Vun đắp tình đồng chí, đồng môn

QĐND Online - Nhân kỷ niệm 52 năm ngày thành lập trường (27-8-1961/27-8-2013), những cựu học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ) của tỉnh Phú Yên đã có buổi gặp mặt truyền thống ấm áp tình đồng chí, đồng môn.

Tự hào về trường xưa

Tại buổi gặp mặt, giữa không gian xanh mát của vườn cây, ao cá, hòn non bộ… của Cơ quan Quân sự huyện Phú Hòa, bên dòng kênh chính Bắc thủy nông Đồng Cam, các thế hệ học viên, giáo viên là con em Phú Yên đã cùng nhau ôn lại truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của trường.

Hội viên Đại học Nguyễn Huệ tỉnh Phú Yên trong ngày gặp mặt truyền thống lần thứ IV

Ra đời và lớn lên giữa lòng chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Miền trước đây, Bộ Quốc phòng ngày nay; trong suốt chặng đường 52 năm xây dựng, chiến đấu, huấn luyện đào tạo, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên nhà trường đã liên tục chiến đấu, nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xây dựng nhà trường tiến bộ toàn diện, trưởng thành từng bước vững chắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội giao phó. Nhà trường đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng ngắn và dài hạn cho hàng vạn cán bộ sĩ quan trong và ngoài nước. Tập thể nhà trường đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác; Vương quốc Campuchia đã tặng trường Huân chương Hữu nghị bậc nhất.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ngoài nhiệm vụ đào tạo bổ túc cán bộ quân sự, chính trị sơ cấp, trung cấp; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho các trường và các sư đoàn, đào tạo cán bộ trung đội trưởng bộ binh, trinh sát, đặc công… kịp thời bổ sung cho chiến trường miền Nam, nhà trường còn phối hợp cùng các địa phương phá ấp chiến lược, xây dựng vùng giải phóng và mở rộng địa bàn hoạt động của trường, chiến đấu bảo vệ mặt trận phía Bắc Sài Gòn… Đồng thời tham gia nhiều trận đánh tiêu biểu như: Đập tan cuộc hành quân Sao Mai của Mỹ-Ngụy (10-1962) nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng ở vùng giải phóng Tây Ninh; giúp nước bạn Campuchia chống kẻ thù chung (3-1970); tiêu diệt một cánh quân lớn của Mỹ tấn công vào căn cứ trường (5-1970). Qua đó, diệt hàng ngàn tên địch, 7 máy bay, 5 xe M113, thu hàng trăm tấn vũ khí các loại.

Tự hào sĩ quan Lục quân 2

Sau ngày giải phóng, với tên gọi Trường Sĩ quan Lục quân 2 (đứng chân ở Long Thành, Đồng Nai) nhà trường chủ yếu tổ chức các khóa học ngắn hạn, gấp rút đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia. “Đây là thời điểm khó khăn nhất của trường trong thời kỳ bao cấp. Cán bộ giáo viên, học viên ngày ấy phải ăn bo bo, gặm “bánh xe lịch sử”, tự tăng gia sản xuất để tồn tại. Cũng chính vì được rèn luyện trong điều kiện hết sức gian khổ, môi trường khắc nghiệt nên sau khi ra trường khó khăn nào sĩ quan Lục quân 2 cũng vượt qua”- Thượng tá Phạm Việt Hải, học viên, giáo viên của trường thời kỳ này, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Tuy Hòa chia sẻ.

“Ngoài đào tạo sĩ quan lục quân chỉ huy cấp phân đội cho các tỉnh phía Nam, trong đó nhiều người đã trở thành tướng lĩnh sĩ quan cao cấp của quân đội, trường còn đào tạo sĩ quan cho nước bạn Campuchia”, Đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, Chủ tịch danh dự Hội ĐHNH tỉnh Phú Yên, nhớ lại.

Trên cơ sở những kiến thức, phẩm chất được học tập tại trường, nhiều học viên sĩ quan Lục quân 2 là con em Phú Yên đã vươn lên khẳng định mình, đạt được nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác; trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của LLVT tỉnh, cán bộ chủ trì ở cơ quan, đơn vị, kể cả quân sự và chính trị.

XUÂN HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/259351/Default.aspx