Vụ tranh chấp nhà, đất số 209-Đống Đa, Đà Nẵng: - Liệu có nhầm lẫn giữa quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ?

Vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) và quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại ngôi nhà số 209- Đống Đa (Đà Nẵng) giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Nguyên Hà (con bà Võ Thị Hồng) được ủy quyền của bà Võ Thị Hoàng Yến (chị ruột bà Hồng, đang định cư tại Mỹ) và bị đơn là ông Võ Văn Hùng, Đặng Thị Thu Hương được hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử. Song, dư luận không đồng tình với phán xét, bởi Tòa đã đánh giá chứng cứ chưa xác thực, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp về QSDĐ của bị đơn đã được Nhà nước công nhận.

Theo Văn tự cho nhà ngày 6-7-1991, vợ chồng ông Nguyễn Ngãi và bà Võ Thị Hồng ký giấy cho bà Võ Thị Hiên (bà Hiên là chị ruột bà Hồng ) ngôi nhà số 65-Đống Đa (nay là số 209), với diện tích 39m2 đất, trong đó thể hiện nguồn gốc đất của ông Nguyễn Đức Lộc và bà Võ Thị Hoàng Yến (cũng là em ruột bà Hiên) bán cho ông Ngãi, bà Hồng năm 1982. Đến ngày 9-3-1999, giữa đôi bên lập Hợp đồng chuyển dịch nhà ở tại Phòng Công chứng số 1 Đà Nẵng và ngày 6-9-1999, UBND TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ số 3401030392 cho bà Hiên.

Do nhà đã xuống cấp, nên bà Yến gửi tiền về nhiều đợt gồm 24 ngàn USD cho bà Hiên xây dựng lại nhà. Trên cơ sở tình cảm chị em giúp đỡ lẫn nhau, ngày 24-2-2000, bà Hiên viết giấy cam kết với nội dung: "Tôi ký tên dưới đây là chủ sở hữu ngôi nhà 209-Đống Đa, Đà Nẵng. Ngôi nhà trên là do người em ruột của tôi là Võ Thị Hoàng Yến, Việt kiều Mỹ tạo dựng và bỏ tiền ra xây cất toàn bộ cho tôi ở. Vậy tôi cam kết rằng, sau này nếu tôi muốn bán hoặc sang tên cho người khác... đều phải được sự đồng ý của em tôi...".

Gia đình ông Hùng sẽ rơi vào cảnh không nhà ở nếu bị cưỡng chế.

Gia đình ông Hùng sẽ rơi vào cảnh không nhà ở nếu bị cưỡng chế.

Sau khi bà Hiên mất vào năm 2005, ngày 18-7-2006, 2 con ruột bà Hiên là ông Hùng và bà Hương ký vào giấy do người phía bà Yến soạn sẵn, tiếp tục thực hiện cam kết của bà Hiên. Ngày 1-1-2006, bà Hồng lấy tình cảm dì cháu khuyên nhủ ông Hùng giao Giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ đứng tên bà Hiên cho bà cất giữ để khỏi thất lạc.

Có được các giấy tờ trên, ông Hà gửi đơn khởi kiện ông Hùng, bà Hương lấy lại nhà. Tại Bản án sơ thẩm số 03/2012/DSST ngày 7-6-2012, TAND TP Đà Nẵng tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Yến về tranh chấp QSHN và QSDĐ đối với ông Hùng, bà Hương, buộc ông Hùng phải giao toàn bộ nhà đất cho bà Yến... Ông Hùng kháng cáo và Viện KSND TP Đà Nẵng ra Quyết định kháng nghị số 04/QĐ-KNPT-DS về bản án sơ thẩm. Tại Bản án phúc thẩm số 50/2012/DS-PT ngày 28-9-2012, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng lại ra phán quyết công nhận ngôi nhà 3 tầng trên lô đất 44,5m2 đất tại 209-Đống Đa thuộc quyền sở hữu của bà Yến, buộc ông Hùng, bà Hương giao toàn bộ nhà đất cho bà Yến...

Qua hai bản án trên, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ cho thấy nhận định của Tòa là suy diễn chủ quan, thiếu căn cứ pháp lý. Bởi vì, tại giấy cam kết giữa bà Hiên với bà Yến chỉ thể hiện ngôi nhà nói trên do bà Yến tạo dựng và bỏ tiền ra xây cất toàn bộ. Khi ông Hùng, bà Hương ký giấy cũng chỉ cam kết tiếp tục thực hiện cam kết của mẹ mình đối với bà Yến. Nghĩa là khi bán nhà đều phải được sự đồng ý của bà Yến, còn đương nhiên phần đất hoàn toàn thuộc về bà Hiên, nay chị em ông Hùng thừa kế, trong giấy cam kết không có từ ngữ nào nói về QSDĐ thuộc về bà Yến.

Theo trình bày của ông Hà, nhà đất trên do bà Hồng mua của bà Yến năm 1993, nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện bất kỳ tài liệu nào chứng minh việc mua bán này và bà Hồng cũng không đưa ra chứng cứ gì. Bà Hồng khai bà Yến đi định cư tại Mỹ năm 1992, đến năm 1993 mua lại nhà đất bà Hồng và nhờ bà Hiên đứng tên, nhưng năm 1991, vợ chồng bà Hồng đã lập Văn tự cho bà Hiên ngôi nhà có diện tích 39m2. Do vậy, bà Hồng không còn nhà đất để bán được. Đồng thời, nhiều nhân chứng sinh sống xung quanh khu vực trên đều xác nhận phần đất tại ngôi nhà 209 là do bà Hiên tạo lập nên và sinh sống liên tục từ trước năm 1975 đến nay, chứng minh QSDĐ hợp pháp của bị đơn nhưng bị Tòa bác bỏ?

Căn cứ Văn tự cho nhà của vợ chồng bà Hồng thì diện tích chỉ thể hiện 39m2 đất, đến khi bà Hiên được cấp giấy chứng nhận ghi rõ diện tích là 44,5m2 đất. Việc hai cấp Tòa buộc bị đơn phải giao toàn bộ 44,5m2 đất cho bà Yến mà không trừ ra 5,5m2 đất và xâm phạm đến quyền lợi của ông Hùng, bà Hương. Mặt khác, bản án phúc thẩm tuyên công nhận ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của bà Yến, không đề cập đến QSDĐ, nhưng lại buộc ông Hùng phải giao trả toàn bộ nhà đất tại số 209-Đống Đa cho bà Yến sở hữu là vi phạm, luật Việt Nam quy định cá nhân không có quyền sở hữu đất đai và bà Yến chỉ có QSHN tại số 209-Đống Đa.

Theo Luật Đất đai năm 1987 và năm 1993, khoảng thời gian này những trường hợp như bà Yến Việt Kiều không có quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu có thực thì đây là giao dịch bất hợp pháp, không được Nhà nước công nhận. Do đó, Tòa án công nhận QSHN cho bà Yến là trái pháp luật.

Ngay sau khi có quyết định của bản án phúc thẩm, ông Hùng liên tục gửi đơn khiếu nại đến Trụ sở Tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao... Trong khi đó, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã có quyết định thi hành án và Kế hoạch cưỡng chế thi hành án số 226/2013 ngày 20-11-2013 để tổ chức cưỡng chế giao nhà đất số 209-Đống Đa cho ông Hà, thời gian vào ngày 26-12-2013. Do ông Hà đồng ý dời thời gian giao nhà sau Tết Giáp Ngọ để ổn định sinh hoạt, nên ngày 20-2-2014 sẽ cưỡng chế thi hành án đối với ông Hùng.

Chúng tôi được biết, ngày 17-1-2014, Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng đã có Công văn số 149-CV/BNCTU "về việc trả lời đơn của công dân" gửi ông Võ Văn Hùng (trú 209-Đống Đa, Hải Châu, TP Đà Nẵng), trong đó nêu rõ: "Về việc này, Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn gửi đến Ban Nội chính Trung ương để xem xét, xử lý". Ngày 21-1-2014, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có Công văn số 23/ĐĐBQH-VP về việc chuyển đơn công dân, gửi Chánh án TAND Tối cao, đề nghị xem xét, giải quyết và trả lời đơn của của công dân. Ngày 22-1-2014, Văn phòng UBNDTP Đà Nẵng cũng có Công văn số 192/VP-NCPC, hướng dẫn ông Võ Văn Hùng gửi đơn đến Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, đề nghị, Viện KSND Tối cao sớm có kháng nghị bản án phúc thẩm và TAND Tối cao xem xét giải quyết vụ việc theo trình tự giám đốc thẩm. Dư luận cho rằng, trước mắt, cần chỉ đạo tạm hoãn thi hành án tại ngôi nhà số 209-Đống Đa (Đà Nẵng) để vụ việc được giải quyết thấu tình, đạt lý, dứt điểm theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: Trung Thành

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_109682_lie-u-co-nha-m-la-n-giu-a-quye-n-so-hu-u-nha-va-qu.aspx