'Vua tôm' Sáu Ngoãn : Bảo vệ môi trường nuôi tôm

Về vùng ven biển Nhà Mát, Xiêm Cán xã Hiệp Thành ( thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), bà con nuôi tôm ai cũng nghe chú Sáu, ông Sáu Ngoãn sẵn sàng chia sẻ với mọi người về nuôi tôm gắn liền với bảo vệ môi trường… Ông Võ Hồng Ngoãn được tôn vinh là “Vua tôm” của Bạc Liêu và ĐBSCL do có nhiều đề tài nghiên cứu nuôi tôm sú công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ông luôn luôn chỉ cụ thể từng loại thủy động vật nào có lợi, loài vi sinh, tảo nào trong nước, loài nhuyễn thể nào có lợi, loài giáp xác nào có hại trong quá trình canh tác. Để bà con dễ nhớ dễ làm từ đào đầm ao, lấy nước, lọc nước cho đến chăm sóc, cho ăn như thế nào để giảm chi phí đầu vào tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững… Mục đích của ông làm sao cho cộng đồng người nuôi tôm sú có hiệu quả và bảo vệ cho bằng được môi trường nước, đất được bền vững.

Ông Võ Hồng Ngoãn đang thuyết trình đầm nuôi tôm sú công nghiệp sạch bảo vệ môi trường bền vững .

Với diện tích canh tác 50 ha trong đó phần của anh 25 ha phần còn lại là của anh em trong gia đình, qua gần 10 năm canh tác trên vùng đất sản xuất muối, ông đã cải tạo thành đầm nuôi tôm công nghiệp, cho sản phẩm tôm sú sạch an toàn (đạt tiêu chuẩn tôm hữu cơ). Với kinh nghiệm từ thực tiễn, tự nghiêm cứu và đúc kết kinh nghiệm ông Ngoãn đưa ra quy trình nuôi tôm thâm canh tôm sú và được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KH-CN cấp chứng nhận. Về xử lý nước trước khi đưa vào đầm nuôi tôm thay gì vùng hóa học diệt các loài có hại cho tôm thì ông Sáu lại dùng các loại cá, sò huyết ăn các loại tảo độc, vi sinh độc có hại cho tôm… Môi trường nước tầng mặt, tầng đáy và mặt đáy ao… đều được xử lý sinh học cho loài này diệt loài kia để bảo vệ cho tôm không bị nhiễm bệnh cho đến khi thu hoạch. Khi nghe ốc bươu vàng hoành hành ruộng lúa và hoa màu của nông dân ông đã nghiên cứu cho tôm ăn dặm ốc bươu vàng và hiệu quả không ai ngờ được về tăng trọng tôm sú trong thời kỳ phát triển, do tăng trọng tôm cần vốn thức ăn dặm cho tôm, người nuôi giảm được gần ½ vốn về thức ăn... Đề tài cho tôm ăn dặm ốc bươu vàng được các ngành chức năng công nhận là một sáng chế trong quá trình nuôi tôm. Vì thế, gần mười năm nuôi tôm sú sạch chưa lần nào ông Sáu Ngoãn bị thất bại. Riêng trong năm 2011, ông Sáu Ngoãn đã thu hoạch 25 ha, thu đạt 33 tấn tôm sú sạch chất lượng cao, đạt giá trị trên 6,1 tỷ đồng, thực lãi trên 3 tỷ đồng.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại trang trại Năm Huỳnh ( TânTrung - Đầm Dơi - Cà Mau) .

Được biết trại nuôi của Võ Hồng Ngoãn so với các ”đại gia” nuôi tôm Bạc Liêu thì diện tích quá nhỏ chỉ bằng 5-10% diện tích so với quy mô vài trăm ha của các công ty, trang trại lớn ở Bạc Liêu. Các công ty, trang trại lớn có vốn, có điều kiện thuê các chuyên gia khoa học từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… trực tiếp chỉ dẫn nhưng không ít trường hợp thất bại, phá sản phải sang nhượng trang trại cho chủ khác. Ông Sáu Ngoãn cho biết, thất bại là không chỉ do rủi ro lớn từ nuôi tôm công nghiệp mà quan trọng nhất là môi trường đất và nước bị nhiễm hóa học dư thừa, xử lý không triệt để. Để bảo vệ môi trường nuôi tôm bền vững, kể cả nuôi quảng canh, cải tiến và thâm canh, yếu tố đầu tiên là môi trường phải sạch,không nhiễm hóa chất dư thừa của vụ trước,tầng đất không nhiễm hóa học, tầng đáy ao và nước cũng phải tuyệt đối không ô nhiễm. Các yếu tố khác như con giống phải sạch, thức ăn đủ không dư thừa, chăm sóc bệnh theo sinh học cũng đáng lưu ý. Hiện nay ông Sáu bận rộn với không ít nông dân nuôi tôm từ miền Trung, ven biển ĐBSCL và các tỉnh ven biển phía Bắc… Ông hướng dẫn quy trình canh tác nuôi tôm sạch cho họ.

Đặc biệt là anh Nguyễn Văn Quý, một nông tỉnh Hải Dương vào thuê đất nuôi tôm công nghiệp đã được ông Sáu tận tình hướng dẫn quy trình nuôi tôm sạch với diện tích 3 ha, mùa vừa qua anh đã thu lãi được trên 300 triệu đồng. Theo anh Quý, 2 mùa canh tác theo hướng dẫn của ông Sáu không tốn kém một tí phân, thuốc hóa học nào. Anh cho biết thêm: Theo quy trình canh tác của ông Sáu, anh dùng tỏi làm kháng sinh đường ruột cho tôm, lấy dịp hạ châu (cây chó đẻ) làm thuốc trị bệnh gan cho tôm… Nhờ đó môi trường đất và nước đầm nuôi của anh cũng như cách thả thưa con giống so với hướng dẫn trong sách để giảm chi phí đầu vào (tiền chi mua con giống), tăng lợi nhuận đầu ra.

Ông Sáu cho biết: Với diện tích 126.000 ha đất nuôi của tỉnh Bạc Liêu và 15.000 ha nuôi công nghiệp trong đó chỉ có 300 ha nuôi thẻ chân trắng, còn lại là nuôi tôm sú. Tỉnh phấn đấu trong năm 2012 xuất khẩu tôm đạt giá trị xuất khẩu là 280 tiệu USD trở lên, chủ yếu là tôm sú. Theo ông Võ Hồng Ngoãn, tỉnh, ngành trung ương cần tác động mạnh hơn nữa việc liên kết 4 nhà để phân chia lợi nhuận trong chuỗi nuôi tôm. Ông lo nhất hiện nay là thức ăn, các nhà phân phối, đại lý thức ăn cho tôm nói riêng và thủy sản khác nói chung là tăng vô tội vạ. Lo thứ hai là chuỗi giá cả thị trường, điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa thì được giá”… Ông Võ Hồng Ngoãn cho biết, ông không phản đối việc nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng cần có quy hoạch và quản lý chặt chẽ vì nó là quy trình siêu công nghiệp, quá trình canh tác sử dụng thức ăn, thuốc thú y và các hóa học khác rất nhiều so với nuôi tôm sú. Do đó nuôi thẻ chân trắng làm nhanh chóng môi trường nuôi sẽ bị ô nhiễm, lây lan nhanh cho cộng đồng nuôi tôm và gây ảnh hưởng đến mai sau.

Bài và ảnh: Trần Quốc Thái

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/128n20120215185204629t0/vua-tom-sau-ngoan-bao-ve-moi-truong-nuoi-tom.htm