Washington dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị Trung Đông

Đưa người Kurd lên vũ đài chính trị tại Trung Đông, trong tương lai sẽ là thành lập một nhà nước của người Kurd, giống như nhà nước của người Do Thái...

12giờ ngày 28/2/1991 theo giờ Hà Nội, cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất - Chiến dịch Bão táp Sa mạc - chính thức kết thúc, khi đất nước Kuwait được giải phóng. Từ đó đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều cuộc chiến nữa, nhưng chưa có một cuộc chiến nào có quy mô như cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất ấy.

Cũng nên nhắc lại rằng, với tham vọng bá chủ Trung Đông nhưng thất vọng khi không thể chiến thắng trong cuộc chiến Iran – Iraq, với tính khi nóng nảy và hành xử kẻ cả, ngày 2/8/1990, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã xua quân sang xâm chiếm Kuwait và nhanh chóng chiến thắng. Ngày 9/8/1990 Saddam tuyên bố sáp nhập Kuwait làm tỉnh thứ 19 của Iraq.

Để buộc Saddam Hussein phải tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc tôn trọng chủ quyền của một quốc thành viên, Hội đồng Bảo an LHQ lấy danh nghĩa Giải Phóng Kuwait, cho phép thành lập Liên minh quân sự 34 nước do Mỹ đứng đầu. Và ngày 17/1/1991 Liên quân đã mở màn cuộc tấn công đánh đuổi Iraq, tái lập chủ quyền cho nhà nước Kuwait.

Đại diện người Kurd được bầu làm Tổng thống Iraq thời hậu Saddam Hussein là thắng lợi chính trị quan trọng của washington trong việc chuẩn bị vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông. Ảnh : quotationof.com

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất thật sự đã nhạt nhòa trong ký ức người dân thế giới. Tuy nhiên, theo người viết thì có nhiều vấn đề liên quan tới cuộc chiến ấy vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong đó đặc biệt là việc Washington giúp nâng cao vai trò của người Kurd trong bàn cờ chính trị tại Trung Đông, nhằm thực hiện mưu đồ chiến lược của mình tại vùng đất khói lửa này.

Tạo địa vị chính trị cho người Kurd bắt đầu từ thiết lập vùng cấm bay tại Bắc Iraq

Theo thực tế lịch sử, người Kurd là một tộc người sinh sống tại "ngã tư biên giới" của bốn quốc gia là Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến trước khi cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra, người Kurd chỉ được xem là một tộc người thiểu số, gần như không có quyền lợi chính trị gì tại các quốc gia được cai trị bởi người Hồi giáo dòng Sunni hoặc Shiite.

Thậm chí tại Iraq – nơi có cộng đồng người Kurd sinh sống lớn nhất – chính quyền Saddam Hussein còn đàn áp rất đẫm máu những hành động phản kháng, đòi tự trị, đòi quyền lợi chính trị của người Kurd. Tại Thổ Nhĩ Kỳ - tổ chức chính trị của người Kurd, đảng Công nhân người Kurd (PKK) còn bị liệt kê vào danh sách những tổ chức khủng bố quốc tế.

Nguyên là Giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA), cựu Tổng thống G.H.W.Bush (Bush cha) đã nhận ra sự lợi hại của người Kurd tại Trung Đông, nếu họ có được đia vị chính trị tại vùng đất nóng này. Vì vậy, với vai trò là tổng tư lệnh của lực lượng Liên quân 34 nước tấn công Iraq, giải phóng Kuwait, người đứng đầu Nhà Trắng đã có bước đi quan trọng.

Hai Tổng thống nhà Bush là những tác nhân quan trọng trong việc tạo ra vị thế chính trị cho người Kurd tại Trung Đông. Ảnh : Internet

Theo dư luận quốc tế lúc bấy giờ, mục đích Mỹ phát động cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất là nhắm đuổi quân đội của Saddam Hussein khỏi Kuwait dưới lá cờ của Liên Hợp Quốc, qua đó cũng chính thức gạt bỏ vai trò của Liên Xô trên bàn cờ chính trị thế giới, ngăn chặn tham vọng bá chủ Trung Đông của bất cứ thế lực nào và cuối cùng là lợi ích từ những giếng dầu.

Tuy nhiên, người viết luôn cho rằng mục đích quan trọng nhất của Tổng thống G.H.W.Bush là tìm cách tạo địa vị chính trị cho người Kurd, rồi sẽ đưa lực lượng này bước lên vũ đài chính trị tại Trung Đông, trong tương lai sẽ là thành lập một nhà nước của người Kurd, giống như nhà nước của người Do Thái sau Thế chiến II.

Do vậy, khi việc giải phóng Kuwait đã hoàn thành, Chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc với thất bại nặng nề của Saddam Hussein và dẹp luôn được ảo tưởng của M.Gorbachev, Washington đã tạo ra vị thế chính trị rất lớn tại Trung Đông – cơ sở tốt nhất cho những nước cờ chính trị của mình. Và G.H.W.Bush bắt đầu thực hiện điều ấy qua việc lập Vùng cấm bay tại miền Bắc Iraq.

Theo đó mọi sự xâm phạm không phận tại Vùng cấm bay đều bị tấn công, ngay cả đối với quân đôi Iraq, cho dù chính quyền Saddam Hussein vẫn đại diện cho chủ quyền quốc gia của Iraq. Như vậy, dù vẫn quản lý đất nước Iraq, nhưng thực ra Saddam Hussein đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát với tộc người Kurd tại miền Bắc nước này.

Có thể thấy rằng việc thiết lập Vùng cấm bay cho khu vực người Kurd sinh sống tại Iraq sau khi Chiến tranh Vùng Vịnh lấn thứ nhất kết thúc, là một nước đi quá chuẩn xác của G.H.W.Bush trong việc tạo ra vị thế cho người Kurd không chỉ tại Iraq mà ở cả khu vực Trung Đông. Nhờ sự che chở của Washington, lực lượng người Kurd đã tăng cường chuẩn bị và tập trung lực lượng, chờ cơ hội bước lên vũ đài chính trị sau hàng thế kỷ khát khao và tranh đấu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/washington-dung-nguoi-kurd-ve-lai-ban-co-chinh-tri-trung-dong-3323333/