Vui buồn đời cầu thủ ngoại

Hơn 60 ngoại binh đang chơi ở V-League cùng khoảng một nửa số đó đang chơi ở các giải hạng nhất bóng đá quốc gia. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới.

HLV Calisto và thủ môn Santos với người hâm mộ. (LĐ) - Xa nhà, đi “viễn chinh” ở một nước Châu Á xa xôi, không phải cầu thủ ngoại nào cũng thích nghi được với thời tiết, tập quán, nếp nghĩ của người VN. Cuộc sống của họ vì vậy mà cũng lắm niềm vui, nỗi buồn. Họ đến và làm hấp dẫn V-League Ngoại binh bắt đầu xuất hiện ở V-League từ mùa bóng 2001. Ngay từ khi mới xuất hiện, họ đã làm cho không khí bóng đá VN trở nên sinh động hơn. Sau gần 1 thập kỷ “tây ta giao duyên” ở V-League, mục tiêu đặt ra “giúp nâng chất bóng đá VN, giúp cầu thủ VN tự nâng lên khi thi đấu với cầu thủ ngoại” đã phần nào đạt được. Tuy nhiên cầu thủ ngoại cũng gây không ít phiền toái ở các đội bóng. Kiatisak từ Thái Lan đến VN năm 2003 đã làm “bàng hoàng” V-League. Chính anh đã góp phần quyết định cho ngôi vương của bóng đá VN về trên phố núi. Tương tự, nhiều ngoại binh khác cũng đã gắn tên tuổi của mình với vầng hào quang của đội bóng, như Santos và Antonio ở ĐTLA, Kesley với B.Bình Dương... Tuy nhiên, cho tới lúc này, “ngoại binh” đóng góp nhiều nhất cho bóng đá VN chính là HLV Calisto. Không mất nhiều thời gian, ông đã đưa đội bóng vô danh Gạch Đồng Tâm (nay là ĐTLA) lên thống trị làng bóng nước nhà suốt 2 năm liền. Ông đã có công phát hiện, đào tạo nhiều tài năng trẻ như Tài Em, Minh Phương, Xuân Thành, Tấn Tài... Chính ông đã làm được điều mà bao thế hệ người hâm mộ bóng đá VN chờ đợi: Qua mặt Thái Lan, đoạt chức vô địch Đông Nam Á! Thru môn Santos và vợ. Cùng với công lao, các cầu thủ ngoại cũng đem đến cho các CLB rất nhiều phiền toái, nhất là nạn kiêu binh, khi mà sự thành công của đội bóng lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố ngoại. Nhiều ngoại binh đến các CLB xin việc trong hoàn cảnh khốn khổ, không có tiền để sống, không giày đá bóng, thế nhưng khi đã có chút tên tuổi ở V-League, họ thường quên CLB đã cưu mang, “kiếm chuyện” để đến nơi khác có lương cao hơn. Điển hình là trường hợp Carlos Rodrigues (đến từ Braxin) ở ĐTLA. Đến ĐTLA khi chưa có tên tuổi, sau khi cùng ĐTLA đoạt ngôi vô địch quốc gia 2006, Carlos bắt đầu “làm giá’. Ở mùa giải 2007 Carlos đã gây rối và phải chịu án kỷ luật nội bộ, sau đó ĐTLA phải bán cho Ninh Bình. Ở Ninh Bình, Carlos lại “chứng”, để rồi chuyển qua Bình Định, Quảng Ngãi... Có rất nhiều cầu thủ ngoại, ngoài việc đóng góp xứng đáng cho bóng đá VN, bản thân họ cũng đã tìm thấy hạnh phúc từ bóng đá VN, cuộc sống VN. Trong khi người anh Carlos Rodrigues “quậy” tưng bừng như đã kể ở trên, thì cậu em Carlos Antonio lại khác hẳn. Trong sân anh luôn cày ải “như trâu”, trận đấu vừa kết thúc là anh chạy đến bên vợ và 2 con nhỏ vui đùa như trẻ con. Anh thành công từ đội ĐTLA và anh sẽ không đi đâu khi mà CLB này còn cần đến anh. Anh cho biết, đối với anh mọi việc đều “Oke”, từ môi trường làm việc, tiền lương, hạnh phúc gia đình... Tìm thấy hạnh phúc ở VN Thủ môn Santos là dân “Tây” (Braxin), nhưng lại hiền hơn cả “hai lúa” miền Tây. Anh có vóc dáng to lớn như “hà mã”, nhưng lại là người bị cả đội “ăn hiếp”. Việt Thắng, Văn Giàu khi gọi “Tốt”, thì anh “dạ” thật lễ phép. Người hâm mộ biết đến anh từ những quả đá phạt điệu nghệ từ khoảng cách 20 – 30m và những quả phát bóng tấn công không chê vào đâu được. Anh càng gần gũi hơn khi trở thành công dân VN năm 2007 với cái tên Phan Văn Santos. Cùng dạng như Santos là tiền đạo Kesley (gốc Braxin, B.Bình Dương). Từ khi chưa làm rể VN và nhập quốc tịch VN, Kesley đã sống như người VN: Hòa đồng, tình cảm, sâu lắng. Bây giờ thì anh thích đội khăn xếp, mặc áo dài the trong ngày lễ, Tết. Đối với tiền vệ Aniekan (người Nigeria), anh chỉ thật sự “ngoan hiền” khi về vùng đất miền Tây hiền hòa. Dân trong nghề ví Aniekan là “Makelele” ở V-League, một tiền vệ trụ đa năng, có những cú sút xa cực tốt. Anh đã từng 2 năm thi đấu ở Bình Định, không ít lần đánh nhau với đồng đội. Antonio và 2 con. Một năm về TMN-CSG, anh nổi tiếng ở các quán bar hơn là trên sân cỏ. Thế nhưng, khi về đội TĐCS Đồng Tháp, cầu thủ lắm tài nhiều tật này bỗng khác hẳn, thi đấu nhiệt tình, trở thành trụ cột của đội bóng. Sự thay đổi của Aniekan cùng lúc với sự xuất hiện 1 “bông sen Tháp Mười” thường cùng anh tay trong tay sau những trận đấu. Đối với HLV Calisto, niềm vui của ông là công việc. Ông làm việc bất kể ngày đêm. Sau những giờ tập luyện, thi đấu, tối đến khi cầu thủ nghỉ ngơi thì ông thường thức đến khuya để kiểm tra, chăm sóc giấc ngủ các cầu thủ. Khi có thời gian rảnh tương đối lâu, ông bay về Bồ Đào Nha, nơi ông có gia đình và nhiệm vụ của 1 nghị sĩ. Santos thì có cái thú chạy xe gắn máy. Anh từ chối xe đưa rước hàng ngày từ TPHCM đến Bến Lức, nơi ĐTLA đặt bản doanh. Anh mua lại của Tài Em chiếc xe gắn máy để hàng ngày đi về. Những lúc chở cô vợ xinh xắn (người Hà Lan) phía sau, Santos chạy càng “bốc”. Lúc rảnh, Santos thường cùng vợ đi thăm thú các danh thắng VN như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phú Quốc... Chàng tiền đạo Tshamala của ĐTLA thì lại tỏ ra thích thú với cảnh sông nước miệt vườn Nam Bộ. Khi có nhiều thời gian rảnh, anh thường nhờ người quen đưa đi là cà ở các cù lao cây trái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... Hầu hết các cầu thủ ngoại đều thú vị với cái tết VN. Trong những ngày tết, các cầu thủ nội thì về nhà với gia đình, còn cầu thủ ngoại thường tụ tập lại với nhau ở phố Tây ba lô TPHCM, rồi đi vòng thành phố xem người VN đón Tết. Đi tới đâu Santos, Antonio cũng được mọi người nhận ra và mời uống rượu. Nhưng không bao giờ họ đụng đến, dù chỉ 1 ngụm, vì họ là cầu thủ chuyên nghiệp. Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/vui-buon-doi-cau-thu-ngoai/20097/148827.laodong