Vụ nam thanh niên bị cưa cụt chân: Bộ Y tế yêu cầu xác minh vụ việc để xử lý

Liên quan đến vụ bệnh viện Chấn Thương Chỉnh hình TP HCM chẩn đoán nhầm khiến bệnh nhân phải cưa cụt chân, Bộ Y tế đã yêu cầu xác minh vụ việc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã có công văn yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẩn trương xác minh vụ việc trên.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng yêu cầu bệnh viện cần xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, chấn chỉnh các hoạt động chuyên môn của bệnh viện và nghiêm khắc xử lý tập thể, cá nhân nếu có sai phạm.

Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý và báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 31/7.

Hình ảnh chiếc chân phải bị cưa của bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân Lê Hoàng Lâm được gia đình đưa đến bệnh viện Chấn Thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh trong tình trạng chân lạnh bất thường, sưng phù, đau dữ dội và được bác sĩ khám rồi kết luận “chấn thương phần mềm gối phải”. Gần 3 ngày Lâm uống thuốc, đau đớn càng dữ dội hơn, trở lại bệnh viện thì chân đã hoại tử, phải cắt cụt 1/3 dưới đùi phải.

Trước vụ việc trên, bác sĩ Nguyễn Tiến Linh, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, giống như kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế đánh giá, đây là ca chấn thương khó ở khớp gối. Bệnh nhân bị tổn thương vùng gối do trật khớp, kèm theo tổn thương động mạch khoeo.

Bác sĩ Linh nói nguyên nhân dẫn đến việc bác sĩ Trần Chí Khôi (người trực tiếp khám cho bệnh nhân) chẩn đoán sai là do trước đó, anh Lâm đã được bệnh viện tuyến dưới chích thuốc tê nắn khớp. Khi tiếp nhận bệnh nhân bác sĩ điều trị không còn thấy triệu chứng trật khớp gối nên chẩn đoán là chấn thương phần mềm.

Bác sĩ Trương Trí Hữu, Trưởng phòng quản lý chất lượng bệnh viện nhận định, với bệnh lý trật khớp gối các bác sĩ sợ nhất là tổn thương động mạch khoeo. Tuy nhiên, khi vết thương trật khớp gối của anh Lâm đã được chích thuốc tê, nắn lại rồi thì tất cả những triệu chứng của bệnh không còn nữa.

Khi bác sĩ Khôi khám thấy mạch mu chân, các ngón chân của bệnh nhân vẫn cử động nên mới chẩn đoán nhầm sang chấn thương phần mềm dẫn đến vụ việc đáng tiếc trên.

Sau sự việc, Sở Y tế TP.HCM đã lập hội đồng chuyên môn để đánh giá lại toàn bộ quá trình thăm khám, điều trị.

Bước đầu thống nhất kết luận, bệnh nhân bị cưa chân do bác sĩ hạn chế về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm trong chẩn đoán và xử trí trường hợp khó dẫn đến chưa đánh giá đầy đủ tình trạng tổn thương, chưa tiên lượng được diễn tiến phức tạp của tổn thương động mạch khoeo.

An Thiên (T/H)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vu-nam-thanh-nien-bi-cua-cut-chan-bo-y-te-yeu-cau-xac-minh-vu-viec-de-xu-ly-d19509.html