Xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng: Kinh nghiệm hay của Đà Nẵng

Trong khi nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội đang “đau đầu” giải bài toán nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) vừa thiếu, vừa xuống cấp, chất lượng phục vụ hạn chế, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch…, thì mới đây TP Đà Nẵng đã thực hiện thành công mô hình xã hội hóa NVSCC trong cộng đồng. Mô hình đã kêu gọi được đông đảo doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, hộ kinh doanh… tự nguyện mở cửa cho du khách, người dân địa phương sử dụng miễn phí nhà vệ sinh hiện có của cơ sở mình với tinh thần cởi mở, mến khách.

Hiệu quả bước đầu

Với thông điệp “thoái mải như ở nhà”, tháng 4-2015, mô hình xã hội hóa NVSCC trong cộng đồng do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kết hợp cùng Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu chính thức được triển khai điểm tại quận Hải Châu. Ba “cái được” lớn nhất sau hơn một năm triển khai mô hình nói trên đã được ghi nhận, đó là: Tiết kiệm chi phí cho thành phố trong việc xây dựng và duy trì các điểm vệ sinh công cộng; kết nối doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, đồng thời mang lại hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện, mến khách. Kể từ ngày triển khai, đến nay mô hình đã thu hút hơn 100 nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh… trên địa bàn quận Hải Châu cùng tự nguyện tham gia.

Một cơ sở kinh doanh tham gia dự án “Thoải mái như ở nhà” tại quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Dù được triển khai chưa lâu, phạm vi triển khai chưa được mở rộng, nhưng mô hình đã được chính quyền quận Hải Châu, các cơ quan chức năng, giới truyền thông, du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao, bởi nó mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Theo nhận xét của đại diện một số khách sạn, nhà hàng, việc tham gia mô hình không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Tuy là việc nhỏ nhưng rất ý nghĩa, giúp quận Hải Châu nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung từng bước xây dựng hình ảnh thành phố văn minh trong mắt du khách, đồng thời giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà trước đây đã xảy ra do thiếu NVSCC, hoặc chất lượng phục vụ tại các NVSCC còn hạn chế.

Nên nhân rộng mô hình

Hà Nội là địa phương thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Song, điều làm “mất điểm” là hệ thống NVSCC phục vụ du khách của Hà Nội vừa thiếu, vừa bất cập trong quản lý.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây có 311 NVSCC các loại (119 NVSCC kết cấu bằng vỏ thép, 192 NVSCC xây bằng gạch). Như vậy bình quân mỗi quận chỉ có 24 NVSCC, trong khi đó nhu cầu sử dụng trên địa bàn rất lớn. Trong số đó, Sở Xây dựng đang quản lý 219 NVSCC, số còn lại là do UBND một số quận, huyện, công viên cấp thành phố quản lý, vận hành.

Bà Hoàng Thị Mai Hương - Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, số NVSCC được duy trì và vận hành tốt phục vụ du khách chủ yếu là có kết cấu bằng vỏ thép hoặc NVSCC đặt tại mặt phố, khu vui chơi, vườn hoa công cộng. Còn NVSCC xây bằng gạch nằm sâu trong các khu tập thể, ngõ ngách bị xuống cấp, người dân không có nhu cầu sử dụng nên bỏ hoang, thậm chí không ít NVSCC trở thành điểm tụ tập của đối tượng nghiện ma túy, gây mất an ninh trật tự.

Trước tình trạng thiếu NVSCC, mới đây UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing), đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Xã hội hóa đầu tư cải tạo, lắp đặt mới NVSCC là một chủ trương đúng của TP Hà Nội nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu NVSCC, được dư luận đồng tình. Chủ trương này vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị và tạo thiện cảm đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Thủ đô.

Khi được hỏi về mô hình xã hội hóa NVSCC trong cộng đồng đang được triển khai tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, ông Đồng Phước An đánh giá rất cao hiệu quả xã hội mà mô hình này đem lại. Theo ông, nếu Hà Nội triển khai được mô hình xã hội hóa NVSCC trong cộng đồng như ở Đà Nẵng tại các địa phương thu hút khách du lịch tới tham quan, mua sắm, đặc biệt là các điểm du lịch làng nghề như Vạn Phúc, Đường Lâm, Bát Tràng… thì sẽ rất hiệu quả.

Mô hình này sẽ giảm được chi phí cho thành phố trong việc đầu tư và duy trì hệ thống NVSCC như hiện nay, đồng thời góp phần làm thông thoáng hè phố, tạo môi trường thân thiện giữa du khách và người dân bản địa.

Tuy nhiên, trước khi triển khai, chính quyền các địa phương cần tổ chức khảo sát, tuyên truyền giúp các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh, hộ dân… hiểu rõ về ý nghĩa, hiệu quả xã hội mà mô hình đem lại và tự nguyện tham gia, góp phần xây dựng một Hà Nội ngày càng sạch đẹp, văn minh.

Hoàng Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/854402/xa-hoi-hoa-nha-ve-sinh-cong-cong-kinh-nghiem-hay-cua-da-nang-