Vượt lên thương tật, không chịu đói nghèo

Tại hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016 tổ chức tại TP. Cần Thơ, nhiều đại biểu đã chia sẻ về câu chuyện tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.

Thủ tướng: ‘Góp sức phát triển đất nước là cách...

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (huyện Tiền Hải, Thái Bình, là con liệt sĩ) kể câu chuyện của bản thân mình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

299 đại biểu đại diện cho hàng triệu người có công cả nước tham dự hội nghị dù làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều có một điểm chung về tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Thời hoa lửa, những người lính hiên ngang bất khuất trước mọi kẻ thù, kiên trung với lý tưởng. Trở về với cuộc sống đời thường, những chiến sĩ ấy lại là tấm gương, là biểu tượng tinh thần vươn lên mạnh mẽ cho con cháu noi theo.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hậu (trú tại ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) năm nay 80 tuổi, kể câu chuyện của mình.

Năm 1954, mẹ tham gia cách mạng, 18 tuổi là giao liên, bị địch bắt giam tại các nhà tù ở Mỹ Tho, Gò Công, Phú Lợi rồi bị đày ra Côn Đảo. Năm 1971, mẹ chịu nỗi đau lớn khi chồng mẹ là đại đội trưởng, con trai là tiểu đội phó cùng hy sinh.

Mẹ trở thành trụ cột gia đình. Từ chỗ phải đi làm thuê, trồng cây ăn quả, rồi nuôi heo, gà, cá… Đến nay, mẹ đã xây được nhà với đầy đủ các tiện nghi, gia đình luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm tại địa phương.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cảm phục trước nỗ lực không ngừng nghỉ của thương binh hạng 4/4 Đỗ Thám, hiện trú tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1972, ông bị thương tại căn cứ Rừng Le, tỉnh Bình Long. Sau khi điều trị vết thương, ông trở về công tác tại Huyện đội Bù Đốp, rồi trở thành Phó Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé, sau đó chuyển ngành về công tác trong ngành y tế và nghỉ hưu năm 2002.

Năm 2003, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, ông đầu tư trồng hàng chục ha cao su. Hiện nay, từ diện tích 50 ha cao su, gia đình ông có thu nhập một tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 21 lao động, trong đó có 13 người dân tộc thiểu số với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Còn bệnh binh 3/3 đồng thời là thương binh 4/4 Nguyễn Hồng Hải, trú tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cũng giành được sự khâm phục của các đại biểu dự hội nghị.

Năm 1979, ông xuất ngũ về địa phương, những ngày đầu không có ruộng đất, vợ con ốm đau, phải nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm. Nhưng với ý thức không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước và bạn bè, người thân, ông quyết tâm vừa làm vừa tích lũy. Đến nay, ông Hải đã đầu tư được 4 trạm bơm phục vụ tưới tiêu cho trên 600 ha đất trồng lúa của người dân trong xã, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động nông thôn.

Trao đổi về câu chuyện phấn đấu vươn lên, anh Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống thì “sự lạc quan và hy vọng về một tương lai tươi sáng ngay cả khi cận kề cái chết của những người lính, trong đó có cha tôi, đã khiến tôi bình tâm trở lại, cố gắng rèn luyện, để xứng đáng với truyền thống gia đình và quê hương”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn là con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng, nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320.

Sinh ra chưa biết mặt cha, mẹ lại bị tai nạn mất sớm, anh Tuấn lớn lên trong sự dạy dỗ, đùm bọc của các thầy cô của Trường Nguyễn Viết Xuân, cơ sở nuôi dạy con em các liệt sĩ của TP. Hà Nội.

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, anh đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ, sau đó hoàn thành tiếp chương trình thạc sĩ về công nghệ thông tin và kinh tế. Tốt nghiệp, anh xin về Trường Nguyễn Viết Xuân với nguyện vọng được tiếp tục cống hiến, nuôi dạy con em của các gia đình liệt sĩ tại chính ngôi trường đã cưu mang và đùm bọc nuôi nấng anh. Với nỗ lực của bản thân, anh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Viết Xuân và nay là Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Cũng giống hoàn cảnh anh Tuấn, anh Nguyễn Văn Hán (trú tại huyện Tiền Hải, Thái Bình) có bố hy sinh khi anh tròn 5 tuổi, mẹ bị bệnh mãn tính ốm đau thường xuyên. Từ nhỏ, anh đã phải bươn trải kiếm sống. Nhưng nhờ có ý chí học tập, anh đã thi đỗ Đại học Y, hiện công tác tại bệnh viện huyện.

Với đồng lương ít ỏi, anh cùng gia đình phát triển kinh tế với mô hình ruộng-vườn-chuồng trại. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch trên 4 tấn lúa, xuất chuồng khoảng 11 tấn lợn thịt, 120 con lợn giống, thu hoạch 140 triệu đồng từ cây hòa. Từ năm 2009 trở lại đây, hằng năm, gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Anh đã giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và thường xuyên đóng góp tiền của, công sức và gương mẫu hiến đất để xây đường xã nông thôn mới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cảm kích trước tinh thần và ý chí của các cá nhân người có công tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tôi rất xúc động được nghe những câu chuyện rất đáng khâm phục về ý chí, nghị lực phi thường, sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ và sáng tạo của các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và thân nhân liệt sĩ trên nhiều lĩnh vực. Các đồng chí đã tiếp tục thể hiện tinh thần và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, trung với nước, hiếu với dân, tự khẳng định bản thân mình đối với gia đình, xã hội và tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước”.

Thủ tướng nói: “Chúng ta trân trọng nỗ lực to lớn của những thương binh, bệnh binh, người có công và gia đình chính sách đã chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước, đã nỗ lực vươn lên, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Đức Tuân

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/vuot-len-thuong-tat-khong-chiu-doi-ngheo/282298.vgp