Xã đảo Tam Hải chuyển mình bên chân sóng

Xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) là xã đảo với 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của người dân, cuộc sống của bà con đang đổi thay từng ngày.

Một góc xã đảo Tam Hải. Ảnh: VGP/Mai Vy

Đứng bên này bến cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) nhìn qua bên kia dòng Trường Giang là xã đảo Tam Hải. Cách đất liền chỉ một con đò mà người dân Tam Hải luôn ám ảnh “nỗi sợ đò ngang”.

Gần 20 năm trước, dù dòng Trường Giang chỉ rộng khoảng 500 m nhưng người dân xã đảo gặp bao khó khăn vì đường dây điện chưa đến được, trẻ em thường chỉ học hết lớp 9, chợ xép cũng thưa vắng hàng hóa thiết yếu…

Nhưng người ở đất nghèo khó thường cần cù. Ông Lê Tấn Ích, Trưởng thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải), cười bảo, ở đây khó làm giàu chứ không có chuyện thiếu đói, thiếu ăn. Còn sức thì còn vươn sông làm ăn chứ người dân trong thôn chưa bao giờ trông chờ, ỷ lại vào khoản hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước. Thanh niên trong thôn ngày ngày đi đò đến làm việc ở các công ty, nhà máy bên khu công nghiệp. Còn người lớn tuổi thì theo sông tạo kế sinh nhai hoặc nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế.

Theo ông Lê Tấn Ích, dù cuộc sống chỉ dựa vào đánh bắt thủy sản trên sông Trường Giang, nhưng nay trong số 96 hộ dân ở đây, chỉ còn chưa đến chục hộ nghèo là diện già yếu, neo đơn, không còn sức lao động.

Như để minh chứng thêm cho bản chất cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, ông Ích nói thêm, năm 2015 vừa rồi, thôn Long Thạnh Tây có đôi vợ chồng hơn 60 tuổi đã thoát nghèo, đó là gia đình ông Phạm Nghĩ. Ông bà Nghĩ tự trồng đậu phụng (lạc) và nuôi bò để trả các khoản nợ chứ nhất quyết không chịu nằm diện hộ nghèo, không chờ Nhà nước trợ cấp.

Thôn Tân Lập, xã Tam Hải ngày càng khang trang với đường bê tông nối liền các xóm. Ảnh: VGP/Mai Vy.

Khoảng hơn 20 năm trước, Tam Hải chỉ có những con đường mòn cát biển bỏng rát chân người. Chuyện đường sá có lẽ là một ký ức khó quên trong tâm trí mỗi người dân. Chỉ mỗi trục đường chính của xã được xây dựng bằng bê tông, còn phần lớn đường đi lối lại trong vùng là cát lún cổ chân, đi xe máy thì hầu như phải dắt bộ. Còn hôm nay, trên xã đảo là những con đường bê tông trải dài hầu khắp các ngõ ngách, làng xóm. Điện về đảo kéo theo nhiều đổi thay trong cuộc sống người dân.

Theo ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, qua 5 năm, hơn 4 tỷ đồng đầu tư cho giao thông nông thôn được huy động từ các nguồn khác nhau và làm được gần 6 km đường. Tuy còn ít so với các địa phương khác, nhưng cũng mừng vì bớt đi nhọc nhằn cho dân trong việc đi lại.

Tam Hải đã vươn mình, một phần từ sự quan tâm hơn của Nhà nước và một phần từ chính những người con đất này. Xã cũng hoàn thành tốt công tác chống mù chữ, triển khai thực hiện tốt đề án phổ cập mẫu giáo 5 tuổi và phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, THCS hằng năm. Tỉ lệ vận động học sinh ra lớp ở tiểu học và THCS ở các năm đều đạt 100%.

Từ năm 2010 đến nay, Tam Hải cũng dành trên 100 tỷ đồng được đầu tư xây dựng và sửa chữa cho gần 40 hạng mục, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như nghĩa trang liệt sĩ, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa…

Một trong những chuyển biến lớn của Tam Hải chính là xã đã có bác sĩ ở trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân và người dân được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Năm 2016, Tam Hải có 2.528 hộ dân với toàn bộ 7.465 nhân khẩu đều được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh những chính sách khác dành cho xã đảo về cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh… thì chính sách an sinh xã hội như việc cấp thẻ BHYT là hết sức cần thiết giúp nhân dân an lòng để sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió.

Những con tàu cải hoán giúp ngư dân Tam Hải vươn khơi bám biển. Ảnh: VGP/Mai Vy.

Đổi thay đáng mừng nhất là ngư dân đã ăn nên làm ra từ nghề truyền thống với trên 80% người dân sống bám biển. Những năm gần đây, giá trị sản xuất ngư nghiệp ngày càng tăng. Giá trị đánh bắt từ 41 tỷ đồng (năm 2010) tăng lên gần 60 tỷ đồng năm 2015. Ngoài ra, nghề nuôi trồng thủy sản cũng cho sản lượng trên 1.400 tấn, trị giá hơn 120 tỷ đồng. Năm 2010, xã có khoảng 400 phương tiện, tổng công suất trên 10.535 CV thì đến nay, số tàu thuyền chỉ thêm 15 chiếc nhưng tổng công suất nâng lên khoảng 17.500 CV.

Nhiều năm trở lại đây, chiến lược phát triển kinh tế dựa vào biển đã được xã chú trọng. Từ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, ngư dân ở Tam Hải đã phát triển và đổi mới nhiều phương tiện sản xuất, trang bị nhiều ngư cụ tiên tiến và hiện đại.

Năm 2015, Tam Hải chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo, với nhiều chính sách hỗ trợ, góp phần làm thay đổi diện mạo đất đảo hôm nay. Dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng đất đảo đang từng bước trở mình, những con tàu nơi này vẫn vươn khơi, mang theo ước mơ no ấm.

Mai Vy

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-dia-phuong/xa-dao-tam-hai-chuyen-minh-ben-chan-song/285237.vgp