Vui buồn phận nữ “tour guide”

Nhiều người nhắc đến cụm từ “Tour guide” hay hướng dẫn viên (HDV) du lịch sẽ liên tưởng đến những người năng động, được chu du khắp nơi không mất tiền mà còn có thu nhập cao. Nhưng cũng như bao nghề khác, “tour guide” cũng lắm thăng trầm khi là công việc “làm dâu trăm họ” và khá cực nhọc, đồng thời phải rất bản lĩnh, nhất là với nữ giới.

Bước vào nghề tour guide ngót nghét 5 năm, chị P.T - hướng dẫn viên du lịch không nhớ nổi đến nay đã dẫn bao nhiêu đoàn du khách, bao nhiêu chuyến đi và gặp gỡ bao nhiêu gương mặt. Chừng đó năm lăn lộn cùng nghề, chị P.T cho biết: “Tour guide là nghề rất vất vả. Nếu nam giới vất vả một, thì với nữ giới vất vả gấp nhiều lần. Vì thế, để làm nghề và bám trụ với nghề là vấn đề khá khó khăn khi họ phải cân đối quỹ thời gian khi bên cạnh công việc còn có gia đình, chồng con và nhiều mối quan hệ khác”.

Vừa nói chuyện, chốc chốc điện thoại chị P.T lại reo lên vì những nội dung liên quan về công việc. Chị cho biết: Tôi vừa trở về sau chuyến đi dẫn đoàn 15 người thăm quan các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM. Thông thường, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 3-15 ngày, tùy địa điểm, phương tiện di chuyển. Lịch trình là vậy, nhưng trên thực tế, công việc thường diễn ra dài hơn thế. Bởi dù lịch trình thăm quan, địa điểm, các vấn đề liên quan sẽ có các hãng lữ hành chuẩn bị sẵn, nhưng người hướng dẫn vẫn phải có sự chuẩn bị riêng. Ngoài vấn đề cá nhân, mối quan tâm lớn nhất vẫn là đoàn khách, số lượng, thành phần, nghề nghiệp và mục đích chuyến đi. Khi hiểu khách, hiểu mục đích của chuyến đi, hướng dẫn viên mới có thể chuẩn bị những thứ cần thiết để phục vụ du khách. Bởi mỗi đoàn khách sẽ có những đặc thù riêng. Sau chuyến đi, tôi sẽ phải dành thời gian thống kê lại các chi phí, hóa đơn chứng từ để hoàn thành nốt các thủ tục.

Với những nữ HDV đã lập gia đình, hầu như công việc trong nhà đều nhờ vào chồng hoặc sự hỗ trợ của người nhà.

Ảnh minh họa

Thời gian chính là một trong những nổi ám ảnh của nhiều nữ tour guide. Du lịch là ngành đặc thù. Vào thời gian nghỉ lễ, phần lớn người lao động được nghỉ, đi chơi… thì đó lại là thời điểm người làm du lịch vất vả nhất. Là hướng dẫn viên tiếng Anh suốt tuyến, A.H có lịch làm việc khá dày đặc. Mỗi tour xuyên Việt khoảng 13-15 ngày, có khi lên đến 28 ngày, nên hầu như cô gái trẻ xa nhà cả tháng, lễ, tết càng phải đi nhiều hơn. Vì vậy, thời gian dành cho cá nhân và mối quan hệ gia đình phải tạm gác lại. A.H cười đùa: “Hiện em còn trẻ, cơ hội đang còn, nên em mạnh dạn đăng ký những tour này. Nhưng về lâu dài, em sẽ chọn tour ngắn để còn dành thời gian yêu đương, không em ế mất”. Với những người chưa có gia đình, thời gian có thể thong thả. Nhưng với những người phụ nữ có gia đình riêng, hầu như công việc trong nhà đều nhờ vào người trụ cột hoặc có sự giúp đỡ của người nhà.

Với nam giới đây cũng là một nghề khá vất vả, với nữ giới sự khó khăn lại nhân lên gấp bội phần.

Ảnh minh họa

Hướng dẫn viên không phải là nghề nhà hạ như nhiều người nghĩ. Trên thực tế, HDV có vô vàn công việc không tên và “chạy như con thoi”. Riêng với những nữ HDV, sức khỏe là vấn đề rất đáng lưu tâm. Việc di chuyển trên những đoạn đường xa với người thường đã mệt, với những nữ HDV họ còn thực hiện với vô vàn công việc liên quan khác vừa lao động trí óc vừa lao động tay chân: thuyết minh, chăm sóc khách, hoạt náo, phục vụ, xử lý tình huống…. Vì vậy, với những tour dài ngày, không nhiều nữ HDV dám nhận bởi rào cản về thể lực.

Với những tour dài ngày không nhiều nữ HDV dám nhận bởi rào cản về thể lực.

Ảnh minh họa

“Lời khuyên dành cho bạn nữ muốn làm HDV ư! Phải có tinh thần thép nữa đấy! Dù mệt đến đâu thì gương mặt cũng phải luôn tươi cười, rạng rỡ. Có nhiều lúc ấm ức lắm, nước mắt chực chờ nơi khóe mi, nhất là với những vị khách không hiểu chuyện. Lúc đó, chỉ biết hít một hơi thật sâu, nhẹ nhàng và tiếp tục xử lí công việc. Nghề của mình mà, chấp nhận thôi”, chị P.T chia sẻ. Nhiều người ví von: HDV là nghề “làm dâu trăm họ” hay “không có nghề nào chiều khách như nghề du lịch” đã phần nào cho thấy nỗi vất vả của nghề này.

Khác với nam giới, nữ giới khi làm nghề HDV du lịch cũng có những áp lực rất riêng. “Trước những chuyến đi kéo dài đôi khi từ nửa tháng đến cả tháng mới về nhà, điện thoại lúc nào cũng reo, trong điện thoại xuất hiện tin nhắn hỏi thăm của khách, hiếm ông chồng nào không ghen. Nếu may mắn có được người chồng tâm lý, thì có thể bám trụ lâu dài với nghề, còn không thì nhiều người phải chuyển nghề”. Chị M.H, một nữ hướng dẫn viên cho biết.

Các nữ HDV vẫn đang thực hiện tốt công việc được giao

Ảnh minh họa

So với nam giới, nữ giới sẽ gặp không ít khó khăn với nghề HDV du lịch. Nhưng với niềm đam mê nghề, yêu thích du lịch và mong muốn được thể hiện bản thân, nhiều chị em vẫn bám trụ với nghề. Tại Thừa Thiên Huế - địa phương nổi tiếng về du lịch ở Việt Nam, số lượng nữ giới tham gia làm HDV du lịch khá đông. Hiện nay, Sở đã cấp 1.310 thẻ HDV, trong đó, 589 là HDV nữ.

Dẫu đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng hướng dẫn viên du lịch vẫn đang là nghề được nhiều cô gái trẻ mạnh dạn đăng ký khi có đợt tuyển sinh. Ông Trương Thành Minh - Phó phòng Lữ hành (Sở Du lịch Thừa Thiên Huế) - đánh giá: “Với nghề HDV du lịch, nữ gặp những khó khăn và chịu nhiều áp lực hơn nam giới. Khi lựa chọn một HDV, kiến thức, khả năng truyền tải thông tin đến du khách là yếu tố quyết định. Nếu cả hai có nghiệp vụ như nhau, thì đa số du khách chọn nữ HDV để dẫn tour. Vì nữ giới sẽ chu toàn, cẩn thận hơn trong mọi việc”.

Anh Thư

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-du-lich/vui-buon-phan-nu-%e2%80%9ctour-guide%e2%80%9d