Vùng đất giàu truyền thống uống nước nhớ nguồn

Năm 1947 tại xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Ðảng, Nhà nước đã lựa chọn ngày 27-7 trở thành ngày tri ân các thương binh, liệt sĩ. Suốt 70 năm qua, người dân nơi đây luôn thể hiện sâu sắc đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc.

Cụ Tạ Thị Cậy (xã Mỹ Yên, huyện Ðại Từ, Thái Nguyên) kể chuyện giúp đỡ thương binh ở An dưỡng đường số 2.

Vẫn cây đa cổ thụ, mái đình cổ kính, nghè ông, nghè bà và một mái chùa nhắc nhở các thế hệ tiếp nối về một thời máu lửa. Ngày ấy, vùng đất bên chân núi Tam Ðảo này, lòng người hồn hậu, luôn đặt lợi ích của đất nước lên tất cả. Những người dân nơi đây đã chia sẻ nỗi đau với thương binh, bệnh binh, tất cả đồng lòng, chung sức, tích cực tham gia phong trào Hội mẹ chiến sĩ "Ðón thương binh về làng" nuôi dưỡng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Và dù đã 70 năm trôi qua, những câu chuyện đầy niềm tự hào đó vẫn như còn tươi mới.

Cụ Tạ Thị Vệ, 91 tuổi, ở thôn Kỳ Linh Trong, xã Mỹ Yên, huyện Ðại Từ thuở ấy là cô thôn nữ trẻ trung, đã xây dựng hạnh phúc với anh Trần Văn Thái, thương binh hạng 2/4. Cụ kể: Hồi bấy giờ ở địa phương, bà con ai cũng thuộc nằm lòng câu: "Bữa ăn chín cũng như mười/Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh". Việc chăm sóc, giúp đỡ thương binh là một trong những phong trào lớn được chị em tích cực tham gia. Thông qua công việc chăm sóc thương binh hằng ngày đã nảy sinh sự cảm mến, thương yêu. Rồi lãnh đạo đơn vị và chính quyền địa phương tác hợp cho thành vợ chồng.

Cụ dừng lời, mắt nhìn xa xăm về phía núi Tam Ðảo. Chúng tôi biết, suốt cuộc đời cụ sẽ không bao giờ nguôi quên về một thời hào hùng dân tộc. Hơn thế, cụ là một trong những phụ nữ chia sẻ tình yêu lứa đôi với thương binh còn sống duy nhất hiện nay. Chuyện về các nhân chứng lịch sử có liên quan đến an dưỡng đường và phong trào giúp đỡ thương binh từ hơn 70 năm về trước, đồng chí Nguyễn Bá Khương, Bí thư Ðảng ủy xã Mỹ Yên cho biết: Hầu hết các cụ là nhân chứng của thời ấy, giờ đã mất. Hiện ở xã, ngoài cụ Vệ, còn có cụ Nguyễn Thị Mười, 90 tuổi và cụ Tạ Thị Cậy, 95 tuổi, cùng ở xóm Ðồng Khuôn. Ngày đó, cụ Mười, cụ Cậy tham gia giúp đỡ thương binh vá áo, nấu cơm. Cụ Cậy kể: Hồi bấy giờ thương binh về xã đông lắm, hàng trăm người, bà con trong vùng đều tham gia giúp đỡ bộ đội, thương binh.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Bùi Tuấn Thịnh tự hào: Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, Thái Nguyên có hàng chục nghìn người con lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hiện tỉnh Thái Nguyên quản lý thực hiện chính sách ưu đãi với hơn 100 trường hợp, trong đó 10 nghìn thân nhân liệt sĩ, hơn 15 nghìn thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 75 nghìn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương, 553 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được truy tặng, phong tặng, hơn 10.000 cựu chiến binh và 3.375 cựu thanh niên xung phong được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Trở lại vùng đất bên chân núi Tam Ðảo, với những câu chuyện về thời kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ðại Từ Nguyễn Ðình Sáng cho biết: Huyện còn ba Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống là: Mẹ Hoàng Thị Chí, 87 tuổi (Yên Lãng), mẹ Vũ Thị Cã, 93 tuổi (Phú Lạc) và mẹ Ðào Thị Mùi, 93 tuổi (Tân Thái). Hiện các mẹ sống cùng con, cháu và được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời.

Ðưa chúng tôi đi thăm Khu di tích 27-7, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn Nguyễn Nam Tiến cho biết: Ðịa phương vinh dự có Khu di tích lịch sử quốc gia về công tác đền ơn đáp nghĩa. Hằng năm, Khu di tích đón tiếp hàng triệu lượt người trên mọi miền Tổ quốc về thắp hương, tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng mới sân hành lễ, tu sửa, nâng cấp hồ sen và nhiều hạng mục công trình trong khu di tích.

Thị trấn Hùng Sơn có hơn 4.300 hộ dân, với hơn 14.600 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, nhân dân Hùng Sơn luôn phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", bằng tinh thần đoàn kết, cùng thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, như tặng sổ tiết kiệm, làm nhà, sửa nhà, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... Vào dịp 27-7 và ngày Tết Nguyên đán hằng năm, các gia đình có công với cách mạng đều được nhận quà của Ðảng, Nhà nước; dù giá trị không nhiều, nhưng giá trị động viên tinh thần rất lớn.

Nhắc chuyện xưa, người dân ở vùng đất bên chân Núi Hồng thường kể về tấm gương sáng của cụ Ðặng Văn Ẩm (Tổng Ẩm). Cụ Ẩm đã nhường toàn bộ khu trang trại đầm Tàu Voi cho bộ đội, thương binh, gồm tám gian nhà, năm mẫu ruộng, bốn con bò và nhiều thóc gạo. Noi gương ông, bà con trong vùng cũng hết lòng đem công sức và của cải giúp đỡ bộ đội, thương binh.

Ðặc biệt trong phong trào hiến của, hiến công giúp đỡ bộ đội, thương binh, ở xã Lục Ba có cụ Nguyễn Thị Ðích (thường gọi là cụ Bá Huy). Cuối năm 1947, Phòng Thương binh, Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng về đóng trụ sở tại nhà cụ, thương binh có hơn trăm người nên việc ăn, ở, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ðể đời sống của bộ đội, thương binh ổn định, ngoài việc giúp thương binh ba mẫu ruộng, ba tấn thóc, một con trâu, cụ còn tích cực vận động nhân dân trong xóm góp thêm vật liệu, ngày công làm 10 gian nhà tre lợp mái rạ và nhiều nguyên vật liệu khác để lập trại an dưỡng đường.

Từng câu chuyện bình dị xuất phát từ lòng yêu nước của các mẹ, các chị và những người dân trên vùng đất bên chân núi Tam Ðảo, đã viết thành huyền thoại về truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Rồi theo dòng chảy thời gian, các thế hệ không ngừng phát huy noi gương, gìn giữ, cùng đoàn kết, quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33300002-vung-dat-giau-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon.html