'Vua cá tra' lâm nợ vì tham vọng dẫn đầu

Hùng Vương tự tin đặt mục tiêu doanh thu chạm mốc 20.000 tỷ và lợi nhuận 400 tỷ đồng sau “biến cố” số liệu tài chính trong năm qua khiến doanh nghiệp lần đầu lỗ sau thuế.

Báo cáo thường niên vừa công bố của Công ty cổ phần Hùng Vương (MCK: HVG) khẳng định mục tiêu này được đề ra dựa trên những bước đi thận trọng nhằm bảo đảm mức tăng trưởng ổn định. Dự kiến doanh thu và lợi nhuận trong năm tiếp theo lần lượt tăng thêm 25% và 75%.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, để thực hiện điều này thì trước mắt sẽ ưu tiên hoàn thành các tiêu chí như giảm chi phí tài chính, giảm 40% nợ vay ngắn hạn và giảm hàng tồn kho. Hiện sản lượng cá tra phi lê thành phẩm dự trữ của công ty lên đến 33.000 tấn, nếu được thanh lý trong năm nay với giá xuất khẩu hiện tại thì sẽ thu về khoản lợi nhuận không nhỏ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định kế hoạch của Hùng Vương tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ khó thành hiện thực bởi thực tế kết quả kinh doanh năm 2016 cho thấy, doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản đang xuống dốc rõ rệt.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất của Hùng Vương ghi nhận một loạt chỉ tiêu kinh doanh có sự thay đổi đáng kể, kéo lợi nhuận sau thuế giảm gần 98% so với kết quả doanh nghiệp tự tính. Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán, chỉ đạt 18.026 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ lần đầu lỗ 49,3 tỷ đồng, giảm 159 tỷ so với năm trước.

"Vua cá tra" chật vật với khoản nợ hơn 13.300 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay tài chính phục vụ các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này là do kê khai nhầm niên độ kế toán và phát sinh thêm giá vốn bán hàng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi khiến hoạt động kinh doanh ngày càng sa lầy lại xuất phát từ việc không ngừng đầu tư mở rộng các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi.

Tính đến nay, Hùng Vương có 27 công ty con và liên kết hoạt động ở các lĩnh vực này. Năm 2015, công ty thành lập 2 công ty mới thì năm sau số lượng đã tăng lên gấp đôi. Các công ty mới đưa vào hoạt động ở An Giang và Bình Định chuyên chăn nuôi heo giống và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đơn vị này đánh giá đây là mảng kinh doanh tiềm năng nhờ nghiên cứu kĩ lưỡng thị trường và hợp tác với tập đoàn Đan Mạch để phụ trách từng mắt xích riêng lẻ về con giống, hệ thống chuồng trại, dây chuyền công nghệ… Ước tính tổng vốn đầu tư cho các trại heo giống công nghệ cao vào khoảng 810 tỷ đồng, quy mô xây dựng trên diện tích 125 ha và dự kiến cung cấp cho thị trường không dưới 500.000 heo con một năm.

Việc thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để hoàn thiện quy trình hoạt động chuỗi cung ứng khép kín, nhắm đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu về lĩnh vực này cũng kéo "vua cá tra" vào vòng xoáy nợ nần. Đại diện ban lãnh đạo từng tuyên bố, chiến lược trọng tâm để phát triển công ty là M&A theo chiều dọc và chiều ngang để gia tăng quy mô lẫn giá trị. Điều này thể hiện qua việc chỉ trong một năm, công ty đã mạnh tay rót tiền mua thêm cổ phần của 3 doanh nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi nhằm tăng vị thế cổ đông lớn dựa trên tỷ lệ sở hữu.

Để giải quyết nhanh chóng những thương vụ này, Hùng Vương liên tiếp nhờ đến các khoản vay ngắn hạn của nhiều ngân hàng với mức lãi suất 5-7% một năm. Kết thúc năm tài chính 2016, khoản vay tài chính ngắn hạn lên đến 7.649 tỷ đồng và công ty phải tốn 576,6 tỷ trả lãi mỗi năm. Riêng trong tháng 3 năm nay, số nợ ngắn hạn đến ngày thanh toán xấp xỉ 1.755 tỷ đồng. Hiện tổng khoản nợ phải trả của công ty là 13.336 tỷ, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 12.255 tỷ đồng. Ước tính trong giai đoạn từ 2012 đến nay, khoản nợ của công ty tăng thêm 9.500 tỷ đồng. Tỷ lệ gia tăng nợ cũng cao gấp nhiều lần so với mức tăng doanh thu, lợi nhuận và tổng tài sản.

Công ty cổ phần Hùng Vương, tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương được thành lập và đi vào hoạt động năm 2003 tại khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) với vốn điều lệ ban đầu là 32 tỷ đồng. Sau hơn 14 năm, vốn điều lệ của công ty tăng lên gần 1.892 tỷ đồng và đóng góp khoảng 10% vào kim ngạch xuất khẩu cá tra, 5% kim ngạch xuất khẩu tôm của toàn ngành.

Theo Phương Đông/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/vua-ca-tra-lam-no-vi-tham-vong-dan-dau-145159/