Vụ NH Vietcombank kê biên nhà-Bài 11: Ngân hàng đang vi phạm quy định về hoạt động tín dụng?

THCL - Theo đại diện gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn, việc cho vay thế chấp của Ngân hàng Vietcombank có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Khi thế chấp quyền sử dụng đất chưa có hiệu lực, thì Ngân hàng đã vội vàng chuyển khoản cho phía gia đình bà Phấn vay với số tiền “vượt khung” quy định của pháp luật.

THCL - Theo đại diện gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn, việc cho vay thế chấp của Ngân hàng Vietcombank có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Khi thế chấp quyền sử dụng đất chưa có hiệu lực, thì Ngân hàng đã vội vàng chuyển khoản cho phía gia đình bà Phấn vay với số tiền “vượt khung” quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại điểm c điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định giao dịch bảo đảm quy định rõ, việc thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp.

Biên bản định giá tài sản giữa gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn và Ngân hàng Vietcombank

Theo “Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” ngày 9/10/2006, tại mục 3.1.1 và mục 3.1.2 ghi tài sản đăng ký thế chấp là Thửa đất số: 6 - 7; Tờ bản đồ số: 6G – I – 25; Diện tích đất ở: 120m2; nơi có thửa đất: nhà số 44 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba đình. Trong khi thửa đất mà gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn sử dụng làm tài sản thế chấp để ký hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng là thửa đất số : 6- 7; tờ bản đồ 7G – I – 25, diện tích 302,4m2. Ngày 17/6/2009, VCB có đơn yêu cầu sửa chữa sai sót cũng không hợp lệ.  Do vậy, việc thế chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình bà Phấn và Ngân hàng VCB chưa được đăng kí bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tại điều 4 Hợp đồng thế chấp tài sản số 06/TDTG/TC 1184 ngày 9/10/2006 giữa Ngân hàng VCB và gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn cũng quy định rõ: Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký thế chấp theo quy định. Do vậy, Hợp đồng thế chấp và Phụ lục hợp đồng thế chấp chưa có hiệu lực vì việc tài sản thế chấp chưa được đăng ký bởi cơ quan có thẩm quyền.

Hợp đồng tín dụng chưa có hiệu lực thì việc phía Ngân hàng VCB đã “chuyển khoản” và bắt đầu tính lãi cho bên vay là trái với quy định của pháp luật?!

Tại Biên bản định giá tài sản số 07/TDTG –BBĐG/0769 ngày 04/04/2017 giữa gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn và phía Ngân hàng VCB, hai bên thống nhất định giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất với tổng giá trị bằng 38.162.523.600 (Ba mươi tám tỷ, một trăm sáu mươi hai triệu đồng, năm trăm hai mươi ba nghìn, sáu trăm đồng).

Bản phụ lục hợp đồng thế chấp giữa gia đình bà Phấn ký với Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Tại bản án số 22/2014/DSST ngày 11/4/2014 về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản, xác định Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có cho bà Nguyễn Hồng Phấn vay theo 3 hợp đồng tín dụng: Hợp đồng tín dụng số 06/TDTC- BĐS/184 ngày 06/10/2006 với số tiền nợ gốc là 10 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng số 07/TDTC – BĐS/0181 ngày 23/01/2007 với số tiền nợ gốc là 5,5 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng số 07/TDTC – BĐS/0769 ngày 04/04/2007 với số tiền nợ gốc là 15 tỷ đồng. Tổng số nợ gốc theo 3 hợp đồng tín dụng là 30.500.000.000 (Ba mươi tỷ năm trăm triệu đồng).

Tại Hợp đồng tín dụng số 07/TDTC – BĐS/0769 ngày 04/04/2007 do ông Nguyễn Minh Giang, Phó Trưởng phòng tín dụng trả góp và tiêu dùng ký. Phía Ngân hàng VCB tiếp tục cho gia đình bà Phấn vay thêm 15 tỷ đồng. Trong khi đó, ở điều 1 của hợp đồng này lại ghi rõ, tổng mức nợ tối đa mà Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại thương có thể cho bà Nguyễn Hồng Phấn vay là: 25.000.000 (hai mươi lăm tỷ đồng chẵn). Vậy nhưng, trước khi ký hợp đồng này, phía Ngân hàng VCB đã ký với phía gia đình bà Phấn hai bản hợp đồng tín dụng với tổng số nợ của hai hợp đồng này lên đến 15 tỷ đồng. Cùng với bản hợp đồng thế chấp thứ ba này thì tổng số tiền nợ gốc của gia đình bà Phấn nâng lên con số 30 tỷ đồng. Một bản hợp đồng “khó hiểu” của Ngân hàng VCB?!

Trong quyết định số: 217/QĐ-NH1ngày 17/ 8 /1996 về việc ban hành quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Tại điều 12, mức tiền cho vay trên giá trị tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, quy định rõ: Tổ chức tín dụng (bên nhận thế chấp, cầm cố; nhận bảo lãnh) căn cứ vào giá trị của tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh đã được định giá như quy định để xác định số tiền cho vay. Số tiền cho vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, cầm cố và tài sản bảo lãnh đã được xác định và ghi trên hợp đồng.

Như vậy, liệu Ngân hàng VCB có “xé rào” quy định của pháp luật để “ưu ái” cho vay quá định mức tối đa đối với gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn?! Có điều gì khuất tất trong sự việc, sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở các số báo tiếp theo.

LÊ ĐẠI

Theo thống kê về cơ cấu cổ đông của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank thì hiện tại, cổ đông lớn nhất của VCB là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đại diện phần vốn Nhà nước tại VCB), nắm giữ 77,11% vốn điều lệ.

Nguồn TH&CL: http://thuonghieucongluan.com.vn/vu-nh-vietcombank-ke-bien-nha-bai-11-ngan-hang-dang-vi-pham-quy-dinh-ve-hoat-dong-tin-dung-a40265.html