Vực dậy sân khấu chèo truyền thống: Ước mơ chỉ là ước mơ?

GD&TĐ - Sự lấn sân của các loại hình nghệ thuật hiện đại nên số lượng khán giả của nghệ thuật chèo cũng đã bị thu hẹp. Song các nghệ sĩ chèo vẫn ngày đêm tâm huyết với bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi.

Ánh sáng của sân khấu chèo vẫn rộn ràng cùng những lời ca truyền thống mặn mà sâu lắng.

Cái khó ló cái khôn

Từ lâu, hình thức sân khấu dân gian như chèo, hát tuồng, hát chầu văn, cải lương, kịch dân ca... đã tồn tại gắn liền văn hóa người Việt. Nhưng dưới sự tác động của xã hội hiện đại thì các loại hình nghệ thuật dân gian này lại đang dần bị lãng quên, nhất là đối với giới trẻ.

Bên cạnh sự thay đổi trong xu hướng thẩm mỹ hiện nay thì chất lượng vở diễn cũng là những nguyên nhân khiến cho khán giả chưa mặn mà với sân khấu chèo.

Cùng chung số phận với các môn nghệ thuật truyền thống như tuồng và cải lương, thì nghệ thuật chèo vẫn thiếu vắng về đội ngũ đạo diễn có tay nghề.

Để vực dậy các bộ môn nghệ thuật truyền thống, Bộ VH-TT&DL đã có hình thức đổi mới đào tạo. Theo tinh thần dự án đào tạo thí điểm diễn viên của 4 nhà hát (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), không chỉ tham gia công tác tuyển sinh, những nhà hát này còn phối hợp với các trường nghệ thuật tham gia giảng dạy, đào tạo.

Và trong dự án đào tạo thí điểm, Nhà hát Chèo Việt Nam còn đề nghị 20 chỉ tiêu đào tạo diễn viên trình độ trung cấp hệ chính quy 3 năm và đề nghị tuyển diễn viên ở độ tuổi học sinh vào lớp 10.

Mới đây có được sự hậu thuẫn của Bộ VH-TT&DL, Nhà hát Chèo Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên đưa những vở diễn đặc sắc của mình vào chương trình biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn.

Theo NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thì đây là chủ trương rất đúng của Bộ VH-TT&DL, đem lại sự phấn khởi cho các nhà hát trong việc biểu diễn các chương trình nghệ thuật.

Các nhà hát của Bộ, đều là những nhà hát hàng đầu của mỗi loại hình nghệ thuật, tất cả đều chọn tác phẩm tốt nhất, biểu diễn ở địa điểm đẹp nhất hiện nay, sẽ đem đến cho khán giả tác phẩm tốt nhất, từ đó tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật truyền thống cho khán giả.

Trình làng với những vở diễn hay

Phải thấy rằng với sự đầu tư và nỗ lực của các nghệ sĩ trong Liên hoan Nghệ thuật Chèo vừa được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình đã mang lại những thành công đáng kể cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm nay có sự tham gia của gần 800 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên toàn quốc. Các nhà hát đã mang về cuộc thi 27 vở diễn với các đề tài khác nhau như dân gian, lịch sử, dã sử, truyền thuyết, huyền thoại, danh nhân địa phương và hiện đại.

Đó chính là 27 bức thông điệp gửi gắm những tư tưởng, khát vọng trong quá khứ và tương lai về một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn. 5 vở diễn được trao Huy chương Vàng của cuộc thi: Nàng thứ phi họ Đặng (Nhà hát Chèo Hà Nội),

Không phải là vụ án (Nhà hát Chèo Nam Định), Tấm lòng vàng (Đoàn nghệ thuật Chèo Thanh Hóa), Dây tràng hạt diệu kỳ (Nhà hát Chèo Việt Nam), Đời luận anh hùng (Nhà hát Chèo Quân đội).

Nhà hát Chèo Hà Nội tham dự cuộc thi năm nay với 3 vở diễn, gồm: Nàng thứ phi họ Đặng, Cánh chim trắng trong đêm (cùng của đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng) và vở Chuyện tình trên bến Nam Xang (của đạo diễn - NSND Lê Hùng).

Vở chèo Nàng thứ phi họ Đặng đã đoạt Huy chương Vàng tại liên hoan. Đây là một vở dã sử nhưng gửi gắm thông điệp cho tới tận hôm nay.

Đó chính là tôi trung thì bị thất sủng mà nịnh thần lại được tôn sùng trong các triều đại cũ, nhưng cuối cùng, chính nghĩa vẫn thắng và cái ác sẽ phải trả giá.

Câu chuyện đã lùi trong quá khứ nhưng vẫn luôn có ý nghĩa tư tưởng cho tới thời đại hôm nay được thể hiện thông qua nghệ thuật chèo truyền thống.

Vở Đời luận anh hùng (Nhà hát Chèo Quân đội) tác giả Lê Chí Trung, được đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng lại tái hiện một giai đoạn bi hùng trong lịch sử dân tộc với sự chuyển giao giữa hai triều đại Lý - Trần.

Câu chuyện lịch sử được tái hiện thông qua toàn bộ cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ, một “Điện tiền đô chỉ huy sứ” của nhà Lý, người đã cơ mưu sắp đặt để quyền bính từ nhà Lý chuyển sang nhà Trần một cách êm đẹp, người đã có những hành động quyết liệt để bảo vệ giang sơn xã tắc, bảo vệ dòng họ Trần.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/vuc-day-san-khau-cheo-truyen-thong-uoc-mo-chi-la-uoc-mo-2421381-b.html