Vụ lừa đảo tại Trường Đại học Trà Vinh: Vì sao nhiều “sếp” được tha bổng?

Giám đốc, kế toán Trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất dịch vụ Trường Đại học Trà Vinh thiếu trách nhiệm, để đối tượng lừa đảo "ẵm” số tiền lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng bất ngờ được "tha bổng”. Cán bộ Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Trà Vinh đóng giả người của doanh nghiệp đi lãnh tiền cũng được đưa ra khỏi vòng tố tụng... Những dấu hiệu bất thường trong vụ án Ngô Văn Bảy và đồng phạm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khiến dư luận không khỏi nghi ngại cơ quan điều tra bỏ sót người, lọt tội...

Giám đốc, kế toán Trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất dịch vụ Trường Đại học Trà Vinh thiếu trách nhiệm, để đối tượng lừa đảo "ẵm” số tiền lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng bất ngờ được "tha bổng”. Cán bộ Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Trà Vinh đóng giả người của doanh nghiệp đi lãnh tiền cũng được đưa ra khỏi vòng tố tụng... Những dấu hiệu bất thường trong vụ án Ngô Văn Bảy và đồng phạm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khiến dư luận không khỏi nghi ngại cơ quan điều tra bỏ sót người, lọt tội...

Trung tâm CSP Trường Đại học Trà Vinh, nơi xảy ra vụ án lừa đảo

Nhằm đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại 30 xã dự án của tỉnh Trà Vinh, năm 2008, Ban điều phối dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo tỉnh Trà Vinh (viết tắt là Ban điều phối dự án IMPP) ký hợp đồng liên kết đào tạo nghề số 37/HĐ-PCU với Trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất dịch vụ Trường Đại học Trà Vinh (viết tắt là Trung tâm CSP). Nguồn kinh phí đào tạo do Tổ chức quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ dưới hình thức cho vay ưu đãi thông qua Ban điều phối dự án IMPP.

Ban điều phối dự án IMPP phân công cho ông Lê Văn Bảy (cán bộ dự án) trực tiếp phụ trách theo dõi việc triển khai thực hiện hợp đồng. Về phía Trung tâm CSP phân công ông Ngô Thành Thái (Trưởng phòng kinh doanh) theo dõi thực hiện. Theo hợp đồng, thời gian đào tạo một lớp học là 3 tháng, nếu Trung tâm CSP tự tổ chức và đào tạo dạy nghề thì được hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo là 400.000 đồng/học viên/tháng, riêng mỗi học viên tham dự học được hỗ trợ kinh phí 730.000 đồng/người. Để "kiếm chác” tiền dự án, ông Bảy nghĩ kế lừa đảo. Ông đến Công ty TNHH Dou Power và Công ty TNHH Đệ Nhất đề nghị lọc ra danh sách công nhân đang làm việc sống tại các xã dự án để tập hợp danh sách thành 5 lớp học. Sau đó ông Bảy báo cáo Ban giám đốc IMPP giao Trung tâm CSP tổ chức dạy nghề cho học viên.

Kịch bản được ông Bảy dựng lên là sẽ cho người giả đóng vai nhân viên các công ty đến gặp bà Quách Thị Vũ Huệ, Giám đốc Trung tâm CSP để thỏa thuận hợp đồng, "đè” chi phí xuống thấp hưởng chênh lệch. Đầu tiên, ông Bảy dẫn cháu là Phạm Quốc Việt (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đóng giả là nhân viên Công ty TNHH Dou Power đến gặp "sếp” Huệ. Việt bàn bạc và thỏa thuận khoản tiền Trung tâm CSP sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo cho Công ty TNHH Dou Power chỉ bằng 50% phí đào tạo được cấp, tương đương 200.000 đồng/học viên. Việt sẽ lấy số tiền được hỗ trợ là 129 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, các sếp ở Trung tâm CSP không kiểm tra nhân thân của Việt, cho lãnh ngay 30 triệu động, Việt giao lại số tiền này cho ông Bảy.

Tháng 8-2010, ông Bảy dẫn ông Dương Văn Lợi (cán bộ Trung tâm thẩm định dự án đầu tư thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Trà Vinh) đóng giả làm người đại diện của Công ty TNHH Đệ Nhất đến gặp giám đốc Huệ để thỏa thuận hợp đồng liên kết đào tạo. Trung tâm CSP đồng ý hỗ trợ 70,8 triệu đồng cho công ty, ông Lợi cũng được các "sếp” cho tạm ứng ngay 25 triệu đồng để giao lại cho Bảy.

Để làm giả con dấu Công ty TNHH Đệ Nhất, ông Bảy đến cơ sở khắc dấu Tiến Dũng (phường 3, TP. Trà Vinh) nhờ giúp. Ngoài ra, Bảy còn nhờ ông Tô Hữu Đạt (cán bộ hỗ trợ dự án IMPP) đến cơ sở khắc dấu Tiến Dũng tiếp tục thuê làm giả con dấu Công ty TNHH Dou Power. Ông Bảy sử dụng con dấu giả, giả chữ ký các công ty để thanh toán tiền. Thấy hợp đồng bất thường, ông Ngô Thành Thái, Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm CSP tìm hiểu và phát hiện việc Bảy làm giả để lừa đảo. Thay vì tố giác tội phạm, ông Thái lại tích cực giúp sức cho Bảy chiếm đoạt tổng cộng 199,8 triệu đồng. Ông Bảy chia lại cho Thái 19,4 triệu đồng và "biếu” giám đốc Công ty TNHH Đệ Nhất 19 triệu đồng, giám đốc Công ty TNHH Duo Power 25 triệu đồng.

Khi vụ việc vỡ lở, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Trà Vinh chỉ khởi tố, truy tố Ngô Văn Bảy và Ngô Thành Thái về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng có dấu hiệu đồng phạm giúp sức, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bất ngờ được tha bổng. Dễ nhận thấy ông Dương Văn Lợi, cán bộ Sở Kế hoạch đầu tư giúp Bảy lừa đảo bằng việc giả mạo người của Công ty TNHH Đệ Nhất đến gặp các "sếp” Trung tâm CSP để thỏa thuận hợp đồng và lãnh 37 triệu đồng. Ông Tô Hữu Đạt, cán bộ dự án IMPP giúp Bảy đi làm giả con dấu. Giám đốc Trung tâm CSP Quách Thị Vũ Huệ đã thiếu trách nhiệm, những đối tượng giả mạo lừa bịp dễ dàng. Cơ quan điều tra nhận định bà Huệ đã nhiều lần "thiếu kiểm tra”, tạo điều kiện cho Bảy làm giả con dấu, giả chữ ký doanh nghiệp chiếm đoạt số tiền lớn. Đối với kế toán Trung tâm CSP Dương Tuyết Anh đã cho tạm ứng tiền sai quy định nhiều lần, không kiểm tra giấy giới thiệu và giấy chứng minh của người ứng. Chưa hết, bà Anh còn lập khống 10 hợp đồng, chứng từ với giáo viên giảng dạy của 2 công ty quyết toán số tiền hỗ trợ 199,8 triệu đồng... Thay vì xử lý hành vi có dấu hiệu đồng phạm giúp sức của ông Lợi và hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ Trung tâm CSP, Cơ quan điều tra đã tha bổng với lập luận "hậu quả đã được khắc phục”, các đối tượng "không vụ lợi”. Viện kiểm sát cũng cho rằng đối với ông Lợi, ông Đạt, bà Huệ, và Anh, chỉ cần "xem xét xử lý hành chính là thỏa đáng”. Mới đây, ngày 24-2-2012, TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt ông Bảy 3 năm tù; Thái 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Với những dấu hiệu bất thường trên, dư luận trông chờ Tòa phúc thẩm, TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh xem xét, làm rõ, tránh bỏ lọt tội phạm.

Xuân Thành

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=47527&menu=1390&style=1