VWS đòi trả 2.000 tấn rác/ngày, Thành phố Hồ Chí Minh nói gì?

Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã có văn bản gửi đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đề nghị ngưng xử lý 2.000 tấn rác thải/ngày và trả lại cho thành phố số rác này kể từ ngày 10/10.

Trước sức ép của dư luận về việc bãi rác Đa Phước gây mùi hôi phía Nam Sài Gòn, VWS đã có văn bản gửi đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đề nghị ngưng xử lý 2.000 tấn rác thải/ngày và trả lại cho thành phố số rác này kể từ ngày 10/10 đến tháng 2/2017.

Quá tải rác

Trong những ngày qua, khu Nam Sài Gòn, bao gồm Quận 7, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè vẫn bốc mùi hôi thối. Khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (hay còn gọi là bãi rác Đa Phước) được xác định là thủ phạm gây ra mùi hôi này, nguyên nhân một đoạn hàng rào ngăn bãi rác Đa Phước với kênh dẫn ra sông Cần Giuộc bị sạt lở nghiêm trọng, rác tràn ra bờ kênh. Hiện chủ đầu tư bãi rác Đa Phước vẫn đang khắc phục sự cố.

Chị Lan (ấp 3, xã Đa Phước) có nhà gần bãi rác Đa Phước cho biết hàng rào bãi rác sạt lở từ ngày chủ nhật tuần trước. Rác và nước rỉ rác tràn ra ngoài rất hôi. Đáng lo ngại, mùi hôi những ngày gần đây đặc quánh, khó chịu hơn do mưa liên tục, khiến cho việc khắc phục sạt lở thêm chậm.

Do quá tải và không xử lý kịp rác, khu Nam Sài Gòn phải chịu mùi hôi thối trong thời gian qua. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Trong khi chưa tìm được giải pháp khắc phục sự cố sạt lở hàng rào và xử lý mùi hôi từ bãi rác Đa Phước, TP.HCM lại phải “đau đầu” về việc VWS đề nghị trả lại 2.000 tấn rác/ngày cho thành phố theo văn bản mà VWS gửi lên Thành ủy và UBND TP.HCM ngày 5/10 vừa qua, nguyên nhân là do sức ép dư luận cũng như quá tải về việc xử lý rác.

Đại diện VWS cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngày 19/9/2014, công ty xử lý chất thải Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý khối lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày từ Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM chuyển qua. Để thực hiện yêu cầu này, công ty xử lý chất thải Việt Nam đã đầu tư thêm nhiều thiết bị mới, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, mở rộng công nghệ nano... Tuy nhiên, do quá tải rác cộng với TP.HCM đi vào mùa mưa nên đã làm phát sinh mùi hôi trên diện rộng ở khu vực Nam Sài Gòn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

VWS cho biết sẽ tiếp nhận lại số rác này vào tháng 2/2017 khi nhà máy xử lý nước thải được xây dựng hoàn chỉnh hoặc sẽ thông báo trước 5 ngày khi có khả năng tiếp nhận. Trong thời gian này, VWS sẽ giữ nước rỉ chưa qua xử lý ở hồ chứa tạm; đồng thời VWS sẽ phân công, chuyển nhân công sang làm các nhiệm vụ khác.

Không nhận, rác về đâu?

Theo các nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường, việc VWS yêu cầu không tiếp nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày là làm khó cho chính quyền TP.HCM. Vì thế, tại buổi làm việc với VWS mới đây, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn UBND TP.HCM, cho biết việc VWS muốn tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) chỉ là đề nghị từ phía doanh nghiệp. Trong khi chưa có những thảo luận, thống nhất giữa hai bên trong hợp đồng, hay quyết định từ cấp thẩm quyền của TP.HCM, phía doanh nghiệp vẫn phải tiếp nhận toàn bộ lượng rác của thành phố như đã cam kết.

Còn ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, cho hay hiện nay TP.HCM đang tập trung thực hiện 1 trong 7 chương trình đột phá là chương trình giảm ô nhiễm môi trường vì thế vấn đề xử lý rác cũng được thành phố rất quan tâm, theo đó quá trình xử lý sẽ căn cứ vào hợp đồng giữa 2 bên đã ký kết. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ xem xét hết sức thấu đáo, kỹ lưỡng để tham mưu cho thành phố, đảm bảo chất lượng sống cho người dân. Bởi hiện nay, TP.HCM đã tính toán và xây dựng bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để dự phòng, nơi đây có thể tiếp nhận liên tục 2.000 tấn/ngày trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, theo TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Điều quan trọng nhất là thời gian tới, bãi rác Đa Phước phải thực hiện tốt các chỉ đạo của thành phố để không làm phát tán mùi hôi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu Nam Sài Gòn. “Theo tôi, nếu giảm 2.000 tấn/ngày để giải quyết vấn đề mùi hôi thì cũng không giảm đáng kể, dù có 3.000 tấn hay 5.000 tấn/ngày thì nó cũng phát tán mùi”, ông Bằng cho biết thêm.

Do đó, ông Bằng đề nghị trước mắt TP.HCM nên thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường mà UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên Môi trường đã công bố, như tối ưu hóa diện tích tiếp nhận, phải tiến hành phủ bạc kín để thu khí, các hồ chứa nước rỉ rác phải đậy kín kèm theo xịt chế phẩm khử mùi. Nếu làm tốt các vấn đề trên, sẽ hạn chế mùi hôi phát tán. Về lâu dài, TP.HCM phải học theo các nước phát triển như Nhật, Mỹ... trong các khâu phân loại rác tại nguồn, loại nào sử dụng được thì sử dụng lại, loại nào không sử dụng lại được thì chôn, lúc đó diện tích bãi rác sẽ ít hơn.

Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, trước mắt thành phố cần xử lý rốt ráo công tác đền bù giải phóng xong mặt bằng, thu hồi đất để trồng gần 1.000 ha cây xanh cách ly theo quy hoạch và cam kết với nhà đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng dãi phân cách cây xanh, cách ly các khu liên hợp xử lý rác đối với khu vực dân cư xung quanh. Bởi theo KTS Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch TP.HCM có 2 bãi rác là bãi rác Phước Hiệp và bãi rác Đa Phước. Trước đây, 2 bãi này không nằm trong khu dân cư, nhưng do tốc độ phát triển của TP.HCM hơi nhanh so với dự báo của các nhà quy hoạch. “Do đó, giai đoạn trước mắt phải tạm thời chấp nhận mùi hôi, nhưng chủ đầu tư của bãi rác Đa Phước cần phải thực hiện theo đúng quy hoạch ban đầu là xác định các khoảng cây xanh xung quanh để giảm mùi. Đây là tình thế trước mắt cho thành phố có thể xử lý một lượng rác thải hàng ngày rất lớn, về lâu dài thì không thể để nó nằm trong khu dân cư được”, ông Trí nói.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải ở Thủ Thừa – Long An với quy mô 1.000 ha để nhanh chóng di dời các nhà máy xử lý rác ra khỏi khu dân cư. Bên cạnh đó, TP.HCM cần phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường và quá tải ở các khu xử lý chất thải hiện nay.

Hải Yên

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/vss-doi-tra-2000-tan-racngay-thanh-pho-ho-chi-minh-noi-gi-20161008111159156.htm