World Cup là mục tiêu, không phải giấc mơ

Sau những thành công của bóng đá trẻ thời gian qua, đặc biệt là sự kiện U.20 Việt Nam dự VCK U.20 thế giới và chức vô địch U.15 Đông Nam Á của U.15 Việt Nam, bóng đá Việt Nam đang hướng về World Cup như một mục tiêu có thể thành hiện thực chứ không chỉ là những giấc mơ. Đó thực sự là một cuộc “cách mạng” trong tư duy lẫn cách làm…

Sau chức vô địch U.15 Đông Nam Á, mục tiêu của U.15 Việt Nam là VCK Châu Á và tấm vé World Cup. Ảnh: VFF

Từ “giấc mơ”...

Năm 2014, sau khi lứa cầu thủ U.19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL Arsenal JMG tạo nên cơn sốt, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt vào lứa cầu thủ này. Thế nhưng đó lại là những dấu ấn chủ yếu đến từ các giải trẻ và giải đấu giao hữu, những sân chơi mà các cầu thủ trẻ chơi để cống hiến và ít nhiều phục vụ mục đích xây dựng hình ảnh, làm truyền thông. Tuy nhiên, trước ánh hào quang và cả những khác biệt từ dàn cầu thủ trẻ nhà bầu Đức, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng ngẫu hứng tuyên bố trước báo chí rằng lứa cầu thủ này sẽ được VFF và các nhà tài trợ đầu tư tối đa với tham vọng góp mặt ở… World Cup 2018.

Thế rồi, U.19 Việt Nam sau những kỳ vọng cũng chỉ trở thành đội bóng về nhì hai năm liên tiếp ở giải vô địch U.19 Đông Nam Á 2013 và 2014. Sau đó U.19 Việt Nam đã lỡ giấc mơ dự U.20 World Cup 2015 khi thất bại ở VCK U.19 Châu Á 2014, khi thất bại trước các cầu thủ cùng trang lứa cũng được đầu tư lớn là U.19 Myanmar.

Cũng sau cơn sốt mang tên U.19, bầu Đức đã quyết định bê nguyên lứa cầu thủ trẻ lên đội 1 đá V.League. Thế nhưng đó là một sai lầm, do quá nhiều khác biệt những như hạn chế mang tính chủ quan, Công Phượng và các đồng đội gặp khó khăn, liên tiếp hứng chịu thất bại ở sân chơi khắc nghiệt ngay lần đầu góp mặt. Còn ở cấp độ ĐTQG, HLV Miura không chọn cái tên nào. Trong kế hoạch tập trung của ĐT U.23 chuẩn bị cho vòng loại U.23 Châu Á cũng như SEA Games 29 năm 2015, các cầu thủ HAGL dù có thời điểm có 9 người góp mặt nhưng thực tế chỉ có 1-2 cầu thủ được sử dụng thường xuyên. Thế rồi lứa U.19 cứ vỡ dần và những cầu thủ trẻ cũng bắt đầu nhận ra giá trị thực của chính mình.

Nhìn lại phát ngôn của Chủ tịch VFF giống như một câu “nói cho vui”. World Cup dù sao cũng chỉ là một giấc mơ với bóng đá Việt. Đó là chưa kể trước đây, trong mỗi lần tham dự vòng loại World Cup, ĐTQG cũng thường xuyên bị loại sớm với những tỉ số đậm. Sân chơi đó vẫn được xem là quá tầm với bóng đá Việt Nam. Và dù lứa U.19 năm đó được tung hê và tạo ra cơn sốt “điên rồ” thì World Cup vẫn chỉ là điều ước.

... đến mục tiêu

Bước ngoặt thực sự của bóng đá Việt Nam đã mở ra khi U.20 Việt Nam giành vé dự VCK U.20 World Cup 2017. Và ở giải đấu trên đất Hàn Quốc, U.20 Việt Nam không chỉ có được 1 điểm, cái được hơn chính là tinh thần thi đấu và sự tự tin của U.20 Việt Nam đã khiến các đối thủ phải nhớ đến mình. Một giải đấu mà bóng đá Việt Nam không chỉ được về mặt chuyên môn mà còn cả hình ảnh.

Tấm vé dự World Cup của U.20 Việt Nam đã hiện thực hoá giấc mơ dự World Cup lần đầu của bóng đá Việt, mục tiêu mà trước đó hai năm các thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… dang dở. Phải thừa nhận một điều rằng, U.19 Việt Nam năm 2016 giành tấm vé lịch sử không chỉ bằng tinh thần mà đã có một lộ trình và kế hoạch cụ thể của VFF trong việc đầu tư, định hướng cho bóng đá trẻ.

Sau khi U.20 Việt Nam trở về từ U.20 World Cup, VFF nhận thấy hiệu quả của việc phát triển bóng đá trẻ có kế hoạch, mô hình này bắt đầu được áp dụng nhiều hơn với tất cả các ĐTQG. Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói rằng sự thành công của U.20 Việt Nam chính là do quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình, mục tiêu rõ ràng. Những chuyến tập huấn tại Đức, những trận giao hữu chất lượng như trận gặp U.20 Argentina và quá trình chuẩn bị dài về thể lực, tâm lý và chiến thuật đã giúp thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hái quả ngọt.

Điều này đã khiến VFF bắt đầu vạch ra lộ trình cho bóng đá nữ đến World Cup. Thực tế, sau khi kết thúc vòng loại ASIAN Cup 2018, HLV Mai Đức Chung dù tuyên bố rằng World Cup là giấc mơ nhưng cũng thừa nhận bóng đá nữ Việt Nam ở dưới tầm so với các đội khác trong top đầu khu vực Châu Á. Thế nhưng trước khi tuyển nữ tập trung cho SEA Games 29, HLV Mai Đức Chung đã có buổi làm việc với lãnh đạo VFF và nhận chỉ đạo là mục tiêu vô địch Đông Nam Á rồi tấm vé World Cup.

Ngày 22.7 vừa qua, U.15 Việt Nam đã giành chức vô địch Giải U.15 Đông Nam Á sau khi đánh bại U.15 Thái Lan ở trận chung kết. Thêm một dấu ấn nữa của bóng đá trẻ Việt Nam. Để đặt được thành tích này, U.15 Việt Nam cũng đã được đầu tư, định hướng và có mục tiêu cụ thể. Chính VFF đã đưa giải đấu U.15 quốc tế đến Việt Nam như một cuộc cọ sát chất lượng cao trước thềm giải U.15 Đông Nam Á.

Nếu U.15 Việt Nam cũng đi theo con đường của các đàn anh, việc giành vé tham dự U.17 World Cup 2019 là mục tiêu hoàn toàn nghiêm túc. Với những nền tảng, cơ sở đã được tạo ra từ thế hệ U.20, HLV Vũ Hồng Việt đã nói rằng U.17 World Cup 2019 chính là mục tiêu của ông. U.15 Việt Nam sẽ được đầu tư, chuẩn bị và từng bước hướng đến cái đích đó, biến giấc mơ thành hiện thực.

Với bóng đá trẻ Việt Nam, World Cup bây giờ không còn là giấc mơ mà là mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Chính lãnh đạo VFF cũng đã và đang định hướng tư tưởng này đến các đội tuyển. Đó là một bước tiến ngay từ trong suy nghĩ, tư duy của lãnh đạo VFF cũng như những người làm bóng đá.

Ở cấp độ ĐTQG, mục tiêu thiết thực nhất trước mắt là tấm HCV SEA Games 29 và chức vô địch AFF Cup 2018. Không nói ra nhưng cả HLV Hữu Thắng lẫn lãnh đạo VFF đều hiểu, ở khu vực Đông Nam Á hiện giờ, nếu không vô địch thì cũng có thể coi là thất bại với bóng đá Việt Nam.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/world-cup-la-muc-tieu-khong-phai-giac-mo-686695.bld