“Vựa lúa quốc gia” gồng mình gánh điện than

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, có địa bàn nông thôn rộng lớn, lực lượng nông dân đông đảo, là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu với các loại nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản và trái cây nhiệt đới.

ĐBSCL theo quy hoạch không chỉ là “vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu” mà còn là một trong các “trung tâm năng lượng quốc gia”. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Kết luận 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị và Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng xác định ĐBSCL không chỉ là “vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu” mà còn là một trong các “trung tâm năng lượng quốc gia”.

Các trung tâm năng lượng đã được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Song, nó cũng đặt ra nhiều thách thức tác động đến môi trường, đời sống kinh tế, xã hội và sinh kế người dân.

Nỗi lo điện than

Theo tổng sơ đồ điện VII, sẽ có 57 dự án nhiệt điện than được xây dựng. Dự kiến, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than cả nước đạt 36.000 MW, sản xuất khoảng 156 tỉ kWh, tương đương 47% tổng sản lượng điện cả nước; đến năm 2030, công suất nhiệt điện than đạt 75.000 MW, sản xuất khoảng 394 tỉ kWh, chiếm 56,4% sản lượng điện quốc gia.

Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện lực VII theo hướng giảm công suất, số lượng nhà máy, giảm tổng nguồn phát điện than, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Cụ thể, cả nước giảm 18 nhà máy, tổng công suất nhà máy điện than chỉ còn chiếm 42,7% so với 52% trước đây trong tổng công suất nguồn phát điện cả nước. Tổng công suất nguồn điện than ở ĐBSCL cũng được giảm khoảng 4.000 MW điện than, loại bỏ năm nhà máy nhiệt điện than ở An Giang, Sông Hậu 3 (Hậu Giang), Kiên Lương 1, 2, 3 (Kiên Giang); nhưng lại quy hoạch mới ba nhà máy nhiệt điện Tân Phước 1, Tân Phước 2 (Tiền Giang) và Long An.

Yêu cầu đặt ra, không chỉ là việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy điện than, mà quan trọng hơn là phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, công nghệ đốt than, xả thải bụi, khói và nước thải, công khai minh bạch quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy.

Từ tổng sơ đồ điện VII cho thấy, từ nay đến năm 2020 và tiếp sau, ĐBSCL sẽ đầu tư, hình thành các trung tâm nhiệt điện than tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An. Hầu hết nằm gần các cửa sông. Chia sẻ tại hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường - Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra tại Cần Thơ ngày 19-9-2016, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), dẫn nguồn từ Liên minh bảo vệ nguồn nước quốc tế Dona Lisenby cho biết, nhiệt điện than là loại tiêu tốn nhiều nước nhất. Theo tính toán của các chuyên gia, ít nhất mỗi trung tâm nhiệt điện than cần khoảng 4,5 triệu mét khối nước/ngày đêm làm mát, gấp 3 lần nhu cầu sử dụng nước của toàn thành phố Hà Nội.

Theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg, thì nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng cao. Than cần cho ngành điện tăng khoảng 6 triệu tấn vào năm 2015. Từ năm 2016 trở đi, nước ta phải nhập khẩu vài triệu tấn, đến năm 2020 sẽ nhập khoảng 20-30 triệu tấn. Trong khi đó, ĐBSCL ngoài cảng than dùng cho Trung tâm Điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) đang xây dựng, thì vẫn chưa có một cảng nước sâu nào đảm bảo cho tàu lớn nhập than trực tiếp, nên phương án được các nhà đầu tư tính tới là trung chuyển than bằng tàu nhỏ hoặc sà lan.

Việc nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu hoặc cảng trung chuyển than, cũng như những đảm bảo chắc chắn, ổn định về nguồn cung nhiên liệu từ các cường quốc than như Úc, Indonesia và Nga cần được làm rõ hơn trước khi các nhà máy này được vận hành. Đến nay chưa có một đánh giá chuyên sâu nào về chuyện nguồn than của thế giới có thể cung cấp cho Việt Nam được trong bao lâu.

Ngoài ra, dư luận không khỏi lo ngại trước tác động của nó đến môi trường sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sinh kế và sinh hoạt của người dân, cần được đảm bảo an toàn trước khi quá muộn.

Giải bài toán khó

Gần đây, trong chuyến công tác tại Trà Vinh, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo phải “Tập trung đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện để sớm đưa vào khai thác các nhà máy nhiệt điện khu vực ĐBSCL như Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Tân Phước, Long An, Bạc Liêu... Những nhà máy đã xây dựng xong thì đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt, cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng dầu chạy các nhà máy nhiệt điện”.

Còn theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) thì “Chúng ta phải phát triển nhiệt điện than bởi không có cách nào khác”. Ông Cường cho rằng, sau khi xem xét các vấn đề có liên quan, suất đầu tư và cả dự báo giá than nhập khẩu thời gian tới, cùng với những nỗ lực phát triển năng lượng sạch, thì nhiệt điện than vẫn cần được ưu tiên trong tổng sơ đồ nguồn điện của Việt Nam.

Tuy nhiên, bài toán cần phải giải quyết ở đây là lựa chọn nhà máy nhiệt điện than đặt ở đâu để không ảnh hưởng đến cộng đồng; có thể kiểm soát được chất lượng, lựa chọn công nghệ phù hợp... để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân.

Bên cạnh những nỗ lực triển khai các dự án năng lượng lớn ở ĐBSCL, cần xem xét và tiến hành đánh giá tác động tích lũy của ô nhiễm không khí và những tác động đến sức khỏe khi quy hoạch các nhà máy điện; công khai dữ liệu về mức phát thải của nhà máy tại từng thời điểm và hàng năm. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá lại phương án phát triển các nguồn phát điện trong vùng cho phù hợp với nhu cầu phát triển và liên kết vùng.

Giải bài toán thiếu điện và đảm bảo môi trường là việc khó. Nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường của nhà máy điện than với ĐBSCL là rất lớn, từ việc nhập than đến xử lý tro xỉ, từ khói bụi đến nguồn nước làm mát mà một trung tâm điện lực sử dụng cả triệu khối một ngày rồi thải ra môi trường. Yêu cầu đặt ra, không chỉ là việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy điện than, mà quan trọng hơn là phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, công nghệ đốt than, xả thải bụi, khói và nước thải, công khai minh bạch quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy. Bởi nếu xảy ra sự cố với vựa lúa và thủy sản quốc gia thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151671/vua-lua-quoc-gia-gong-minh-ganh-dien-than.html/