lai lắc đầu: Không biết ai đã mang về Xuân Lai cái nghề đan rọ tôm, cũng đã hơn chục năm rồi, nhờ cái nghề đan rọ tôm mà người dân mới có thêm đồng ra đồng vào. Xã có 630 hộ, nhưng có đến 550 hộ đan rọ tôm. Tiền học của các cháu, tiền điện, tiền muối mắm…trăm thứ đều trông vào những cái rọ tôm đó. Ở một xã đặc biệt khó khăn lại chẳng có nhiều ruộng, cái nghề đan rọ tôm giúp họ bớt khó khăn hơn. Mới đầu bà con học nghề đan rọ tôm từ người dân xã Phúc An, họ đan để đánh bắt tôm trên hồ, sau thì bán. Nghề đan rọ tôm không khó, người nào cũng có thể làm được. Đàn ông thì chẻ nan, phụ nữ thì đan, người khéo tay thì đan hom, người mới tập thì đan thân… Chẳng phải là công việc nặng nhọc, nên trẻ em bảy tám tuổi cũng đan được rọ tôm. Đi làm đồng về trong lúc chờ cơm, người ta cũng tranh thủ đan, buổi tối mọi người ngồi trước màn hình ti vi vừa đan vừa xem phim. Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, dân tộc Nùng ở thôn Yên Phú, có 4 người thì tất cả nhà đều biết đan rọ tôm. Anh Hùng cho biết, mỗi tuần gia đình anh đan được 60-70 rọ, anh chuyên vót nan đan hom còn vợ con anh đan thân. Giá mỗi rọ khoảng 800đ- 1.200đ/rọ, mùa mưa giá cao hơn nhưng cũng chỉ được 1.500-1.700đ/rọ. Đấy là rọ đan bằng nứa để bắt tôm to, còn rọ đan bằng cây tế bắt tôm nhỏ thì giá thấp hơn. Đang vào mùa đánh bắt nên rọ tôm bán chạy, gia đình chị Triệu Thị Oanh, thôn Cây Tre, có 6 người, mỗi tuần đan chừng 80-100 rọ, nếu bán được giá thì được 120.000-150.000đ. Chị bảo: Nghề đan rọ tôm chẳng làm giàu được đâu, chỉ đủ tiền muối mắm và mua sắm sách vở cho các cháu đi học thôi… Gia đình bà Hoàng Thị Tô, cùng ở thôn Cây Tre, nhà đông người nên mỗi tuần đan được 200 rọ, bà Tô già rồi trên 80 tuổi việc đồng không làm được, bà ở nhà trông mấy đứa cháu nhỏ và đan rọ tôm. Bà bảo: Khó nhất là đan cái hom, quan trọng nhất của cái rọ tôm cũng là cái hom. Nan vót mềm nhưng phải dẻo đầu các nan chụm vừa phải, để khi con tôm chui vào nhưng không thể chui ra được. Người ta mua rọ tôm của mình họ chỉ xem cái hom thôi, họ chọc ngón tay vào miệng hom, nan hom cứng quá hoặc mềm quá cũng không được. Nan hom cứng quá thì tôm không vào được, còn mềm quá, tôm vào ăn hết mồi lại ra thì cũng hỏng. Vì thế nan hom phải đan bằng cây giang. Giá mỗi ống giang trung bình 1.000đ, đan được 4-5 hom, thân đan bằng nứa…Bà Tô cho biết, do chất lượng rọ tôm nhà bà tốt nên chẳng mấy khi bà phải gánh ra chợ, thợ đánh tôm hoặc dân buôn bán rọ tôm đến tận nhà đặt hàng, khi nào đan được 4-5 nghìn rọ thì điện cho họ về lấy, họ dùng xe ô tô cỡ nhỏ để chở. Nghe nói họ mang rọ tôm lên tận hồ Na Hang (Tuyên Quang) hay về tận Hòa Bình gì đấy… Chợ Xuân Lai trở thành chợ trung tâm mua bán rọ tôm duy nhất phía Đông hồ Thác Bà. Mỗi tuần hai phiên họp vào thứ tư và thứ bảy, chưa ai thống kê nhưng mỗi phiên bà con mang ra bán chừng 40-60 ngàn chiếc rọ tôm. Người dân đan rọ tôm ở các xã giáp ranh: Cảm Nhân, Mỹ Gia, Yên Thành đều mang về chợ Xuân Lai bán. Một trung tâm mua bán rọ tôm lớn nhất miền Bắc mà tôi thấy. Rọ tôm bày bán dọc đường vào chợ, với đủ sắc màu quần áo dân tộc: Tày, Nùng, Dao… Đang mùa mưa, nước hồ dâng việc đánh bắt tôm nhộn nhịp, xe các nơi đổ dồn về chợ Xuân Lai mua rọ tôm. Mới hơn sáu giờ sáng mà chợ đã đông nghịt người, chủ yếu là người mua bán rọ tôm ở các nơi đổ về. Phía giáp hàng rào chợ, tôi nhìn thấy một núi rọ tôm mà các thương nhân đã mua gom chờ xe đến lấy. Anh Nguyễn Tuấn, người chuyên mua bán rọ tôm xã Yên Thành, chẳng giấu giếm: Mỗi tuần em mua khoảng 2-3 vạn rọ, gặp khách nào thì bán cho khách nấy. Chẳng cứ đâu, người trong huyện Yên Bình cũng có, người Phú Thọ, Hòa Bình hay tận bên Tuyên Quang họ cũng sang đây lấy hàng của em. Mỗi cái rọ tôm lời được 1-2 trăm đồng gì đấy. Rọ tôm chẳng phải là thứ hàng hóa gì cao cấp nên giá cũng rẻ lắm…

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/24/24/38307/default.aspx