Vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Cần Thơ: Vì sao bị hại khẳng định 'chưa có thiệt hại'?

Trong khi CQĐT cho rằng Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền hỗ trợ lãi suất của Nhà nước thì phía Ngân hàng cho vay lại khẳng định 'chưa thiệt hại' vì trước đó 2 năm thì khoản vay ưu đãi này đã chuyển thành 'vay thông thường'. Hơn nữa, việc đòi 'lãi chưa thu' từ khoản vay đang được Tòa giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Siêu thị Citimart được Cty Tây Nam thế chấp vay tiền tại Agribank Cần Thơ.

Siêu thị Citimart được Cty Tây Nam thế chấp vay tiền tại Agribank Cần Thơ.

Từ “lãi suất ưu đãi” chuyển thành “lãi suất thông thường”

Đầu năm 2012, Cty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Cty Tây Nam, do Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân làm Giám đốc, trụ sở tại tỉnh Hậu Giang) có ký hợp đồng vay 289 tỷ đồng với Ngân hàng Agribank, Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) để thực hiện dự án xây dựng nhà máy chế biến nông, thủy sản Tây Nam tại Hậu Giang. Tài sản thế chấp cho khoản vay này là siêu thị Citimart (tại TP Cần Thơ) được định giá trên 333 tỷ đồng.

Cho rằng việc vay tiền như trên thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Agribank Cần Thơ đã thực hiện hỗ trợ gần 60 tỷ đồng tiền lãi cho Cty Tây Nam.

Đến tháng 8/2014, thấy Cty Tây Nam thực hiện dự án chậm tiến độ (vì nền đất vướng túi bùn lỏng), chưa ký được hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân và khó đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ lãi suất nên Agribank Cần Thơ đã chuyển toàn bộ khoản vay sang hình thức vay thông thường.

Sau khi Cty Tây Nam đồng ý với nội dung này và cam kết trả toàn bộ lãi theo lãi suất thông thường, Agribank Cần Thơ đã coi 60 tỷ đồng lãi xuất ưu đãi là số tiền lãi mà Cty Tây Nam chưa trả. Đồng thời, Ngân hàng này còn yêu cầu Cty Tây Nam bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay là giá trị đã thực hiện của dự án (quyền sử dụng đất, nhà xưởng, máy móc, kho tàng, bến bãi… tại Hậu Giang) là 190 tỷ, nâng tổng giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay theo định giá là 523 tỷ đồng.

Liên quan đến khoản vay nêu trên, cuối năm 2015, Agribank Cần Thơ đã có đơn khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng tại TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ), yêu cầu Cty Tây Nam phải thanh toán nợ gốc 258 tỷ đồng và 100 tỷ đồng tiền lãi (trong đó bao gồm 60 tỷ đồng chuyển từ lãi suất ưu đãi thành lãi suất thông thường trước đó).

Tranh chấp tín dụng bị hình sự hóa?

Tuy nhiên, vào ngày 16/6/2016, khi TAND quận Ninh Kiều đã thụ lý vụ kiện và tiến hành hòa giải thì Cơ quan ANĐT- Công an TP Cần Thơ đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân vì cho rằng bị can này có hành vi “làm khống hồ sơ tài liệu để lừa đảo chiếm đoạt tiền ưu đãi lãi suất của Nhà nước”.

Theo Luật sư Hoàng Văn Tùng (Văn phòng LS Trung Hoàng, hai dấu hiệu bắt buộc phải có trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi “gian dối” và “Chiếm đoạt”. Tuy nhiên, cho đến nay thì không có cơ sở để khẳng định bị can Nhân đã gian dối để chiếm đoạt 60 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi suất vì việc ký hợp đồng tín dụng và thế chấp là rõ ràng, minh bạch.

Tài sản thế chấp và dự án đầu tư xây dựng nhà máy, kho tàng phục vụ tiêu thụ nông sản, thủy sản… đều có thật chứ không phải “tài sản khống” hay dự án “khống”. Thực tế, khoản tiền vay đều được Cty Tây Nam sử dụng đúng mục đích và mỗi lần giải ngân thì Cty này và tổng thầu đều phải xuất trình chứng từ, hóa đơn thể hiện khối lượng dự án đã hoàn thành hay giá trị thiết bị nhập vào công trình…

Khẳng định bị can Nhân không có dấu hiệu chiếm đoạt, LS Tùng cho hay, từ năm 2014, Agribank Cần Thơ đã coi 60 tỷ này là khoản lãi chưa thu, chưa phải là thiệt hại chứ không phải là khoản tiền đã bị chiếm đoạt. Agribank Cần Thơ chưa quyết toán với Bộ Tài chính để được cấp bù 60 tỷ này, tức là vụ án không hề có bị hại.

Hơn nữa, phía Cty Tây Nam cũng đồng ý chuyển thành lãi thông thường và chấp nhận nợ thêm 60 tỷ tiền lãi. Còn tính trên tổng nợ (gốc và lãi) thì Agribank Cần Thơ cũng không có nguy cơ bị mất vì đơn vị này đã khẳng định rõ, với thực trạng hoạt động và tài sản thế chấp và tài sản hiện có của Cty Tây Nam thì họ có thể thu được nợ gốc và nợ lãi. Và khi Agribank Cần Thơ còn đang thực hiện việc đòi nợ, đề nghị phía bị đơn giao tài sản để phát mại thì làm sao có thể khẳng định Ngân hàng này bị thiệt hại được.

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Văn Thảo- Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan ANĐT Công an TP Cần Thơ cho hay, hiện vụ án đang được điều tra nên chưa thể cung cấp được cụ thể về nội dung vụ án. Việc điều tra chắc chắn không thể kết thúc trong 4 tháng nên tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện gia hạn điều tra đối với vụ án này.

Còn Chánh Văn phòng UBND TP Cần Thơ Hồ Văn Gia thì cho hay, quan điểm của lãnh đạo UBND TP là luôn tạo điều kiện ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Với vụ án liên quan đến ngân hàng và tài sản thế chấp tại địa phương trên đây, lãnh đạo TP cũng rất quan tâm và tới đây sẽ sớm tổ chức một cuộc họp với các bên để nắm tình hình.

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Khoa Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/vu-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tai-can-tho-vi-sao-bi-hai-khang-dinh-chua-co-thiet-hai-299367.html