Vụ xóa bỏ các trung tâm giáo dục thường xuyên: Chưa có câu trả lời thỏa đáng, đã vội yêu cầu bàn giao

Liên quan đến quyết định ngày 28.9.2016 của UBND TP.Hà Nội về việc xóa bỏ toàn bộ các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) cấp tỉnh (thành phố) trên địa bàn và sáp nhập về cấp quận (huyện) - một quyết định được cho là trái với Luật Giáo dục và các thông tư, nghị định liên quan, mới đây, Sở Nội vụ đã có công văn trả lời Báo Lao Động về vấn đề này.

Các cán bộ công nhân viên TTGD TX Hà Tây buồn bã với Quyết định sáp nhập (Ảnh: infonet).

Vẫn chưa thỏa đáng

Ngày 22.11, Báo Lao Động đăng tải bài viết “” phản ánh về bức xúc của những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thường xuyên trước Quyết định số 5399 của UBND TP.Hà Nội. Theo đó, những người kiến nghị cho rằng, Quyết định số 5399 là trái luật khi xóa xổ toàn bộ các TTGDTX cấp tỉnh (thành phố) trên địa bàn.

Ngày 23.11, Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu chính cho UBND TP về quyết định này - đã có công văn số 2856/SNV-VP gửi Báo Lao Động. Trong công văn dài 2 trang giấy do bà Chánh Văn phòng Nguyễn Thị Liễu ký tên và đóng dấu, Sở Nội vụ cho biết: Quyết định 5399 nằm trong đợt kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay. Hà Nội là một trong nhưng địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo Nghị quyết số 39 NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Quyết định 5399 của UBND TP Hà Nội, một quyết định gây nhiều tâm tư với những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thường xuyên.

Sở này cũng thống kê: “Trong thời gian qua, Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của 22/22 sở và tương đương, sau sắp xếp đã giảm 46 phòng, ban so với hiện tại (giảm thêm 06 phòng so với quy định của Thông tư liên tịch của bộ, ngành trung ương). TP cũng đã sắp xếp từ 401 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành xuống còn 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị”.

Về nội dung cụ thể của Quyết định số 5399, Sở Nội vụ giải thích: Việc UBND TP thực hiện kiện toàn, sắp xếp trung tâm dạy nghề, TTGDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là đúng với thẩm quyền được quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 115/2010/NĐ CP ngày 24.12.2010 và Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28.6.2012 của Chính phủ.

Sở này tiếp tục cho biết, Quyết định số 5399 là đúng với chủ trương của Bộ Chính trị và của Thành ủy Hà Nội về việc sắp xếp kiện toàn cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của TP theo tinh thần “một việc một đầu mối xuyên suốt”, đồng thời cũng để thực hiện tốt hơn việc giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề và các việc khác do các trung tâm hiện nay đang thực hiện.

Quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một TTGDTX cấp tỉnh được thể hiện trong luật.

Bên cạnh đó, cũng theo Sở Nội vụ thì quá trình thực hiện sắp xếp được thực hiện công khai, có sự trao đổi, thống nhất với các sở, ban, ngành có liên quan và được UBND quận, huyện, thị xã đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, vấn đề chính yếu đang được dư luận rất quan tâm là Quyết định số 5399 có sai Luật Giáo dục và các thông tư, nghị định liên quan hay không thì công văn này không một dòng đề cập. Điều này trước đó cũng đã được những người đứng đơn kiến nghị phản ánh. Theo họ, rất nhiều lần câu hỏi này đã được nhắc đi nhắc lại, song, Sở Nội vụ vì một lý do nào đó, luôn không trả lời thẳng vào vấn đề.

Chiều 24.11, trao đổi với PV Báo Lao Động qua điện thoại về câu trả lời chưa thỏa đáng này, bà Liễu cho biết, sẽ sớm bố trí một lịch làm việc để các bên trao đổi trực tiếp.

Nước mắt "sáp nhập"

Trước đó, như Báo Lao Động đã đưa tin, ngày 28.9.2016, TTGDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TTGDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.

Điều đáng nói, nếu đưa TTGDTX Hà Tây là trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp quận thì trên địa bàn Hà Nội không còn trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Điều này không đúng với Luật Giáo dục và nghị định của chính phủ.

Hơn nữa, phạm vi hoạt động của TTGDTX cấp tỉnh, thành phố khác với TTGDTX cấp quận, huyện là trên địa bàn toàn tỉnh, với mọi đối tượng theo nhu cầu của người học; trong và ngoài ngành; nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội ở đia phương... chứ không phải chỉ bó hẹp ở địa phương trung tâm đóng; nhiều nhiệm vụ trung tâm cấp tỉnh mới được phép làm, trung tâm cấp huyện không được phép làm.

Theo kế hoạch, TTGDTX Hà Tây sẽ phải bàn giao trong hôm nay, 25.11.

Được biết trong hôm nay (25.11), TTGDTX Hà Tây sẽ phải bàn giao lại trung tâm theo chỉ đạo của cấp trên. Quyết định này khiến cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đây rất hoang mang, lo lắng và buồn bã. Đa số những người này khi được hỏi đều mong muốn được giữ nguyên hiện trạng trung tâm như hiện tại. Nhiều người trong số họ đã không giấu được những giọt nước mắt tiếc nuối.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hà – Phó Bí thư Chi bộ trung tâm nghẹn ngào - chia sẻ: “Hiện trung tâm đang hoạt động hiệu quả và đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng tôi có nhiều lớp liên kết đào tạo với các trường ĐH và các lớp dạy nghề cho học sinh và mỗi năm cung cấp hàng trăm nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Không biết khi trung tâm sáp nhập, việc bàn giao lại số lượng học sinh cũng như các lớp đang học sẽ thế nào. Việc sáp nhập chưa thực sự cần thiết, chúng tôi chưa thấy thỏa đáng và mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại việc này”.

Nhóm PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vu-xoa-bo-cac-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-chua-co-cau-tra-loi-thoa-dang-da-voi-yeu-cau-ban-giao-614487.bld