Xã hội hóa xây cầu nông thôn ở ĐBSCL

Bài 1: Khoan sức dân... xây cầu

Vùng ĐBSCL với mạng lưới sông rạch chằng chịt là nơi có nhiều cầu khỉ, cầu ván, cầu tạm bợ… Xóa cầu khỉ, xây cầu kiên cố vừa nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu, sinh hoạt, học tập… là niềm mơ ước của đông đảo người dân nông thôn ĐBSCL. Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc xây cầu nông thôn ở ĐBSCL, những năm qua chính quyền các cấp đã “khoan sức dân” góp công, góp của xây hàng ngàn cây cầu kiên cố tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa. Để làm nên bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang hiện đại, vai trò của người dân là một trong những nhân tố quyết định. Mệnh lệnh…từ cuộc sống Nói đến phong trào xóa cầu khỉ, cầu tạm, Bến Tre là một trong những điểm sáng ở ĐBSCL. Theo Sở GTVT Bến Tre, năm 2000, sau khi tỉnh đề ra chủ trương bê tông hóa cầu đường nông thôn, các ngành chức năng đã huy động sức dân xây trên 2.603 cây cầu, tổng chiều dài 49.146m, kinh phí xây cầu và đường giao thông nông thôn lên đến 1.291 tỷ đồng. Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao lớn: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa, với hệ thống sông rạch chằng chịt, điều kiện đi lại khó khăn. Nếu không xóa cầu khỉ, không phát triển giao thông nông thôn sẽ khó đưa kinh tế đi lên. UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bến Tre là một trong những địa phương có cầu khỉ, cầu tạm bợ rất nhiều. Do đó, chuyện bê tông hóa cầu nông thôn được xem như mệnh lệnh buộc phải làm và làm càng nhanh càng tốt”. Là tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách chẳng bao nhiêu nên Bến Tre thực hiện xã hội hóa bằng cách kêu gọi nhiều đối tượng tham gia. Người góp công người góp của cùng nhau xây cầu. Tại An Giang, đi sâu vào các huyện thuộc vùng tứ giác Long Xuyên, cầu tạm nhiều vô số. Là tỉnh đột phá về nông nghiệp với sản lượng lúa đứng đầu cả nước, hàng năm cứ đến mùa vụ, nhu cầu vận chuyển lúa gạo rất lớn. Đường bộ ách tắc vì cầu tạm không thể lưu thông, trong khi đường thủy cũng ảnh hưởng vì độ thông thuyền của cầu khỉ - cầu tạm quá thấp, cản trở tàu ghe đi lại. “Bê tông hóa cầu nông thôn là giải pháp cần thiết để phát triển nông nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ… phát triển” - ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tâm sự. Tại Cà Mau, hệ thống sông rạch cũng rất nhiều. Cứ bình quân cách nhau 1 - 3km có con kênh cắt ngang và nhiều nhánh sông, rạch nhỏ nối nhau chạy khắp các vùng nông thôn. Địa hình sông nước phức tạp, giao thông cách trở nên chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy ở Cà Mau cao gấp mấy lần so đường bộ của những nơi khác. Đi lại trở ngại, học sinh các huyện đi học bằng đò tốn kém chi phí, cuối cùng phải bỏ học giữa chừng. Theo ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, xóa cầu khỉ và xây cầu mới kiên cố nối liền đôi bờ là ước nguyện của chính quyền và người dân. Để làm nhanh việc này, tỉnh có đề án xây cầu bê tông, huy động các cấp, các ngành cùng vào cuộc, trong đó phát huy tối đa vai trò xã hội hóa của người dân. Cầu mới, sức sống mới Ông Dương Tiến Dũng cho biết: “Tháng 9-2009, Tỉnh ủy Cà Mau triển khai đề án xây 1.588 cây cầu bê tông ở các vùng nông thôn đã được người dân đồng tình ủng hộ”. Chúng tôi tìm đến xã Phong Điền, một trong những xã giao thông cách trở của huyện Trần Văn Thời. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hoàng Nam cho biết: “Toàn xã có đến 14 ấp, nơi nào cũng cầu khỉ, cầu tạm tràn lan, mỗi lần đi công tác địa bàn vô cùng vất vả, còn người dân muốn ra xã hoặc lên huyện làm giấy tờ rất cực khổ. Tội nhất là hàng ngàn em học sinh đến trường khó khăn, vì thế tỷ lệ con em bỏ học giữa chừng tăng vọt. Lãnh đạo xã ray rứt nhưng đành bó tay không có cách giải quyết”. Từ đề án xây cầu bê tông nông thôn, cuối năm 2009 xã Phong Điền được các ngành chức năng và mạnh thường quân hỗ trợ 13 cầu kiên cố. Sau khi cầu Kênh Đầu Sấu ở ấp Mỹ Bình khởi công đầu tiên trong niềm mơ ước của đông đảo người dân, liên tiếp những cây cầu còn lại được khẩn trương xây dựng. Dân Phong Điền từ chỗ giao thông cách trở, nay được xây cầu nên ai cũng đồng lòng hưởng ứng. Người hiến đất làm đường đi, người ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng, ngày công… Chưa đầy 1 năm đã có 8 cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng, 5 cầu còn lại đang thi công giai đoạn cuối, sẽ xong trong năm nay. Hôm về xã Vĩnh An (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) nghe Chủ tịch xã Trịnh Văn Điệp kể chuyện xã hội hóa xây cầu mà cảm động. Địa bàn xã nằm dọc theo kênh Mặc Cần Dưng chia dân số ra thành 2 bờ (bờ Nam và bờ Bắc). Bờ Nam là đường thuận chạy dọc theo tỉnh lộ 941 được Nhà nước đầu tư đường nhựa, trong khi bờ Bắc thuộc đường nghịch nên chẳng có đường đi. Mỗi lần bà con muốn đi buộc phải qua bờ Nam, tuy nhiên không phải nơi nào cũng có cầu hoặc có cũng chỉ cầu tạm bợ khiến việc đi lại khó khăn. Cầu số 10 ở ấp Vĩnh Thành là cầu tạm, trong khi lưu lượng người và xe qua lại rất đông nên hư hỏng thường xuyên, không đảm bảo an toàn. Chính quyền bức xúc, nhưng do kênh rộng nên kinh phí xây cầu phải trên 500 triệu đồng. Trong lúc xã đang rối thì ông Lê Văn Lành ở Châu Phú tìm đến đề nghị hỗ trợ 400 triệu đồng. Ông Lành bảo số tiền còn lại nếu xã không vận động được thì ông sẽ bán thêm 2 công đất để giúp địa phương xây cầu. Trước sự hào hiệp của ông Lành, bà con Vĩnh An như “cá gặp nước” góp tiền, góp sức cùng nhau làm cầu. Không đầy 1 tháng, cây cầu treo kiên cố dài 55m, rộng 3m bắc ngang kênh Mặc Cần Dưng đưa vào sử dụng. Là một tỉnh nghèo, địa hình biệt lập bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng sau 10 năm phát triển giao thông, xóa cầu khỉ, diện mạo nông thôn của Bến Tre đã thay đổi rõ rệt. 100% xã có đường ô tô về đến trung tâm; đường nhựa, đường bê tông xi măng về tận xóm ấp, nhiều cầu khỉ đã được thay bằng cầu bê tông kiên cố. Tại Cà Mau, nơi có hệ thống sông rạch dài khoảng 8.000 - 9.000km với hàng loạt cầu khỉ, cầu tạm. Từ chủ trương xã hội hóa giao thông, chỉ tính riêng 1 năm gần đây Cà Mau đã xây trên 1.000 cây cầu bê tông ở khắp các vùng quê. Hơn 500 cây cầu còn lại đang gấp rút hoàn thành trong năm nay, với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Tại An Giang, từ năm 2006 đến nay, chính quyền và người dân các huyện, thị đã đóng góp xây dựng trên 488 cây cầu kiên cố, tổng chiều dài 16.536m. Trong đó, Thoại Sơn là huyện có phong trào xóa cầu khỉ, cầu tạm nổi bật nhất, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua. HUỲNH PHƯỚC LỢI Bài 2: Từ “Hai Lúa” đến anh hùng Trong phong trào xã hội hóa xây cầu nông thôn ở ĐBSCL đã xuất hiện những tấm gương điển hình đáng quý. Họ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy việc phát triển cầu nông thôn. “Hai Lúa” làm cầu Về An Giang hỏi “Vua cầu treo” Sáu Quý (Phạm Ngọc Quý) ai cũng biết. Nhà Sáu Quý nằm sâu giữa ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú. Lớn lên ở vùng sông nước, Sáu Quý thấu hiểu nỗi vất vả của người dân khi phải chịu cảnh lụy đò. Trước nhà Sáu Quý có con kênh số 13 rộng khoảng 30m, cắt đôi xã Đào Hữu Cảnh. Mỗi lần chứng kiến bọn trẻ chờ xuồng qua kênh để đến trường, hôm không có xuồng phải cởi quần áo lội kênh, Sáu Quý thấy ray rứt. Xứ Đào Hữu Cảnh lâu nay chỉ làm cầu tre, mỗi khi gặp mưa, thân tre trơn dễ làm người đi té nhào xuống kênh; còn làm cầu ván phải bắc nhiều nhịp khiến tàu ghe qua lại khó khăn. Trong một lần xem ti vi, thấy những cây cầu dây văng treo qua các con suối phục vụ bộ đội hành quân, Sáu Quý nảy sinh ý định “làm cầu treo”. Nghĩ là làm, Sáu Quý liền lập bản vẽ, tính toán căng dây, sử dụng thiết bị cho từng công đoạn… Thử nghiệm xong, Sáu Quý mời bà con xung quanh đến trình bày ý tưởng và vận động góp tiền mua vật tư. Dù chưa ai biết mặt mũi cầu treo ra sao nhưng tin vào sự chân thật của Sáu Quý nên mọi người vui vẻ góp tiền. Chẳng bao lâu cây cầu treo dài 30m, ngang 1,2m bắc qua kênh 13 được dựng lên trước sự vui mừng của người dân xã Đào Hữu Cảnh. Thấy Sáu Quý làm được cầu treo, bà con ở kênh số 10 đề nghị làm cây cầu giáp ranh giữa 2 xã Đào Hữu Cảnh và Bình Phú. Lần này có kinh nghiệm hơn, Sáu Quý cho đổ bê tông ở 2 mố cầu và buộc dây làm cáp treo từ đỉnh xuống trụ cầu cho chắc chắn hơn, xe 4 bánh qua lại được. Thế là thương hiệu “cầu treo Sáu Quý” lan rộng khắp các vùng nông thôn ĐBSCL. Càng làm càng hấp dẫn bởi những cây cầu ra đời sau đẹp và chắc chắn hơn cầu trước. Sáu Quý bỏ hết công việc gia đình để xuôi ngược từ An Giang qua Đồng Tháp, Kiên Giang… làm cầu treo. Từ năm 1995 đến nay, hàng trăm cầu treo ra đời khắp nơi, thay thế cầu khỉ, cầu tạm. Sáu Quý được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp “Chứng nhận điển hình sáng tạo”. Cũng là nông dân, ông Võ Văn Út ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành (An Giang) tập tành xóa cầu khỉ, cầu tạm từ năm 1998. Bức xúc trước cảnh giao thông cách trở, ban đầu ông Út làm cầu bằng gỗ căm xe, sau chuyển sang làm cầu treo, xây dựng bằng sắt, trụ đổ bê tông, dây văng bằng thép… đảm bảo tuổi thọ trên 20 năm. Hôm ghé nhà ông Út, chúng tôi thấy rất nhiều bằng khen của Trung ương, tỉnh, huyện… ghi nhận sự đóng góp tích cực của ông trong việc làm cầu. Ông tâm sự: “Số lượng cầu đã làm trước đây không nhớ hết, riêng 3 năm nay xây trên 40 cầu kiên cố ở nhiều nơi”. Xuất thân từ nông dân nhưng “có máu” làm xã hội nên “hai lúa” Mai Văn Đâu (Hai Đâu) ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cũng “thử sức” làm cầu. Không học hành trường lớp nên Hai Đâu khởi nghiệp làm cầu “từ thiện” từ thấp đến cao. Ban đầu làm cầu ván rồi nâng lên cầu gỗ, cầu treo… và nay làm cầu bê tông. Từ năm 2005 đến nay, Hai Đâu vận động kinh phí để xây trên 40 cầu bê tông, trong đó có những cây cầu trị giá gần 1 tỷ đồng. Ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… nói đến cầu bê tông “Hai Đâu” ai cũng biết bởi độ bền và thẩm mỹ cao. Anh hùng xóa cầu khỉ Về xứ dừa Bến Tre, chúng tôi nghe nhiều người kể về “anh hùng xóa cầu khỉ” Trịnh Văn Y, với thành tích xây trên 1.000 cây cầu kiên cố ở nông thôn. Năm 2001, sau khi nghỉ hưu, ông dành hết thời gian làm cầu. Vùng nông thôn Bến Tre có rất nhiều cầu khỉ, cầu tạm. Để đẩy nhanh tiến độ làm cầu, ông Y “xách giỏ” đi khắp nơi vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Từ những đồng đội cũ trong chiến tranh nay là chủ doanh nghiệp, đến bạn bè, người quen, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước… Toàn bộ kinh phí của mạnh thường quân đóng góp được công khai, cầu làm nơi nào thì giao cho chính quyền và người dân trực tiếp giám sát từ kinh phí đến chất lượng. Chính sự minh bạch tài chính đã được nhiều người đồng tình ủng hộ, an tâm góp công góp của, cùng nhau xây cầu. Gần 10 năm qua, ông Y và các cộng sự đã xây được 1.041 cây cầu cáp treo, cầu bê tông, tổng kinh phí trên 126 tỷ đồng. Trong quá trình xây cầu, ông Y nhận được sự ủng hộ của rất nhiều mạnh thường quân, trong đó có tấm chân tình đáng quý của nhà từ thiện người Thụy Sĩ Toni Ruttimann với 48 cầu cáp treo, giá trị trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Y còn thuyết phục được chuyên gia xây cầu người Thụy Sĩ truyền lại những kinh nghiệm làm cầu hiện đại. Loại cầu cáp treo của Toni làm ở Việt Nam lâu nay chưa có, đây là loại cầu thi công nhanh, khoảng thông thuyền rộng, độ bền cao, rất phù hợp với vùng sông nước ĐBSCL. Bài học kinh nghiệm Với thành tích xóa hàng ngàn cầu khỉ, ông Trịnh Văn Y là người đầu tiên trong cả nước được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động trên lĩnh vực này. Ông Toni Ruttimann (người Thụy Sĩ) cũng được tặng Huân chương lao động hạng ba về xây cầu. Theo UBND tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh còn khoảng 550 cầu khỉ, cầu tạm, cầu xuống cấp cần được xây mới. Trong khi đó, ở Cà Mau cũng còn rất nhiều cầu khỉ đang chờ bê tông hóa. Chủ trương của các tỉnh sẽ tiếp tục dựa vào sức dân để làm cầu, đây là cách phát triển nhanh chương trình “tam nông” theo nghị quyết của Đảng. Nói về kết quả xóa cầu khỉ ở nông thôn, ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở GTVT An Giang, cho biết: “Thực tế cho thấy, vai trò cá nhân đã đem sự khác biệt rất lớn. Để đẩy nhanh việc xã hội hóa cầu nông thôn, chúng ta không nên hô hào chung chung mà cần dựa vào những cá nhân uy tín, từ đó sẽ thu hút được nhiều người khác hưởng ứng theo. Điển hình như vua cầu treo Sáu Quý hay ông Võ Văn Út...”. Tại An Giang, Đồng Tháp… mỗi khi có những cá nhân uy tín đứng ra làm cầu thì hàng loạt hộ sẵn sàng đóng góp từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, bà con còn giúp ngày công, vật tư, phương tiện… Điều khiến các ngành chức năng phải suy nghĩ là tại sao cầu do dân làm lại tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian thi công nhanh và chất lượng không thua các công trình Nhà nước (!?). Sở GTVT các tỉnh ĐBSCL thừa nhận, xuất phát từ tấm lòng xây cầu phục vụ xã hội nên mọi công đoạn phải tiết giảm tối đa. Từ việc khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ… không tốn đồng chi phí nào. Đến khi xây dựng, có người dân góp công, hỗ trợ ăn uống, không để thất thoát vật tư, thiết bị... Cầu do dân bỏ tiền ra làm nên ai cũng tận tâm, kỹ lưỡng, nhờ đó chất lượng rất cao. Đây là sự khác biệt so với công trình Nhà nước thực hiện kiểu “cha chung không ai khóc”. Các nhà chuyên môn đánh giá: độ bền của những cây cầu “hai lúa” từ 20 - 30 năm, về mặt thẩm mỹ cũng không chê vào đâu được. HUỲNH PHƯỚC LỢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thongtincanuoc/2010/12/245446/