Washington vội vã tìm cách đối phó tên lửa siêu thanh của Nga

Lầu Năm Góc dường như đã bị bất ngờ trước những tiến bộ của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí siêu thanh của Nga và đang tìm cách nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của mình một cách vội vã.

Vào đầu tuần này, một số quan chức quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch triển khai một loại tên lửa siêu thanh định hướng tầm xa trước năm 2020, khiến Mỹ buộc phải tìm cách chế tạo một hệ thống phòng không mới để đối phó.

Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tìm cách đối phó với tên lửa siêu thanh của Nga, dự kiến sẽ xuất hiện trước năm 2020.

Các chuyên gia tên lửa của tập đoàn Lockheed Martin tin rằng Lầu Năm Góc đang đề ra những phương án khác nhau để bắn rơi các loại tên lửa siêu thanh, trong đó bao gồm nâng cao tầm bắn của Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), cũng như các loại laser có khả năng nhanh chóng tiêu diệt tên lửa của đối phương.

Tuần trước, Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiến tiến Mỹ (DARPA) bắt đầu một dự án nghiên cứu một hệ thống có thể đánh chặn hàng trăm loại máy bay không người lái cỡ nhỏ và tên lửa cùng lúc. Điều này đã khiến các chuyên gia quốc phòng cho rằng, rất có thể Mỹ đang muốn chế tạo một hệ thống laser hiện đại.

Thêm vào đó, Mỹ cũng được cho là đang chế tạo tên lửa siêu thanh, tuy nhiên một số chuyên gia người Mỹ nói rằng những dự án nhằm đối phó với những tiến bộ vượt bậc của Nga có thể sẽ không thành công do thiếu kinh phí.

“Các chương trình quân sự nhằm đối phó với Nga hiện mới chỉ được cung cấp rất ít ngân sách và có thể sẽ không cho ra được một loại vũ khí hoàn chỉnh”, ông Mark Schneider, một cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết.

Ông Boris Obnosov, giám đốc Tập đoàn Tên lửa Chiến lược Nga bày tỏ hi vọng của mình đối với tên lửa siêu thanh mới của Nga. “Rõ ràng là với tốc độ như vậy, khi tên lửa có thể đạt tốc độ gấp 7 đến 12 lần tốc độ âm thanh, mọi hệ thống phòng không đều sẽ không phát huy hiệu quả vốn có”, ông nói. Đô đốc Hải quân Mỹ Cecil Haney cũng đồng ý với đánh giá của ông Obnosov rằng “công nghệ siêu thanh có thể khiến việc phòng vệ trở nên khó khăn hơn”.

Ông Obnosov tin rằng sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí siêu thanh của Nga không chỉ đẩy mạnh sức mạnh quân sự của Nga mà có thể đưa nó trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước.

“Những bước đột phá trong việc phát triển công nghệ siêu thanh sẽ là chất xúc tác để thúc đẩy toàn bộ nền công nghiệp Nga, thậm chí là nền kinh tế của đất nước”, ông Obnosov nhận định.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

Anh Tuấn (lược dịch)

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/washington-voi-va-tim-cach-doi-pho-ten-lua-sieu-thanh-cua-nga-post207580.info