Vụ xâm phạm nhãn hiệu Vĩnh Tiến: TIE miền Bắc đã sai còn "ngang ngược"?

Xâm phạm sở hữu nhãn hiệu hàng hóa không phải là chuyện hiếm trên thương trường. Thực tế, thời gian qua, dư luận từng ồn ào về những nhãn hiệu có tiếng như mì Hảo Hảo (của Vina Aceook), Sắc Ngọc Khang (của Công ty Hoa Thiên Phú), Gà Tươi Mạnh Hoạch (của doanh nhân Phạm Hồng Hoạch) bị xâm phạm. Và mới đây, nhãn hiệu VĨNH TIẾN của Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến cũng lâm cảnh "đáo tụng đình"!

"Vô tư" vi phạm

“VINH TIEN”, “VIBOOK” và “hình nai nhí” là nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền bảo hộ và đã gắn liền với Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến, một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất giấy, tập vở, đồ dùng học sinh suốt nhiều thập kỷ qua. Năm 2014, nhằm đẩy mạnh thương hiệu Vĩnh Tiến tại các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Công ty Giấy Vĩnh Tiến đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Văn phòng phẩm TIE Miền Bắc địa chỉ tại Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Theo đó, Công ty TIE Miền Bắc được sử dụng nhãn hiệu của Vĩnh Tiến (“VINH TIEN” và “VIBOOK”) với điều kiện: Khi thực hiện các nội dung cụ thể, hai bên cần thỏa thuận thông qua hình thức văn bản, fax, thư điện tử hoặc các hình thức khác... và báo cáo sản lượng sản xuất thông qua bộ máy kiểm soát. Đồng thời, mỗi sản phẩm của TIE Miền Bắc bán ra phải chịu mức phí sử dụng nhãn hiệu là 2.5%...

Một trong các mẫu sản phẩm của TIE Miền Bắc được đưa đi giám định

Thế nhưng, theo Vĩnh Tiến, ngay sau khi ký hợp đồng, TIE Miền Bắc đã sản xuất hàng loạt sản phẩm in nhãn hiệu VINH TIEN, VIBOOK và cả logo hình con nai (không có trong hợp đồng) mà không thông báo. Hơn thế, cũng không thanh toán bất kỳ khoản phí sử dụng thương hiệu, cũng như không báo cáo số lượng hàng hóa sản xuất, bán ra... Chính vì thế, chiếu theo Khoản 2, Điều 9 của bản hợp đồng (“có thể chấm dứt và thanh lý hợp đồng trong trường hợp: Một trong hai bên vi phạm những điều khoản đã cam kết”), ngày 08/6/2015, Vĩnh Tiến đã thông báo cho TIE Miền Bắc chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhận thông báo, TIE Miền Bắc vẫn phớt lờ và tiếp tục sử dụng nhãn hiệu của Vĩnh Tiến. Hơn thế, doanh nghiệp này còn "ngang ngược" ra văn bản gửi các đối tác cũng như khách hàng Vĩnh Tiến, quả quyết: Việc in nhãn hiệu Vĩnh Tiến trên sản phẩm là hoàn toàn hợp pháp (!).

Cần xử lý nghiêm minh

Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền và sự gia tăng sản xuất (dẫu đã bị "nhắc nhở" nhiều lần) của TIE Miền Bắc, sự vụ được Vĩnh Tiến "đáo tụng đình". Ngày 28/9/2016 Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH & CN) đã ra kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH381-16YC/KLGĐ. Theo đó, “Dấu hiệu “VĨNH TIẾN” gắn trên sản phẩm vở ghi là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” được bảo hộ”.

Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ

Kết luận của cơ quan chức năng là vậy, song hệt như "nước chảy lá môn", Công ty TIE Miền Bắc vẫn mở rộng sản xuất hàng loạt sản phẩm giấy, tập vở in nhãn hiệu “VINH TIEN” cùng logo “chữ T và hình con nai” ngay trên địa bàn TP.HCM để “tung” ra thị trường cả nước. Không dừng ở đó, TIE Miền Bắc còn treo các biển quảng cáo có nhãn hiệu của Vĩnh Tiến, và thậm chí, còn phát sóng "mạnh mẽ" trên ti vi.

Theo một luật sư, hành vi của Công ty TIE Miền Bắc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu công nghiệp được cấp quyền bảo hộ. Chẳng những thế, họ còn làm cho các đối tác, khách hàng bị nhầm lẫn hàng do TIE Miền Bắc sản xuất là hàng của Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, cần phải lên án...

“Hành vi của TIE Miền Bắc đã gây thiệt hại lớn về uy tín của Vĩnh Tiến, cũng như tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Công ty, khiến số lượng hàng hóa bán ra chậm; khách hàng, đối tác hoang mang” - chủ nhân nhãn hiệu VINH TIEN tỏ ra vô cùng bức xúc! Cũng theo vị doanh nhân này, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là một quyền tài sản được Nhà nước bảo hộ. Trong nền kinh tế thị trường, nhãn hiệu có giá trị to lớn đối với doanh nghiệp... Bởi thế, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, không chỉ là bảo vệ cho người đang sở hữu hợp pháp nhãn hiệu, mà còn bảo vệ sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật!

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP, ngoài bị phạt tiền đến 250.000.000đ, đối tượng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Đồng thời, bị đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng,cũng như phải nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...

Mạc Hồng Kỳ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/vu-xam-pham-nhan-hieu-vinh-tien-tie-mien-bac-da-sai-con-ngang-nguoc-d48292.html