Vực dậy ngành chăn nuôi ở ĐBSCL: Để nông dân 'sống khỏe' giữa mùa thiên tai

Trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, trong khi ngành trồng trọt và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề thì chăn nuôi dường như không bị thiệt hại. Lúc này, các địa phương trong vùng mới nhận thấy đây là “lỗ hổng” lớn cần nhanh chóng được khắc phục để tạo sinh kế cho người dân…

Chăn nuôi ở ĐBSCL

“Bỏ quên” chăn nuôi

Nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL, nhưng suốt một thời gian dài, các địa phương trong vùng chủ yếu chỉ tập trung phát triển lĩnh vực trồng trọt và thủy sản. Riêng lĩnh vực chăn nuôi chủ yếu tập trung tại các hộ gia đình, còn phân tán, nhỏ lẻ và số lượng đàn ít, kéo theo đó là những hệ lụy mỗi khi bùng phát dịch bệnh rất khó kiểm soát; tăng tỷ lệ chết; hạn chế khả năng sinh sản, sinh trưởng; giảm cung ứng thịt, trứng, sữa; giá cả bấp bênh…

Trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, trong khi ngành trồng trọt và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề thì chăn nuôi dường như không bị thiệt hại. Nói như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thì: Lúc này, các địa phương trong vùng mới nhận thấy đây là “lỗ hổng” lớn cần nhanh chóng được khắc phục để tạo sinh kế cho người dân. Đã đến lúc cần nhìn lại vai trò và vị thế của ngành chăn nuôi để có thêm phương án giúp người dân tạo kế sinh nhai, ứng phó với sự khắc nghiệt của thiên tai.

Thay đổi từ nhận thức

Các chuyên gia dẫn chứng: Trong điều kiện mặn xâm nhập ngày càng sâu trên các sông chính và nội đồng thì giống vịt biển 15 do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia chọn tạo đang giúp cho nông dân các tỉnh ven biển miền Trung và ĐBSCL nuôi đạt hiệu quả rất cao. Do đó, người dân ĐBSCL phải thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, thay vì chỉ nuôi các vật nuôi truyền thống (gia cầm, bò, heo…), các tỉnh, thành trong vùng có thể chọn một số giống vật nuôi như vịt biển, dê, thỏ, chim yến, ong, trăn... Bởi các giống vật nuôi này có sức sống bền bỉ, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.

Những năm qua, giống vịt biển đã được nuôi thử nghiệm ở Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang cho thấy khả năng thích nghi vùng hạn, mặn. Tại Tiền Giang, tỉnh này đã triển khai nuôi 1.000 con vịt biển cho kết quả khả quan và cần được nhân rộng. Trong 63 ngày, vịt biển đạt trọng lượng 2,5kg và có thể chịu được độ mặn đến 23‰ trong khi vịt thường độ mặn 4‰ đã không thể sống được. Ngoài vịt biển, trong điều kiện hạn, mặn, ĐSBCL có thể nuôi thêm dê và thỏ vì 2 loại vật nuôi này uống rất ít nước. Các loại vật nuôi trong điều kiện hạn mặn cần chịu đựng được sự kham khổ, tận dụng thức ăn từ thiên nhiên thay vì thức ăn công nghiệp để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất… Bên cạnh đó, còn có giống vịt Hòa Lan siêu trứng (220-230 trứng/năm); vịt Hòa Lan chuyên dụng nuôi thịt sau 7 tuần tuổi đạt 3,2 kg/con, có khả năng phát triển thích nghi vùng nước lợ ven biển và chạy đồng.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, có ít nhất 500 con vịt biển được người dân nuôi thí điểm và cho kết quả rất khả quan. Qua 4 tháng nuôi, vịt trống đạt trọng lượng từ 3-3,2kg/con, vịt đẻ đạt từ 2,7-2,9kg, trừ các khoản chi phí ngươi dân đạt lợi nhuận gần 40.000 đồng/con...

Cần sự trợ lực

Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt nguồn kinh phí gần 1 tỉ đồng và giao Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình trình diễn nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Đây là đối tượng nuôi mới sẽ giúp cho người dân vùng ven biển, vùng bị mặn xâm nhập thay đổi vật nuôi để gia tăng thu nhập trong từng nông hộ.

Vừa qua, Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ, Viện Chăn nuôi Quốc gia đề xuất Chính phủ hỗ trợ, khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đầu tư, tiếp cận kỹ thuật mới để cải tiến năng suất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các quần thể giống vật nuôi bản địa thuần chủng với quy mô đủ lớn phục vụ công tác chọn tạo và cải tiến năng suất liên tục.

Đây là động thái vô cùng cần thiết, bởi theo các chuyên gia, về lâu dài, khi xâm nhập mặn do nước biển dâng và BĐKH là xu hướng tất yếu, thì việc cố giữ cây lúa ven biển, đặc biệt là trồng lúa trong mùa khô ven biển, xem mặn như là “kẻ thù” là không hợp xu thế và không hợp lý về kinh tế, trong khi đó nước mặn có thể mang lại cơ hội khác. Người dân ven biển, đặc biệt là người nghèo, sẽ không đủ nguồn lực để tự chuyển mà cần được Nhà nước hỗ trợ.

Clip xem thêm: Một số hình ảnh lúa chết do hạn mặn ở vùng ĐBSCL thời gian vừa qua

Chăn nuôi ở ĐBSCL

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/vuc-day-nganh-chan-nuoi-o-dbscl-de-nong-dan-song-khoe-giua-mua-thien-tai-566614.bld