Vụ tranh chấp đất ở Hưng Yên: Cần xem xét lại chứng cứ vụ án

Theo đơn của bà Nguyễn Thị Yến ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên thi hai bản án số 34/2007/DSST của TAND huyện Văn Giang và phúc thẩm số 20/2008/DSPT của TAND tỉnh Hưng Yên còn nhiều vấn đề.

Bản án số 34/2007/DSST ngày 14/12/2007 xét xử vụ tranh chấp đất giữa hộ gia đình ông Phan Văn Diên (nguyên đơn) và ông Lê Văn Thuận (bị đơn), căn cứ vào hai chứng cứ chính: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) mang tên Lê Văn Thuận và xác nhận của UBND xã Xuân Quan về việc ông Phan Văn Diên mua 40m2 đất đấu thầu dịch vụ.

GCNQSD mang tên ông Lê Văn Thuận ghi rõ ông quản lý 338m2 (không phải như ông nói quản lý 425m2), ông Phan Văn Diên đã mua một suất đất dịch vụ của xã, diện tích 40m2, từ đây Hội đồng xét xử (chủ tọa: thẩm phán Nguyễn Nam Thắng, hội thẩm nhân dân: Đào Bá Lộ, Ngô Minh Côi) tuyên ông Lê Văn Thuận chiếm đất của ông Phan Văn Diên, nay buộc phải trả lại.

Hình minh họa.

Như bài trước (bài “ Vụ tranh chấp đất ở Hưng Yên: UBND xã sai nên Tòa tuyên sai? ”) đã nêu, bà Yến đưa ra những chứng cứ mới chứng minh diện tích quản lý sử dụng của ông Lê Văn Thuận: Theo bản đồ 299, giấy xác nhận của bà Lê Thị Hoàn, ông Lê Văn Chi, giấy xác nhận của Chi cục Thuế huyện Văn Giang thì diện tích sử dụng của ông Lê Văn Thuận là 425m2 (nộp thuế từ 1986 đến 2011).

Về GCNQSD, bà Nguyễn Thị Yến chỉ ra rằng đây là GCNQSD không có hiệu lực pháp lý. Năm 1994, UBND tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên) cấp GCNQSD cho 1411 hộ gia đình, trong đó có hộ ông Lê Văn Thuận. Do quá trình làm thủ tục có rất nhiều sai phạm nên Thanh tra tỉnh Hải Hưng ra Báo cáo kết luận thanh tra ngày 4/9/1995 chỉ đạo xã Xuân Quan ngừng việc trả GCNQSD cho các hộ vì cấp trái thẩm quyền và chưa hợp pháp. Bản án số 34/2007/DSST cho rằng ông Lê Văn Thuận đã xin cấp GCNQSD và được xét cấp.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Yến cho biết ông Lê Văn Thuận chưa bao giờ xin cấp sổ đỏ. Đến nay bà tìm được bản GCNQSD mang tên Lê Văn Thuận thì thấy chữ ký Thuận trong GCNQSD hoàn toàn khác với chữ ký Thuận trong đơn chống án ngày 14/12/2007 của ông. Như vậy GCNQSD không đủ tin cậy để dùng làm chứng cứ.

Chứng cứ thứ hai quyết định tính chất bản án là quyền sử dụng 40m2 đất của ông Phan Văn Diên. Bản án số 34/2007/DSST ghi như sau: “Năm 1993, UBND xã Xuân Quan tổ chức đấu thầu dải đất dịch vụ thuộc trục đường phà thôn 8 xã Xuân Quan. Ngày 5/3/1993, đại diện UBND xã Xuân Quan lập biên bản giao đất cho 36 hộ gia đình trúng thầu; mỗi suất đất giao thầu có diện tích 40m2, chiều rộng mặt đường là 4m, chiều sâu là 10m”. Đoạn văn này được chuyển nguyên văn lên bản án phúc thẩm số 20/2008/DSPT (Thế là HĐXX phúc thẩm cũng không kiểm tra, xác minh chứng cứ quan trọng của bản án).

Bà Nguyễn Thị Yến có đơn yêu cầu và báo Kinh doanh&Pháp luật đã cử phóng viên đến TAND tỉnh Hưng Yên đề nghị cung cấp danh sách 36 hộ trúng thầu nêu trong bản án. Sau thời gian tra cứu hồ sơ tài liệu, cán bộ phòng lưu trữ cho biết: Hồ sơ vụ án hoàn toàn không có bất cứ tài liệu nào liên quan đến 36 hộ trúng thầu (cũng có nghĩa là không có tên ông Phan Văn Diên).

Hình minh họa.

PV đến huyện Văn Giang, gặp gỡ trao đổi với bà Phạm Thị Tĩnh, Chánh án TAND huyện.

PV hỏi: Theo chị tại sao danh sách 36 hộ lại không có trong bản án?

Bà Tĩnh trả lời: Khi thụ lý vụ án, chắc chắn thẩm phán phải đến UBND xã và được cung cấp danh sách 36 hộ, thậm chí cả nghị quyết của HĐND về việc đấu thầu đất. Đúng ra danh sách này phải có trong hồ sơ, nay không có thì có thể thẩm phán “làm tắt”, không lấy danh sách về.

PV nói: Nếu như vậy thì tôi phải kết luận là thẩm phán Nguyễn Nam Thắng đã xử án khi không đủ chứng cứ, đưa ra hai chứng cứ quan trọng thì một cái không khả tín, một cái hoàn toàn không có!

Bà Tĩnh ngần ngừ rồi…cười.

PV đã cố gắng liên lạc với thẩm phán Nguyễn Nam Thắng, nay là Phó Chánh án TAND huyện Văn Giang, Hưng Yên qua điện thoại.

PV hỏi: Xin anh làm ơn cho biết vụ án của bản án số 34/2007/DSST mà anh làm chủ tọa có danh sách 36 hộ mua đất dịch vụ không?

Ông Thắng trả lời: Vụ án quá lâu tôi không nhớ được, tất cả chứng cứ đề nghị anh cứ đọc trong hồ sơ.

Xâu chuỗi lại các sự việc, chúng ta thấy như thế này: Thẩm phán đến xã yêu cầu cung cấp về tình hình sử dụng đất. UBND xã đưa ra thông tin có 36 hộ mua đất, trong đó có hộ ông Phan Văn Diên. Thế nhưng xã không giao cho thẩm phán tài liệu về 36 hộ để đưa vào hồ sơ.

Tại sao vậy? Có hai khả năng: Có thể việc bán đất ấy không hợp pháp, hoặc có thể suất đất lại ở chỗ khác chứ không phải chỗ tiếp giáp với diện tích của ông Lê Văn Thuận. Ở đây, chúng tôi chưa bàn đến hai khả năng này vì sợ bài báo quá dài (chúng tôi sẽ trở lại việc này trong bài báo khác), nhưng có thể xác định: HĐXX cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên án trong tình trạng không có chứng cứ. Đây là căn cứ để bà Nguyễn Thị Yến đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Phương Đông/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vu-tranh-chap-dat-o-hung-yen-can-xem-xet-lai-chung-cu-vu-an-p41789.html