Vũ khí ngụy trang bí mật của Nga có thể làm đối phương 'bối rối'

Vũ khí ngụy trang của Quân đội Nga được chế tạo để có thể đánh lạc hướng đối phương và dẫn dụ vũ khí tấn công ra khỏi các đơn vị chiến đấu thật.

Vũ khí ngụy trang bằng bơm hơi của Nga y như thật. Ảnh: Lao động

TTXVN đưa tin , vũ khí ngụy trang bằng bơm hơi được chế tạo đa dạng loại hình như hệ thống tên lửa, xe tăng, tiêm kích có khả năng tự bơm phồng để có thể khiến hệ thống định vị, giám sát của quân địch “bối rối”.

Mô hình vũ khí ngụy trang được làm từ vải không thấm nước, thay vì cao su thông thường. Quá trình bơm hơi để vũ khí “hình nộm” đạt kích thước chuẩn so với hàng thật là 5 phút, và mắt thường không thể phân biệt được nếu như nhìn ở khoảng cách 275 m. Quá trình tháo khí cũng rất dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ với vài phút, mô hình vũ khí sẽ biến mất và được gấp gọn lại, chiếm ít thể tích.

Một mô hình xe tăng T-80 của Nga được sản xuất với giá 16.000 USD chỉ nặng vỏn vẹn có 70 kg và được vận chuyển trong hai chiếc túi vải thô.

Đây chỉ là một trong các sản phẩm do công ty Rusbal của Nga chế tạo. Bộ Quốc phòng Nga hiện đang đàm phán với Rusbal để phát triển nhiều vũ khí bơm hơi như thế, nhằm đưa chúng ra chiến trường và đánh lừa kẻ thù.

Theo nhà sản xuất Rusbal, công ty đã có giao dịch với Bộ Quốc phòng từ năm 1995 nhưng từ chối tiết lộ số lượng mẫu đã được làm, bán và triển khai cho quân đội Nga. Hiện công ty trên có 80 nhân công chính, và hầu hết công việc của họ là tập trung sản xuất các loại vũ khí bơm hơi để xuất khẩu.

Cũng theo nhà sản xuất, các vũ khí bơm hơi của Nga rất nhẹ, bền bỉ và dễ dàng di chuyển. Chúng không chỉ giống về bề ngoài mà còn mô phỏng vũ khí thật trên mọi khía cạnh, từ dấu hiệu nhiệt, dấu hiệu cận hồng ngoại và tín hiệu phản xạ radar.

Như thế, Nga đã có thể qua mắt gần như mọi hệ thống dẫn đường vũ khí đang tồn tại hiện nay, ngoại trừ cảm biến siêu phổ nhìn từ vũ trụ! Rusbal cũng bán các sản phẩm mô phỏng trạm radar, rất tiện lợi trong tình huống đối thủ dùng tên lửa diệt radar tầm xa, chuyên lần theo tín hiệu sóng radar.

Báo Lao động cho biết, hình nộm và vũ khí bơm hơi không phải là chiêu trò mới mẻ trong chiến tranh. Các lực lượng NATO từng ném bom vào những chiếc xe tăng giả của quân đội Serbia trong cuộc chiến Kosovo diễn ra hồi năm 1999. Tướng George Patton cũng xây dựng cả một “đội quân ma” để lừa người Đức nghĩ rằng quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào vùng Pas-de-Calais thay vì Normandy trong ngày D-Day nổi tiếng.

Nhưng vũ khí bơm hơi ở Nga lại thuộc về một học thuyết quân sự sâu sắc hơn mang tên maskirovka. Đây là một nghệ thuật che mắt và giả dạng, đang dần có vai trò quan trọng chiến lược hơn, giúp Nga đạt được các tham vọng về địa chính trị.

Maskirovka là học thuyết phát triển theo thời gian. Ban đầu nó chỉ có ý nghĩa “ngụy trang”, nhưng dần đã phát triển thành nghệ thuật dùng khói và các phương thức khác để khiến đối phương khó đoán biết hoạt động của “quân ta.” Từ đây, học thuyết này tiếp tục được mở rộng hơn nữa về mặt ý nghĩa.

Ý tưởng đằng sau học thuyết maskirovka hiện nay là khiến kẻ thù phải suy đoán, không bao giờ thừa nhận ý định thật, luôn chối bỏ các hành động đã thực hiện và sử dụng mọi phương thức để duy trì lợi thế bất ngờ về mặt quân sự.

Theo New York Times, trong bối cảnh nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang tăng cường thể hiện sức mạnh trên chính trường thế giới, điện Kremlin đã thực hiện một loạt chiến lược khác nhau để phục vụ việc này, gồm maskirovka.

Nhiều hoạt động triển khai quân sự gần đây của Nga đều áp dụng maskirovka, như việc điều những người lính bí ẩn không có phiên hiệu tới Crimea trước khi vùng lãnh thổ này sáp nhập vào Nga. Thông qua việc vận chuyển hàng “cứu trợ nhân đạo” tới Syria vào năm 2015, Nga đã đưa binh lính của nước này tới đây.

Vũ khí bơm hơi không phải là chiêu trò mới mẻ trong chiến tranh nhưng vẫn khiến cho đối phương bối rối. Ảnh: TTXVN

Và trong cuộc nội chiến ở Ukraine, Moskva đã gửi nhiều đoàn xe nhân đạo sơn trắng tới các tỉnh miền Đông Ukraine. Những chiếc xe này về sau được phát hiện là chẳng chở theo gì, làm dấy lên phỏng đoán chúng được gửi tới đó với ý nghĩa răn đe, khiến Ukraine lo ngại không dám mở chiến dịch chống quân ly khai.

Có thể nói maskirovka sâu sắc hơn nhiều việc sử dụng đồ ngụy trang hay hình nộm - một chiến thuật được rất nhiều quân đội sử dụng để đánh lừa đối thủ. Và học thuyết này đã được người Nga áp dụng từ rất lâu.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/vu-khi-nguy-trang-bi-mat-cua-nga-co-the-lam-doi-phuong-boi-roi-d105796.html