Vụ việc 'nông dân 'chết đứng' vì bò sữa': Huyện Ba Vì lên tiếng

Dự kiến ngày 8/12, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức họp báo để thông tin về vụ “nông dân ở Ba Vì 'chết đứng' vì bò sữa”, tuy nhiên việc này sau đó đã bị hủy.

Liên quan đến sự việc người chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì (TP Hà Nội) cho rằng, Công ty CP Sữa Quốc tế IDP có dấu hiệu đẩy một số chỉ tiêu sữa nguyên liệu lên quá cao, khiến người dân không đáp ứng được yêu cầu và phải chịu bán sữa với giá thấp, người dân buộc phải bán đàn bò đi. Trước những thông tin phản ánh này, chúng tôi đã trao đổi với Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì.

Theo đó, ông Dần xác nhận hiện nay đàn bò sữa trên toàn huyện giảm khoảng 20% và diện tích vùng nguyên liệu cũng giảm đi rõ rệt. Trước sự việc các ngành chức của thành phố và huyện cùng doanh nghiệp đang họp bàn để tìm giải pháp hữu hiệu nhất để phát triển ổn định đàn bò sữa.

Số đàn bò sữa ở Ba Vì ngày càng giảm vì giá sữa nguyên liệu xuống quá thấp

Hỏi về nguyên nhân khiến giá sữa bò giảm, ông Nguyễn Đình Dần cho hay, tình hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện hiện vẫn chỉ là quy mô nhỏ lẻ tồn tại từ chục năm trở lại đây nên ít nhiều ảnh hưởng đến giá thành sữa sản xuất ra. Mỗi hộ chỉ chăn nuôi 2, 3 con bò sữa thì các khâu trong quá trình chăn nuôi, từ thức ăn, cỏ, kháng sinh, rồi chế biến làm cho giá thành sữa cao lên...

Với tình hình này thì huyện khuyến khích các hộ chăn nuôi, thứ nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện kinh tế cũng nên chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác để đảm bảo thu nhập. Thứ hai là những hộ có điều kiện, có kỹ thuật thì khuyến khích họ tăng đàn để chuyển dần sang quy mô lớn hơn.

“Về giá sữa cao hay thấp là quan hệ giữa doanh nghiệp thu mua và người dân. Người thu mua cũng cần đảm bảo chất lượng tốt, không đảm bảo chất lượng thì họ sẽ mua với giá thấp. Về mặt quản lý Nhà nước, chúng ta không thể “ép” doanh nghiệp mua sữa của dân với giá cao được, nó là thuận mua vừa bán.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn hướng đến mục tiêu phát triển quan hệ giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi phải đảm bảo làm sao đàn bò sữa ổn định, phát triển bền vững. Vì tôi nghĩ họ (Công ty CP Sữa Quốc tế IDP) coi đó là vùng nguyên liệu thì đương nhiên doanh nghiệp muốn phối hợp phát triển cho tốt. Còn nếu doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu rồi mà không giữ thì hoạt động kinh doanh, thương hiệu vùng nguyên liệu xây dựng làm sao giữ được. Tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ có chính sách của họ…”, ông Dần nhìn nhận.

Thành ủy Hà Nội nói gì?

Trước những thông tin về một số tồn tại trong hoạt động chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 485-TB/TU truyền đạt kết luận của ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Huyện ủy Ba Vì về tình hình phát triển chăn nuôi bò sữa của huyện thời gian qua.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi bò sữa huyện Ba Vì, ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đời sống người dân nói riêng, Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì và các xã thuộc huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người nông dân, doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn về chăn nuôi bò sữa phát triển theo quy hoạch, bảo đảm sản xuất hàng hóa bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Kịp thời khắc phục một số bất cập: Khâu lựa chọn giống chưa kỹ; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu định hướng; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyên môn hóa, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, gây ảnh hường đến chất lượng sữa.

Làm tốt vai trò là cầu nổi, chủ động, tích cực tạo liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời định hướng phát triển bò sữa theo quy hoạch; đối với các hộ không đủ điều kiện chăn nuôi bò sữa có thể hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi phát triển chăn nuôi bò thịt để phát huy lợi thế của địa phương, ổn định thu nhập cho người nông dân.

Chú trọng hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp giống, vệ sinh phòng dịch cho người nông dân. Chủ động phối hợp tốt với các doanh nghiệp để xây dựng các tiêu chí về quy mô hộ, liên kết hộ, phát triển hợp tác xã (theo Luật Hợp tác xã năm 2012) trong chăn nuôi, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao cả số lượng và chất lượng đàn bò sữa; Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phát triển cơ sở chế biến sữa, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn huyện.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/huyen-ba-vi-noi-gi-ve-vu-viec-nong-dan-chet-dung-vi-bo-sua-d110152.html