Xã nghèo ở một thành phố lớn

SGTT.VN - Giở nắp nồi cá kho đang sôi liu riu trên bếp, túm đuôi cùng lúc ba con cá giơ lên cao, bà Danh Thị Cân, 72 tuổi, ở ấp Đông Mỹ (xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) cười tươi, khoe: “Bữa nay, nhà tui ăn cơm với cá lau kiếng nè”. Thật vậy, bữa cơm có cá đã là niềm vui của bà Cân và gia đình này, nhưng niềm vui riêng ấy lại khiến cho nhiều người khách chứng kiến hình ảnh đó phải chạnh lòng.

Bà Danh Thị Cân hộ nghèo ở ấp Đông Mỹ tươi cười khoe món cá kho.

Ở miền Tây Nam bộ, cá lau kiếng xuất hiện từ khi bắt đầu có phong trào nuôi cá cảnh, khi đó, cá lau kiếng giữ nhiệm vụ làm sạch các bề mặt kính của hồ nuôi. Hồi đó, muốn có một con cá lau kiếng trong hồ cá cảnh, người ta phải bỏ tiền ra để mua, nhưng hiện nay, cá lau kiếng đã tràn lan ngoài môi trường tự nhiên, trở thành loài tập trung nhiều ở những vùng nước bẩn. Cá lau kiếng đang là thảm họa cho những ao nuôi cá và bây giờ, nó lại làm nên những nụ cười cho những bữa cơm của nhà nghèo.

Nghèo truyền đời

Trong căn nhà đại đoàn kết vừa được chính quyền địa phương xây tặng hồi năm ngoái, ông Danh Cưng B, 73 tuổi, chồng bà Cân, với hai chân bị teo tóp, đang loay hoay trên chiếc xe lăn cũ kỹ. Bà Cân cho biết: “Bác sĩ khám nói ổng bị thần kinh tọa từ cả chục năm nay rồi, nhưng do tui không có tiền chạy thuốc, nên cứ để vậy mà chịu. Đã vậy, lại tới thằng con tui nó chết, vợ chồng tui phải đem đứa cháu nội về nuôi”.

Ở xứ ruộng mà không có đất cấy trồng gì, cả hai vợ chồng ông Cưng B phải dốc sức ra làm mướn nuôi con từ khi còn trẻ tuổi. Giờ các con đã lớn, đi tứ tán, hai ông bà trong tuổi xế chiều, bị bệnh hoạn lại còn phải cưu mang cháu. Kể từ lúc này, gánh nặng của cuộc sống đã đổ dồn lên vai bà Cân, trong khi chứng viêm khớp vẫn hành hạ bà ngày đêm bị đau nhức. Ông Nguyễn Văn Hai, trưởng ấp Đông Mỹ, cho biết: “Nguồn sống duy nhất của gia đình này là khoản trợ cấp xã hội 200.000 đồng/tháng (dành cho người tàn tật) và nhà chùa hỗ trợ cho gia đình mỗi tháng 10kg gạo”.

Là hộ cận nghèo không đất, nhưng gia cảnh của ông Nguyễn Văn Ngọc, 73 tuổi, ở ấp Thới Trung (xã Đông Thắng) cũng không kém khó khăn so với vợ chồng ông Cưng B. Ông Ngọc bị tai biến nằm liệt giường từ gần một năm nay, làm cho bà Âu Thị Tươi, 62 tuổi, vợ ông phải túc trực tại nhà để chăm sóc chồng. Với 400.000 đồng trợ cấp xã hội hàng tháng (dành cho người tàn tật không còn khả năng tự phục vụ), người con trai của ông Ngọc đã quyết định bỏ học để bôn ba lo chuyện kiếm tiền. Bà Tươi ray rứt: “Đời tụi tui khổ rồi, muốn cho con đi học để sau này đỡ thân nó, nhưng bây giờ cái ăn còn không đủ, thì lấy cái gì để đi học”. Ông Huỳnh Thanh Thế, trưởng ấp Thới Trung, cho biết: “Cả ấp chỉ có khoảng 30 trường hợp học hết cấp 3 trong tổng số khoảng 600 lao động trẻ còn trong độ tuổi phổ thông. Do đó, ở vùng này, việc làm phổ biến nhất đối với những lao động trẻ chỉ là đi vác mướn cho các nhà máy xay xát”.

Nếu như dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 922 (nối từ thị trấn Thới Lai – thị trấn Cờ Đỏ) là niềm vui của cư dân của huyện Cờ Đỏ, thì hiện nay, lại là mối lo lắng cho những người đang “bám lề đường” để sinh sống. Từ nhiều năm qua, do không có một nền đất ở, bà Trần Thị Sáu ở ấp Thới Hiệp (xã Đông Thắng) phải che tạm mái nhà bên mương lộ ven tuyến đường 922 để sống một mình. “Mai mốt người ta làm lộ xong, tui hổng biết ở đâu đây nữa”, bà Sáu nói.

Ông Lê Văn Phúc, bí thư đảng ủy xã Đông Thắng, nói: “Đây là vướng mắc lớn nhất của xã khi triển khai kế hoạch cất nhà đại đoàn kết cho những hộ nghèo không có đất ở”. Theo ông Phúc, nhờ nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo triển khai kết hợp trong những năm qua, cả xã Đông Thắng hiện chỉ còn khoảng 120 hộ nghèo, nhưng trong số này có khoảng 30 hộ nghèo không có đất ở. “Hộ nghèo ở Đông Thắng thường mang tính truyền đời, cha mẹ nghèo tách hộ cho con, nên con không thể khá. Thông thường, những trường hợp từ hộ nghèo trở nên khá giả là nhờ sự hỗ trợ từ phía bên vợ hoặc chồng, nhưng ở nơi đây, thường rất hiếm xảy ra”, ông Phúc đánh giá.

Xã cũng gặp khó khăn

Theo ông Phúc, ba năm trước, Đông Thắng là đơn vị hành chính cấp xã được tách ra từ xã Đông Hiệp, lúc đó, Đông Thắng có sáu “không”: không có trụ sở hành chính; chợ; trường học; đường giao thông; hệ thống điện và trạm y tế. Lúc đó, với hơn 1.100 hộ dân, Đông Thắng lại có hơn 280 hộ nghèo (hơn 25,4%). Do đó, có lẽ không ít người sẽ bất ngờ trước những con số này khi Cần Thơ đã là thành phố trực thuộc Trung ương từ trước đó.

Bà Trần Thị Sáu, hộ nghèo không đất ở thuộc ấp Thới Hiệp (Đông Thắng).

Cũng khoảng thời gian ấy, dự án đào mới tuyến thủy lợi nội đồng – kênh 100 chạy song song với tỉnh lộ 922 – tuyến giao thông nối hai huyện Cờ Đỏ và Thới Lai (đi xuyên qua Đông Thắng) tưởng chừng sẽ đem nước tưới cho cả cánh đồng lúa mênh mông, phát triển thêm các loại rau màu ở đồng đất này. Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, khi triển khai việc đưa rau màu xuống ruộng, rau màu của Đông Thắng lại khó cạnh tranh nổi với rau màu của những vùng lân cận về giá cả, chất lượng… nên không bao lâu, rau màu phải trả lại đất cho nông dân trồng chuyên cây lúa.

Song song đó, các học viên từ các lớp dạy nghề: may, đan thảm… của ngành lao động – thương binh và xã hội, khi trở về địa phương, cũng được tổ chức thành nhóm sản xuất nhiều loại thảm đan từ nguyên liệu vải vụn, nhưng khi đưa sản phẩm ra tiếp cận với thị trường, đã không thể cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại. Đầu ra bị bế tắc, cuối cùng, thảm vải của những nhóm nghề ở Đông Thắng cũng bị “chết dần chết mòn”. Vậy là, họ phải bỏ nghề thủ công, để quay về bám gốc cây lúa.

Dù vậy, đời sống của một bộ phận người dân nghèo ở Đông Thắng vẫn còn rất nhiều khó khăn, họ luôn cần sự trợ giúp của cả cộng đồng xã hội, kể cả của các tổ chức, đơn vị ngoài địa phương, bởi lẽ – theo ông Phúc, trên địa bàn xã chỉ có hai doanh nghiệp chuyên kinh doanh xay xát, chế biến các sản phẩm lúa gạo đang hoạt động, tuy nhiên “không lẽ xã cứ xin hai đơn vị này hỗ trợ hoài”. Gần đây, những đợt lễ tết, “đảng ủy, UBND xã thường vận động thêm sự đóng góp từ cán bộ nhân viên ở xã để làm quà tặng khi đi thăm hỏi những hộ nghèo đặc biệt khó khăn tại xã mình”, ông Phúc chia sẻ.

Bà Trần Thị Sáu than: “Hồi trước, quá nghèo như tui, đi ra đồng mót lúa cũng có ăn, còn bây giờ, người ta cắt lúa bằng máy, đâu còn gì ngoài ruộng để mót nữa...”

bài và ảnh: Ngọc Tùng

Tiếp tục xây nhà Đại đoàn kết tặng dân

Theo ông Lê Văn Phúc, bí thư đảng ủy xã Đông Thắng, việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm bợ ở xã Đông Thắng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Đông Thắng nhờ sự hỗ trợ tiền của, công sức của ban chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ, các chi nhánh ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Cần Thơ nên năm 2012, Đông Thắng đã xây tặng 99 căn nhà đại đoàn kết (khoảng 25 triệu đồng/căn) cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. “Trong năm 2013, cũng có kế hoạch xây tặng thêm 16 căn nhà đại đoàn kết nữa”, ông Phúc cho hay.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/176835/xa-ngheo-o-mot-thanh-pho-lon.html