Vụ kiện dự án thư viện của Google

Các tác giả VN có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận thỏa thuận từ việc thu xếp vụ kiện tập thể liên quan đến dự án Google books. Dự án này chỉ cho Google quyền khai thác sử dụng tác phẩm chứ không chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm. Nghe đọc bài

Những ngày qua, thông tin về việc Google muốn mua bản quyền hàng triệu tác phẩm bên ngoài nước Mỹ (trong đó có một số tác phẩm từ Việt Nam) để phục vụ dự án Thư viện điện tử đã thu hút sự chú ý của dư luận. Có thể vào trang www.googlebooksettlement.com (cả tiếng Việt và tiếng Anh) để hiểu rõ hơn về Thỏa thuận thu xếp của Google. Tuy nhiên, trên trang này, Google không thông báo số lượng và tên tác phẩm cụ thể (của Việt Nam) được Google số hóa cho dự án Thư viện điện tử. Song, theo thông tin từ phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam thì số lượng đầu sách Việt Nam được Google số hóa là khoảng 4.400 tác phẩm. Có điều, trong số này chủ yếu là tác phẩm phi hư cấu (các công trình khoa học, nghiên cứu, giảng dạy, từ điển...); tác phẩm hư cấu (văn học nghệ thuật) chỉ chiếm một phần rất nhỏ. “Trong câu chuyện này, các tác giả Việt Nam là những người bị xâm hại và Google không thể ở tư thế ra điều kiện cho mình. Nhưng có lẽ vì lâu nay chúng ta quen bị người khác xâm hại và quen đánh giá thấp giá trị trí tuệ của mình nên quên mất rằng mình có thể đi kiện lại. Bây giờ, điều quan trọng là phải tự biết quyền của mình...” - nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty T&A Trước nguy cơ phải đối mặt với vụ kiện tập thể, trên trang www.googlebooksettlement.com, Google đề nghị thời hạn để chấp nhận hoặc không chấp nhận thỏa thuận thu xếp là ngày 4.9.2009 đối với sách và phụ trang được xuất bản trước ngày 5.1.2009. Ngoài ra, chủ sở hữu tác quyền có thể xóa tác phẩm của họ trên cơ sở dữ liệu mà Google đã số hóa nếu gửi khiếu nại vào hoặc trước ngày 5.4.2011, đồng thời vào bất kỳ thời điểm nào chủ sở hữu cũng có thể yêu cầu Google không số hóa tác phẩm. Tuy nhiên, để đủ điều kiện thanh toán cho những cuốn sách đã được số hóa, chủ sở hữu phải hoàn thành mẫu khiếu nại vào hoặc trước ngày 5.1.2010. Có tổ chức đại diện là cần thiết Thông tin về việc Google trả 60 USD cho mỗi lần số hóa tác phẩm và 63% doanh thu cho mỗi lần khai thác sử dụng là có thật. Chưa bàn đến giá cả, việc Google chịu trả tiền cho những tác phẩm mà Google sử dụng trên internet - một môi trường quá dễ dàng cho việc xâm hại bản quyền - là ứng xử văn minh của người hiểu luật. Tất nhiên, các tác giả có thể tự liên hệ với Google để trực tiếp nhận tiền đền bù mà không phải mất 20% hoa hồng cho tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Song, theo phân tích của luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm và liên danh, đây là vụ kiện tập thể và Google muốn hướng tới việc dàn xếp tập thể, do đó việc có một tổ chức đại diện cho các tác giả là cần thiết. Tuy nhiên, rắc rối hiện nay nằm ở chỗ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam chỉ có thể đại diện cho hơn 1.000 tác giả văn học, chứ chưa đủ tư cách đại diện cho hơn 3.000 tác giả văn bản phi hư cấu. Theo anh Dương Minh Việt, một trong những người quản lý trang công cụ tìm kiếm Bamboo, “số hóa” là một khái niệm kỹ thuật, được hiểu là việc lưu trữ dữ liệu điện tử để người sử dụng có thể truy cập hay download. Như vậy, về nguyên tắc, nếu không được sự đồng ý của người sở hữu bản quyền, Google đương nhiên sẽ không được phép số hóa hoặc cung cấp dữ liệu toàn văn tác phẩm trên Thư viện điện tử. Song, vì bản chất là một trang tìm kiếm nên Google, với phần mềm công cụ, dù được phép hay không được phép của chủ sở hữu tác phẩm, vẫn cứ chỉ ra những trang web cung cấp thông tin về tác phẩm đó (điều này có nghĩa là nếu chủ sở hữu không bán tác phẩm cho Google số hóa thì tác phẩm đó vẫn hiển thị trên công cụ tìm kiếm của Google). Theo luật sư Toàn, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam có thể xin Giấy phép không tự nguyện (compulsory license) hoặc Giấy phép mở - theo cách gọi của trung tâm - là hoàn toàn có thể. Bởi pháp luật của một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đã chấp nhận loại Giấy phép không tự nguyện này, coi đó như một trường hợp ngoại lệ, cho phép tổ chức quản lý tập thể được quyền đại diện mà không phụ thuộc vào việc chủ sở hữu tác quyền đã ủy thác cho tổ chức đó quyền quản lý hay không. Cũng theo phân tích của luật sư Toàn, trong trường hợp này Google là người đi mua, vì vậy thời điểm 4.9.2009 không nên hiểu là “tối hậu thư” của Google, mà đơn giản là hãng này cần có một mốc thời gian cụ thể để biết người bán có đồng ý hay không. Khai thác, chứ không mua đứt Trước một số luồng dư luận lo ngại về việc bán tác phẩm cho Google thì chủ sở hữu sẽ mất đứt quyền, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn phân tích: “Thỏa thuận với Google chỉ là cho quyền khai thác sử dụng tác phẩm chứ không phải là bán quyền sở hữu tác phẩm, do đó, chủ sở hữu có thể bán tác quyền cho nhiều đối tác khác nhau. Hơn nữa, Google cũng không đặt vấn đề mua đứt quyền sở hữu tác phẩm”. Điều đáng nói là hiện nay, không mấy tác giả tỏ ra sốt sắng với việc đòi tiền Google hay tìm cho mình người đại diện để lo chuyện thương thảo, mà “cứ để xem thế nào đã”. Cơ quan quản lý nhà nước cũng tỏ ra không mấy mặn mà. Bà Đoàn Thị Lam Luyến cho hay hồ sơ xin Giấy phép mở đã được gửi lên cơ quan có thẩm quyền nhưng cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu hồi âm... Y Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200931/20090728003447.aspx