Xã phê 'xấu' vào lý lịch: Cần làm rõ khoản tiền dân phải đóng góp

“Phó Chủ tịch xã sai khi phê “xấu” vào lý lịch chỉ là phần nổi câu chuyện. Tôi cho rằng “phần chìm” cần làm rõ đó là số tiền lớn mà xã yêu cầu dân đóng góp được sử dụng thế nào”, TS. Lê Hồng Sơn nói.

TS. Lê Hồng Sơn: "Tiền đóng góp làm đường được sử dụng thế nào?". Ảnh: Internet

Việc ông Trương Phúc Thực - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Nam Sách, Hải Dương) phê vào sơ yếu lý lịch của công dân địa phương với nội dung: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương” đang xôn xao dư luận xã hội.

Được biết, ông Thực đã nhận sai và UBND huyện Nam Sách đã yêu cầu ông Thực xuống nhà dân xin lỗi và xác nhận lại lý lịch. Tuy nhiên, TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật, bộ Tư pháp cho rằng đây không đơn giản là chuyện lạm quyền. Cơ quan chức năng phải làm rõ loại tiền mà gia đình anh Nguyễn Danh Cường (người đưa em gái đi lấy xác nhận sơ yếu lý lịch ở UBND xã An Bình) là loại tiền gì.

TS. Lê Hồng Sơn cho biết: “Tôi không hiểu tại sao vị lãnh đạo xã này lại phê vào sơ yếu lý lịch của công dân rằng “chưa chấp hành tốt quy định của địa phương". Vị lãnh đạo này đã lạm quyền.

Với sơ yếu lý lịch cá nhân, chính quyền địa phương chỉ cần xác nhận lời khai là đúng sự thật hay không. Nó chỉ liên quan đến thông tin cá nhân, thân nhân gia đình. Những lời phê này không những không đúng mà thậm chí làm hại người dân”.

TS. Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Việc bút phê xấu vào sơ yếu lý lịch chỉ là phần nổi của câu chuyện. Tôi cho rằng “phần chìm” lớn hơn là việc yêu cầu người dân đóng một khoản tiền lớn mang tên: tiền đường.

Đây là loại tiền gì? Tôi đọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là cả nhà công dân này (6 khẩu) phải nộp 12 triệu đồng. Đó là một con số không hề nhỏ với các gia đình ở nông thôn.

Tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, số tiền này là tiền gì. Tiền này là tự nguyện hay bắt buộc. Nếu là tiền bắt buộc thì quy định ở đâu. Ai đặt ra? Gia đình này chưa đóng hay không đóng? Chính quyền có quy lỗi được hay không? Bởi gia đình đó nói là: “Khi nào có tiền họ đóng”.

Việc đóng góp nặng nề ở các địa phương trong thời gian qua cũng là một vấn đề khiến người dân bức xúc”.

Được biết, chiều 7/8 anh Nguyễn Danh Cường đưa em gái 23 tuổi đến UBND xã An Bình (huyện Nam Sách) để xin dấu xác nhận nhân thân vào bản khai sơ yếu lý lịch nhằm hoàn thiện hồ sơ xin việc. Tại đây, ông Trương Phúc Thực, Phó Chủ tịch UBND xã đã bút phê với nội dung: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương” vào phần xác nhận của địa phương.

Theo anh Cường, giữa năm 2016, xã An Bình triển khai làm đường liên xã và có huy động đóng tiền mỗi nhân khẩu 2 triệu đồng. Gia đình anh này không đủ khả năng đóng góp nên khi lên xin dấu xác nhận đã bị lãnh đạo "làm khó".

Đỗ Thơm

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/xa-phe-xau-vao-ly-lich-can-lam-ro-so-tien-dan-dong-a335119.html