Vũ Mạnh Cường - Dấu gạch nối hoàn hảo

Trong nghiệp VĐV, Vũ Mạnh Cường được biết đến với ngón đòn riêng lợi hại cùng tư chất thủ lĩnh, ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ. Tất cả đã đưa anh trở thành tượng đài trong làng bóng bàn Việt Nam. Đến bây giờ, khi thành nhà quản lý, HLV, anh vẫn buộc người ta phải nhắc đến với sự thán phục.

Một vạn bóng mỗi buổi tập để làm nên thương hiệu

Hơn 1 năm trước ngày đất nước thống nhất, cậu bé Vũ Mạnh Cường ra đời. Lúc đó, bóng bàn Hải Dương đã nức tiếng khi xuất hiện nhiều cao thủ.

Ở một vùng đất đầy đam mê và có nhiều người tài về bóng bàn như vậy nên cậu bé Vũ Mạnh Cường được làm quen với cây vợt, quả bóng từ lúc 9 tuổi là lẽ bình thường. Cùng lứa với Vũ Mạnh Cường còn có nhiều tay vợt khác nổi trội tài năng, tố chất. Nhưng con đường đi đến đỉnh cao không dành cho những người thiếu đam mê, khổ luyện và bản lĩnh. Đến năm 17 tuổi, anh đã được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 17.

Nhưng như Vũ Mạnh Cường kể lại thì chính quá trình đổi mới, hòa nhập với thế giới của đất nước cũng như thể thao Việt Nam đã giúp anh đạt đến đẳng cấp mới mà trước đó anh chưa từng nghĩ. Rõ nhất là việc rèn quả giật phải sở trường. Khi còn ở tuyến trẻ, anh đã chuyên tâm tập quả giật phải, coi đó là vũ khí để vượt qua đối thủ. Nhưng lúc ấy, anh cũng chỉ tập theo kiểu “bóng ít”, tức là giật quả một hoặc 2-3 quả một lúc rồi dừng.

Cũng không thể trách giáo án tập luyện khi đó bởi các HLV không được va chạm nên không nắm được xu hướng huấn luyện của bóng bàn thế giới. Đến khi đất nước mở cửa, các HLV và VĐV Việt Nam, trong đó có Vũ Mạnh Cường, được đi tập huấn nước ngoài. Chính khi đó, Vũ Mạnh Cường mới biết đến khái niệm “bóng nhiều” trong tập luyện, tức là VĐV phải tập một động tác với hàng trăm quả bóng một lúc.

Ở Trung Quốc, mỗi lần tập giật bóng, Vũ Mạnh Cường phải “ăn” đủ một rổ khoảng 500 bóng. Vậy mà anh vẫn đáp ứng được. Trung bình mỗi ngày anh giật đủ 15 đến 20 rổ bóng, tương đương từ 7.500 đến 10.000 bóng.

Về nước, anh cũng duy trì đều đặn khối lượng tập luyện đó cho đến khi sắp nghỉ thi đấu. Ở cả câu lạc bộ Hải Dương lẫn đội tuyển quốc gia, không ai qua được anh về khoản này. Sau này, Vũ Mạnh Cường có nói lại là việc tập những quả giật bóng chiếm đến khoảng 70% thời gian tập luyện trong ngày của anh. Nhờ thế, anh mới tạo nên thương hiệu về cú giật bóng tới mức “mất bóng” không lẫn vào đâu.

Vinh quang và nuối tiếc ở SEA Games

Ở đấu trường SEA Games, đến lúc này anh vẫn là tay vợt Việt Nam có thành tích tốt nhất với 3 chức vô địch SEA Games (2 HCV cá nhân vào năm 1995 và 2001, 1 HCV đôi nam – nữ năm 1997) bên cạnh 7 chức vô địch quốc gia cũng như 3 lần là VĐV tiêu biểu của năm. Cả 2 tấm HCV cá nhân tại SEA Games năm 1995 và 2001 đều mang đến bất ngờ với chính anh, dù người ngoài đều nói rằng, nếu không có tài năng thì may mắn đến mấy cũng không thể lên ngôi vô địch.

Đầu tiên là tấm HCV đơn nam tại SEA Games năm 1995 ở Chieng Mai (Thái Lan). Vũ Mạnh Cường từng hai lần tham dự SEA Games trước khi dự SEA Games năm ấy. Những trải nghiệm của hai kỳ SEA Games năm 1991 và 1993 đủ để anh hiểu rằng khó có thể lên ngôi vô địch đơn nam khi các tay vợt Indonesia vẫn đang áp đảo. Việc các tay vợt Indonesia giành 5/7 bộ huy chương tại SEA Games đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Ấy vậy mà Vũ Mạnh Cường đã lật đổ chính tay vợt người Indonesia - đương kim vô địch SEA Games 1993 trong trận chung kết. Vẫn là những cú giật thuận tay cực mạnh và chính xác khiến đối thủ biết mà không thể khắc chế. Anh bảo rằng: “Tôi sẽ không thể quên được giây phút đánh bại tay vợt người Indonesia ấy. Đến lúc đó, tôi mới tin là mình đã làm được điều kỳ diệu cho chính bản thân”.

Còn tấm HCV đơn nam vào năm 2001 cũng mang đến cảm giác kỳ diệu khác. Lúc đó, cục diện bóng bàn Đông Nam Á đã thay đổi với sự xuất hiện của các tay vợt gốc Trung Quốc nhập tịch tại đội tuyển Singapore. Trước SEA Games 2001, không ai tin rằng có một tay vợt ngoài Singapore có thể tranh chấp ngôi vô địch đơn nam. Nhưng năm ấy, Vũ Mạnh Cường tạo nên cú sốc khi vượt qua tay vợt nhập tịch người Trung Quốc bên phía Singapore ở bán kết trước khi thắng tay vợt Indonesia ở chung kết.

Đến SEA Games 22 năm 2003 được tổ chức ở Việt Nam, Vũ Mạnh Cường cũng muốn tạo nên cái kết đẹp cho sự nghiệp. Năm đó, anh đã đầu tư công sức, gác lại mọi việc để hoàn toàn tập trung cho quá trình chuẩn bị. Thực tế, anh luôn duy trì được phong độ cao. Nhưng người tính không bằng trời tính, 12 ngày trước SEA Games 22, anh bị mổ ruột thừa. Chỉ ít ngày sau khi rời viện, Vũ Mạnh Cường vẫn kiên quyết vào thi đấu dù không đạt thể trạng tốt nhất.

Tuy vậy, anh không vượt qua vòng bảng khi thua một tay vợt Thái Lan. Nỗi thất vọng ngay ở SEA Games trên sân nhà lúc đó còn lớn hơn cả việc anh hai lần lỡ vé tham dự Olympic 1996 và 2000.

Ngã rẽ không ngờ

Năm nay đã là năm thứ 11, nhà cựu vô địch SEA Games Vũ Mạnh Cường gắn bó với câu lạc bộ bóng bàn T&T. Năm 2007, Vũ Mạnh Cường quyết định chia tay bóng bàn Hải Dương dù lúc đó anh đang là Trưởng bộ môn bóng bàn tỉnh nhà. Đấy không phải là quyết định bột phát nhất thời. Cũng đầy khó khăn để đưa ra quyết định nhưng rồi anh vẫn đưa cả gia đình về Hà Nội để tạo nên một đế chế mới trong làng bóng bàn Việt Nam.

Bắt đầu là những ngày anh và 12 cậu học trò bé xíu được tuyển từ mọi miền ngụ trong những căn phòng ngay gầm sân vận động Trung tâm TDTT Tây Hồ. Có những dịp học trò bị sốt phát ban, chính anh phải bôi thuốc tím cho học trò. Đến khi trò khỏi thì thầy lăn ra sốt. Những dịp áp Tết, chỉ khi đưa học trò vào đến phòng chờ ở sân bay, cho đến khi ôtô ở bến xe chuyển bánh anh mới dám về nhà. Và anh chỉ nhẹ người khi ít giờ sau nhận được tin của gia đình học trò là đã đón được con.

Trong những ngày đầu gây dựng, Vũ Mạnh Cường cũng mời nhiều tay vợt khá nổi tiếng về để giúp câu lạc bộ có thành tích ngay ở các giải quốc gia, cũng như truyền cảm hứng cho lớp VĐV nhí. Nhưng cũng có không ít đàn em được anh kỳ vọng đã không thể làm gương cho lớp sau về tác phong sinh hoạt dù có tài.

Đến lúc đó, Vũ Mạnh Cường cũng dứt khoát chia tay họ. Đơn giản, những tay vợt nhí kia cần được sinh hoạt, tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp, nghiêm túc như anh luôn hướng đến. Đám học trò thực sự nể sợ thầy vì biết rằng, thầy có thể bỏ công bỏ sức chăm sóc chúng từ cái ăn, giấc ngủ nhưng sẵn sàng xử lý nghiêm khắc những cô cậu vi phạm kỷ luật.

Đến bây giờ, bóng bàn T&T đã có cả 3 tuyến với trên 40 tay vợt.

Tất cả đều bắt nguồn từ đam mê, ý chí, tài năng và sự nghiêm túc với nghề của một tay vợt đã mang lại nhiều vinh quang cho bóng bàn Việt Nam như Vũ Mạnh Cường. Anh đã có một sự nghiệp VĐV lẫy lừng, trong khi những thành công với sự nghiệp quản lý, HLV vẫn ở phía trước.

Minh Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/t26_-vu-manh-cuong-dau-gach-noi-hoan-hao-438399/