Vùng dân tộc Thủ đô khoác áo mới

Hà Nội có khoảng 68.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với 37 thành phần dân tộc. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.

Sau hơn 8 năm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, được sự đầu tư hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, vùng DTTS của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của khu vực đồng bào DTTS miền núi tăng trên 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tại các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, đã hình thành các mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở xã Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất), vùng sản xuất chè búp khô ở Ba Trại, Tiến Xuân (Ba Vì). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đã giảm còn 5%. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào vùng DTTS ở Thủ đô.

Mô hình chăn nuôi ở vùng DTTS ở Hà Nội phát triển.

Bà Nguyễn Thị Lân, dân tộc Mường, ở xã Tiến Xuân, cho biết: Xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nên bà con rất phấn khởi. Nông thôn mới không chỉ mang lại đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp mà còn giúp người dân nâng cao đời sống, tinh thần. Từ chỗ quanh năm chỉ biết trồng ngô, trồng lúa, đến nay người dân Tiến Xuân đã biết trồng rau an toàn và mô hình trồng ớt xuất khẩu cũng đang được triển khai, hứa hẹn nhiều bội thu.

Còn ông Quách Đình Lý, người dân xã Tiến Xuân chia sẻ: Trách nhiệm của một người có uy tín trong cộng đồng, đã thôi thúc bản thân ông phải suy nghĩ, tìm tòi học hỏi kiến thức kinh nghiệm để thoát nghèo cho chính gia đình mình, cũng như giúp người dân trong thôn. Ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất như máy cày, máy phay, máy xát ngô… phục vụ gia đình và các hộ dân trong xã. Ông cũng tận dụng điều kiện tự nhiên, nguồn nước sẵn có để tiến hành thâm canh tăng vụ, như trồng 0,5 ha lúa nước, 10 ha cây keo, đào đắp 3 ao nuôi cá, mở trang trại nuôi gà tập trung rộng 1.000 m2… nhờ đó, tổng thu nhập của gia đình đạt từ 150-200 triệu đồng/năm.

Những con đường liên thôn đã được bê tông hóa.

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đến nay các loại hình dịch vụ, thương mại trên địa bàn xã Tiến Xuân cũng ngày càng khởi sắc. Dẫu đã về Thủ đô gần chục năm nay, dẫu đã cán đích nông thôn mới, song những bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Mường vẫn được gìn giữ, phát huy. Trước mỗi dịp Tết, đội văn nghệ các thôn bản lại tìm đến những nghệ nhân cồng chiêng nổi tiếng ở Tiến Xuân như bà Bùi Thị Bích Thìn, ông Quách Văn Kiểm để được hướng dẫn thêm về loại hình nghệ thuật đầy bản sắc này và tập các tiết mục diễn trong ngày hội Xuân.

Với việc ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 mới đây, thành phố Hà Nội đang phát đi thông điệp mới về hài hòa phát triển giữa “miền xuôi” và “miền núi”.

Theo kế hoạch này, thành phố sẽ “rót” 2.324 tỷ đồng, bao gồm kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất dự kiến: 75 tỷ đồng là kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến: 2.249 tỷ đồng với mục tiêu “vực” 14 xã có đông đồng bào DTTS của Thủ đô đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1,8%; phấn đấu 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (đã có 2 xã đạt chuẩn năm 2015); 100% các thôn, xã có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn; trên 50% đảng bộ xã và 60% chi bộ thôn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Bài và ảnh: Minh Đức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/dan-toc/vung-dan-toc-thu-do-khoac-ao-moi-20161009221146413.htm