Xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức: Đất lúa bỏ hoang

KTĐT - Đức Thượng là xã có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh của huyện Hoài Đức. Hiện cả xã chỉ còn 3% số hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 15 triệu đồng/người/năm.

Có lẽ vì đời sống ngày càng cao nên người dân Đức Thượng không còn thiết tha với sản xuất nông nghiệp. Những mảnh ruộng trước đây là kế sinh nhai của họ thì nay bỏ hoang, cỏ mọc đầy đồng...

Không còn mặn mà với lúa

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thượng cho biết: Xã có gần 3.000 hộ, xấp xỉ 10.000 nhân khẩu sinh sống ở 7 thôn. Mặc dù tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh nhưng Đức Thượng vẫn được coi là xã thuần nông của huyện Hoài Đức. Bởi lẽ, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của xã. Bình quân đất nông nghiệp mỗi lao động đạt 1,3 sào. Trước đây, người dân Đức Thượng chăm chỉ sản xuất lúa, rau màu, không ngừng nâng cao trình độ thâm canh nên năng suất lúa thường xếp vào loại nhất, nhì huyện. Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả thấp, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30% tổng thu nhập toàn xã.

Chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Cựu Quán than thở: "Chẳng ai muốn bỏ ruộng hoang đâu, nhưng nhiều năm nay, sản xuất lúa sau khi trừ mọi chi phí chỉ lãi 50kg/sào, thậm chí thua lỗ do thiên tai, dịch bệnh nên chúng tôi đã bỏ lúa về chăn nuôi, chạy chợ hoặc làm dịch vụ…"

Theo thống kê của UBND xã Đức Thượng, tính đến tháng 5/2012, toàn xã có 11,2ha đất nông nghiệp màu mỡ chuyên cấy 2 vụ lúa/năm, nay bỏ hoang không sản xuất, trong đó thôn Thượng có nhiều diện tích bỏ hoang nhất.

Có mặt tại khu đồng Na, thuộc thôn Cựu Quán, chúng tôi thực sự tiếc khi thấy khoảng 3ha đất trồng lúa ở đây đã bỏ hoang 3 năm nay, giờ cỏ mọc phủ kín. "Ruộng bỏ hoang, chúng tôi cũng xót lắm chứ. Nhưng vận động nhiều rồi, dân vẫn không cấy vì hiệu quả từ sản xuất lúa quá thấp. Một số hộ muốn chuyển đổi từ cấy lúa sang mô hình trang trại V.A.C kết hợp, nhưng do toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã đã nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, không biết Nhà nước lấy đi lúc nào, nên các hộ không dám đầu tư" - ông Thuấn cho biết thêm.

Lúng túng hay làm ngơ?

Qua tìm hiểu được biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho diện tích đất nông nghiệp ở Đức Thượng bị bỏ hoang. Song nguyên nhân chính vẫn là nông dân không còn mặn mà với sản xuất lúa, bởi giá trị thu về quá thấp, trong khi đi chợ một ngày có thể kiếm được 100.000- 200.000 đồng/lao động. Mặt khác, do quá trình thi công xây dựng quốc lộ 32, Khu ĐTM Tân Tây Đô... đã bồi lấp một số tuyến kênh tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất, chưa được khắc phục kịp thời khiến cho diện tích đất lúa thuộc khu đồng Nhuệ, đồng Thượng, đồng Na của xã này nhiều năm không thể cày cấy được. Bên cạnh đó, diện tích lúa ven làng thường xuyên bị nước thải gây ô nhiễm, làm hỏng, chuột bọ lại phá hoại, mất mùa. Ngoài ra, tình trạng chuyển nhượng đất lúa cho người dân nơi khác cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều mảnh ruộng bị bỏ hoang.

Để khắc phục tình trạng trên, xã Đức Thượng đã áp dụng một số giải pháp như tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã cũng đầu tư kinh phí để cải tạo lại các tuyến kênh trước đây bị bồi lấp nhằm cung cấp đủ nước tưới cho nông nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Điều đáng nói, là tình trạng bỏ đất hoang không chỉ có ở Đức Thượng. Ở huyện Hoài Đức, nhiều xã khác cũng trong tình trạng bỏ đất hoang như: Kim Chung, Đức Giang, Sơn Đồng, thị trấn Trạm Trôi, xã Di Trạch... Trước thực trạng đó, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo Phòng Kinh tế tổ chức rà soát và xây dựng phương án khắc phục. Song, theo ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế Hoài Đức, mặc dù huyện tích cực phối hợp với các xã rà soát, tổng hợp diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang nhưng đến nay, Phòng Kinh tế vẫn đang lúng túng trong việc tìm phương án khắc phục!?

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/334414/xa-duc-thuong-huyen-hoai-duc-dat-lua-bo-hoang.aspx