Vụ trốn thuế hơn 23 tỷ đồng tại Cty Nông dược Điện Bàn: Lãnh đạo công ty tiếp tục hầu tòa

7 năm kể từ khi bị khởi tố về hành vi 'Trốn thuế' với số tiền lên đến hơn 23 tỷ đồng, lãnh đạo Cty TNHH Nông dược Điện Bàn (viết tắt: Cty NDĐB) đã nhiều lần bị tòa tuyên án. Thế nhưng các bị cáo không chấp nhận bản án trên và tiếp tục kháng cáo. Ngày 10-11, TAND tỉnh Quảng Nam tiếp tục đưa vụ án trên ra xét xử...

7 năm kể từ khi bị khởi tố về hành vi "Trốn thuế" với số tiền lên đến hơn 23 tỷ đồng, lãnh đạo Cty TNHH Nông dược Điện Bàn (viết tắt: Cty NDĐB) đã nhiều lần bị tòa tuyên án. Thế nhưng các bị cáo không chấp nhận bản án trên và tiếp tục kháng cáo. Ngày 10-11, TAND tỉnh Quảng Nam tiếp tục đưa vụ án trên ra xét xử...

Bị cáo Nguyễn Hữu Thạnh tại phiên tòa ngày 10-11.

Bị cáo Nguyễn Hữu Thạnh tại phiên tòa ngày 10-11.

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, ngày 27-3-2014, TAND H. Điện Bàn (Quảng Nam) xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Hữu Thạnh (Giám đốc Cty NDĐB) cùng đồng bọn phạm tội "Trốn thuế" và tuyên phạt các bị cáo: Thạnh 5 năm tù, Trần Công Anh (Phó Giám đốc) 3 năm tù, Lê Cao Lưu (kế toán) 2 năm tù; đồng thời buộc Cty NDĐB có trách nhiệm nộp hơn 23 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Các bị cáo đã kháng cáo đối với bản án sơ thẩm và đến ngày 16-7-2014, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, trả hồ sơ vụ án để điều tra lại theo thủ tục tố tụng chung. Đến ngày 31-3-2016, TAND TX Điện Bàn tiếp tục đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm và đã tuyên bị cáo Thạnh 5 năm tù, bị cáo Anh 2 năm 6 tháng, bị cáo Lưu 2 năm. Không chấp nhận mức án trên, các bị cáo tiếp tục kháng án.

Trở lại vụ án trên, theo kết quả điều tra của CQĐT CA tỉnh Quảng Nam, ngoài trụ sở Cty tại TX Điện Bàn, Cty NDĐB có 2 chi nhánh tại TP HCM và Hà Nội, ngoài ra còn có 1 văn phòng đại diện tại Đắc Lắc. Từ năm 2001 đến 2008, dưới sự điều hành trực tiếp của Nguyễn Hữu Thạnh và Trần Công Anh đã chỉ đạo cho kế toán trưởng của Cty là Lê Cao Lưu và các nhân viên dưới quyền sử dụng 2 loại chứng từ (hóa đơn GTGT và phiếu xuất kho tự in) để xuất thuốc bảo vệ thực vật bán cho khách hàng thu tiền để ngoài doanh số nhằm trốn thuế với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Nói về vụ án trên, Đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Quảng Nam, cho biết: Trong suốt quá trình phạm tội, Nguyễn Hữu Thạnh đã dùng thủ đoạn rút bớt vốn (hơn 10,2 tỷ đồng) để sử dụng cá nhân và bán hàng, thu tiền chuyển về tài khoản cá nhân và người thân với số tiền hơn 16,1 tỷ đồng. Đồng thời hợp thức hóa chứng từ để chuyển quyền sở hữu 35 tên thuốc bảo vệ thực vật trị giá hơn 8,2 tỷ đồng cho Cty người nhà và Cty mà Thạnh tự lập. Trong quá trình điều tra, bị can không trung thực trong khai báo, quanh có chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Đây là tình tiết cần xem xét để tăng nặng khi lượng khung hình phạt đối với Nguyễn Hữu Thạnh. Đối với Trần Công Anh, đã đồng phạm với Nguyễn Hữu Thạnh trong việc chỉ đạo Lê Cao Lưu và nhân viên dưới quyền thực hiện hành vi phạm tội trốn thuế trong thời gian dài, có hệ thống và giá trị tiền trốn thuế đặc biệt lớn. Tuy nhiên, Trần Công Anh là người đứng tên trong đơn tố giác tội phạm, thành khẩn khai báo hành vi của mình và đồng phạm, hợp tác tốt với CQĐT, cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm, góp phần cho quá trình điều tra đạt kết quả. Từ năm 2006 đến năm 2008, Trần Công Anh không tiếp tục tham gia thực hiện hành vi phạm tội vì bị Nguyễn Hữu Thạnh vô hiệu hóa quyền lực, tước đoạt quyền hạn của Trần Công Anh trong việc điều hành, chỉ đạo hoạt động của Cty và không cho Trần Công Anh vào Cty vì giữa hai người này đang tranh chấp quyền lợi về tài sản của Cty. Với những tình tiết nêu trên là những yếu tố cần xem xét giảm nhẹ khung hình phạt đối với Trần Công Anh khi lượng hình".

Liên quan đến vụ án trên, bị cáo Trần Công Anh (Phó Giám đốc Cty NDĐB) cho biết: Xét thấy hành vi vi phạm pháp luật của mình, tôi đã tự thú và làm đơn tố cáo việc trốn thuế tại Cty NDĐB - nơi mà tôi là thành viên sáng lập có số vốn góp 50%. Sau khi vụ án trên được khởi tố, theo kết quả kiểm toán và kết quả điều tra của CQĐT thì tài sản có thực của Cty đến ngày 31-12-2008 là hơn 106 tỷ đồng. "Đúng ra cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Nam phải tổ chức kê biên tài sản sớm khi vụ án vừa mới khởi tố thì nhà nước đã có số tiền lớn thu vào ngân sách và hậu quả vụ trốn thuế của Cty đã được khắc phục. Thế nhưng tài sản trị giá 106 tỷ đồng gồm số hàng tồn kho, tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, 32 chiếc xe ô-tô, công nợ phải thu... đã bị ông Nguyễn Hữu Thạnh chuyển dịch, biển thủ và tẩu tán về các Cty của người nhà như cha, vợ, em ruột của ông Thạnh nắm giữ. Toàn bộ tài sản của tôi tại Cty đã bị ông Thạnh chiếm dụng trái phép khiến gia đình tôi lâm cảnh khánh kiệt"- ông Anh bức xúc nói.

Tại bản án sơ thẩm ngày 31-3-2016 của TAND TX Điện Bàn đã tuyên thì tài sản của Cty NDĐB còn lại để thi hành bản án khắc phục hậu quả vụ trốn thuế là 3 cái nhà trị giá không quá 4 tỷ đồng. "Tài sản hiện tại của Cty chỉ còn chừng đó thì lấy tiền đâu ra để Nhà nước thu lại số tiền trốn thuế hơn 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tôi là người đã tự thú, thành khẩn khai báo và giúp CQĐT trong toàn bộ vụ án, yêu cầu để được khắc phục hậu quả vụ án cùng nhiều tình tiết giảm nhẹ khác. Lẽ ra tôi phải được miễn trách nhiệm hình sự theo qui định tại khoản 2, Điều 25 Bộ luật Hình sự"- ông Anh nói.

Tại phiên tòa ngày 10-11, HĐXX bắt đầu phiên tranh luận giữa các bị cáo và những người liên quan. Cũng như những phiên tòa trước, bị cáo Nguyễn Hữu Thạnh đã phủ nhận tất cả hành vi trốn thuế của mình. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng các tài liệu liên quan và lời khai của các bị cáo đã thể hiện hành vi chỉ đạo trốn thuế của bị cáo Thạnh... Hôm nay (11-11), dự kiến HĐXX sẽ tuyên án vụ án "Trốn thuế" kéo dài qua 7 năm này.

Bão Bình

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/78_157517_vu-tro-n-thue-hon-23-ty-do-ng-ta-i-cty-nong-duo-c-.aspx