Vướng thủ tục kiểm dịch, xuất khẩu hoa gặp khó

Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu hoa đang gặp “rào cản” trong việc nhập giống liên quan đến công tác kiểm dịch thực vật dẫn đến thiếu giống để sản xuất.

Chăm sóc hoa cúc Đà Lạt. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tại hội nghị “Đánh giá công tác kiểm dịch thực vật năm 2012” diễn ra ngày 17/4, tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hoa của Lâm Đồng đã kiến nghị cần sớm đổi mới cơ chế, chính sách về kiểm dịch thực vật trong thời gian tới.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Hoa Đà Lạt, từ tháng 8/2011 đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu giống cây trồng và các đối tác xuất khẩu từ nước ngoài hầu như không được cấp phép nhập khẩu giống cây trồng từ các quốc gia trên thế giới về nội địa.
Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, các doanh nghiệp đang gặp khó trong thủ tục cấp giấy kiểm dịch thực vật phục vụ nhập khẩu giống cây trồng theo Quyết định 48/2007 và Thông tư số 39/2012 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Cụ thể, quy định cấp giấy phép nhập khẩu giống hoa chỉ trong 6 tháng, thay vì 1 năm, điều này đã gây khó khăn trong việc đặt đơn hàng để xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt cũng cho hay, năm nay, Trung tâm gặp rào cản về kiểm dịch thực vật nên không thể nhập giống về để tiến hành khảo nghiệm. Vì vậy, Trung tâm không thể cung cấp giống cho người dân được, trong khi đó 95% cây giống hoa của Đà Lạt được nhập khẩu từ nước ngoài.
Cũng theo các doanh nghiệp, thủ tục kiểm dịch thực vật còn có nhiều điều không hợp lý như có giống cho nhập, có giống không cho mà không có giải thích; có doanh nghiệp được nhập giống này, còn doanh nghiệp khác lại không được.
Hậu quả là nhiều doanh nghiệp không nhập được giống, giống không đủ phân phối cho nông dân, nhiều diện tích trồng hoa bỏ hoang và doanh nghiệp trễ hẹn với khách hàng.
Trao đổi với các doanh nghiệp, ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuận lợi, Cục sẽ tăng thời gian từ 6 tháng lên 1 năm nếu doanh nghiệp đề nghị.
Đà Lạt hiện có trên 3.500 ha đất trồng hoa với 400 loài hoa gồm hàng nghìn giống hoa khác nhau, là nơi trồng và xuất khẩu hoa lớn nhất nước.
Không chỉ Đà Lạt mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng gặp phải rào cản về cơ chế kiểm dịch thực vật. Vì vậy, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực cấp phép kiểm dịch thực vật trong nhập khẩu giống cây trồng là điều cần thiết./.

Đặng Tuấn (TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/vuong-thu-tuc-kiem-dich-xuat-khau-hoa-gap-kho/20134/193258.vnplus