Vượt thẩm quyền

Khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chuyên môn về chất lượng nước mắm như Vinastas công bố, PV đã có các cuộc trao đổi với các chuyên gia để giúp bạn đọc, người tiêu dùng có góc nhìn đa chiều hơn về các sản phẩm nước mắm đang lưu hành hiện nay.

Từ chỗ nói nguy hại cho sức khỏe đến lại nói an toàn

Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), những công bố mà Vinastas đưa ra chỉ nên có mục đích khuyến cáo để người tiêu dùng biết để có phương án lựa chọn... Tuy nhiên, nếu nhìn vào những kết luận của Vinastas công bố ngày 17/10/2016 thì rất nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu trong kết luận đó “có động cơ khác không”?

Dưới góc nhìn khoa học, PGS Thịnh nhấn mạnh “Đối với một cơ quan quản lý nhà nước hay một tổ chức phi chính phủ thì đều phải hiểu những vấn đề sau: Thứ nhất là phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chính đáng; bảo vệ nhà kinh doanh chính đáng và không làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp; đặc biệt là trong tình hình hiện nay chúng ta đang khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư và phát triển thì càng không được làm ảnh hưởng đến công việc sản xuất - kinh doanh của họ”.

Về việc công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc của Vinastas, PGS. Thịnh cho rằng đây là một kết luận vội vàng, không có cơ sở và không có luận cứ rõ ràng và ngay cả những từ ngữ được Hiệp hội sử dụng khi công bố cũng chưa chính xác.

PGS Thịnh đưa ra ví dụ, từ mà Vinastas sử dụng trong kết luận là “vượt ngưỡng cho phép”, từ này chỉ dùng cho những trường hợp doanh nghiệp có sản phẩm nước mắm sau khi được kiểm nghiệm đã vi phạm và đã được cảnh báo rằng những chất có trong nước mắm của doanh nghiệp đó đã không an toàn thì mới được coi là vượt ngưỡng. Còn với kết luận về hàm lượng Asen có trong nước mắm mà Vinastas công bố là vượt ngưỡng cho phép, nhưng đơn vị lại không chỉ ra được đâu là asen vô cơ và asen hữu cơ sau đó kết luận cuối cùng thì lại tổng kết lại đó là sản phẩm an toàn. Vậy, nếu là sản phẩm an toàn thì cần gì phải kết luận là đều vượt ngưỡng cho phép. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng cần phải làm rõ.

Vinastas vượt quá thẩm quyền

Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, Bà Trần Việt Nga -Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo, trước ngày 22/10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo bà Nga, có thể thấy, khi các cơ quan chức năng và phương tiện đại chúng chưa có thông tin chính thức về độ an toàn của nước mắm thì người tiêu dùng vẫn không thể yên tâm. Khi đó họ sẽ tìm đến các sản phẩm khác thay thế nước mắm hoặc mua nước mắm nhập khẩu từ nước ngoài .

Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, việc Vinastas đứng ra công bố kết luận về một sản phẩm nào đó không chỉ riêng sản phẩm nước mắm có vi phạm hay không vi phạm về về yếu tố kỹ thuật là vượt thẩm quyền của mình. Vì để kiểm nghiệm chất lượng của một sản phẩm nó phải phụ thuộc vào kết quả của cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực đó mới có thể kết luận và thông tin đó mới được coi là chính thống. Những thông tin do Hiệp hội cung cấp chỉ mang tính chất khuyến cáo đối với những thành viên của họ mà không có ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, khi đã công bố như vậy thì những thông tin do Hiệp hội cung cấp đã tạo ra một tâm lý hoang mang cho người sử dụng đồng thời ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đang kinh doanh nước mắm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vuot-tham-quyen-44125.html