Vũ khí không quy ước của Triều Tiên

Vũ khí thông thường không bằng lực lượng Hàn-Mỹ, Bình Nhưỡng phát triển vũ khí không quy ước. Theo Hàn Quốc, Triều Tiên có từ 2.500 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học và sinh học.

Từ lâu, các tư lệnh quân đội Hàn Quốc - Mỹ đã đánh giá ngoài phương án sử dụng biệt kích xâm nhập Hàn Quốc và tấn công bằng vũ khí hóa học như số báo trước đã nêu, quân đội CHDCND Triều Tiên (còn gọi là Triều Tiên) còn chuẩn bị kế hoạch tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hóa học.

Phát triển vũ khí hóa học

Báo cáo năm 2011 của Viện Quốc tế về nghiên cứu chiến lược ở Anh (IISS) ghi nhận từ năm 1954, quân đội Triều Tiên đã thành lập các binh chủng hóa học và sinh học dựa theo mô hình của Liên Xô cũ.

Cuối năm 1961, Chủ tịch Kim Nhật Thành kêu gọi huy động nỗ lực phát triển các cơ sở sản xuất hóa chất để phục vụ kinh tế. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định tuyên bố này cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu quan tâm đến chiến tranh hóa học.

Đến cuối thập niên 1960, Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm các tác nhân hóa học sử dụng trong quân sự. Tháng 5-1979, Cục Tình báo quốc phòng Mỹ báo cáo Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hóa học nhằm mục đích phòng thủ, tuy nhiên cũng lưu ý chẳng bao lâu Triều Tiên sẽ phát triển vũ khí hóa học tấn công.

Năm 1987, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ghi nhận Triều Tiên đã sản xuất khoảng 250 tấn tác nhân hóa học quân sự gồm các tác nhân gây bỏng da (như mù tạc, liuzit) và các tác nhân thần kinh(như khí độc sarin, VX) có thể dùng cho pháo binh.

Đến năm 1993, Hàn Quốc ký kết Công ước vũ khí hóa học (CWC) của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (cơ quan liên chính phủ ở Hà Lan) cam kết không sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học. Lúc bấy giờ Triều Tiên tuyên bố không có chương trình vũ khí hóa học nhưng lại không chịu ký kết CWC.

Ngày 15-4, mít-tinh kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tại khu tượng đài Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật ở Bình Nhưỡng. Cuối năm 1961, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã từng kêu gọi phát triển các cơ sở sản xuất hóa chất để phục vụ kinh tế. Ảnh: KCNA

Kho trữ từ 2.500 đến 5.000 tấn

Thông tin về chương trình vũ khí hóa học của Triều Tiên đã được nhiều binh sĩ Triều Tiên đào ngũ xác nhận.

Năm 1994, sau khi đào ngũ, trung sĩ Yi Chung-kuk thuộc Tiểu đoàn Phòng vệ hóa học nguyên tử 18 đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến cơ cấu tổ chức và trang thiết bị của các binh chủng phòng vệ hóa học Triều Tiên. Yi Chung-kuk còn khẳng định Triều Tiên đã phát triển được công nghệ lắp ráp vũ khí hóa học lên tên lửa Scud.

Năm 1995, báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên đã sản xuất được từ 1.000 đến 5.000 tấn tác nhân hóa học và sinh học. Trong số này có cả các tác nhân gây bỏng da, tác nhân thần kinh, tác nhân gây ngạt thở (như photgen gây ho, nôn mửa, ngộp thở), tác nhân máu (như chất độc cyanure phát tán qua đường máu). Báo cáo ghi nhận các vũ khí này có thể được phát tán bằng pháo binh và tên lửa.

Đến năm 2001, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận Triều Tiên đã có bốn cơ sở nghiên cứu, tám cơ sở sản xuất và bảy kho chứa vũ khí hóa học với khối lượng ước tính từ 2.500 đến 5.000 tấn.

Trong năm này, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo xác định Triều Tiên có thể sản xuất các tác nhân gây tê liệt thần kinh, tác nhân gây bỏng rộp da, tác nhân gây ngạt thở và tác nhân máu.Báo cáo nhận định Triều Tiên đang sở hữu số lượng lớn các tác nhân này nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Tăng cường phòng thủ lẫn tấn công

Báo cáo năm 2011 của IISS nhận định tại Triều Tiên, công tác nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa học được thực hiện ở nhiều trường đại học dưới sự bảo trợ của Học viện Khoa học tự nhiên số 2 Triều Tiên.

Các địa điểm sản xuất tác nhân hóa học quân dụng gồm Xí nghiệp hóa chất Kanggye và Xí nghiệp số 108 ở tỉnh Chagang, Xí nghiệp hóa chất Sakchu ở tỉnh Bắc Pyongan, Xí nghiệp Sunchon Vinalon và Xí nghiệp 297 ở tỉnh Nam Pyongan.

IISS ghi nhận Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hóa học để tăng cường sức mạnh của các loại vũ khí quy ước. Lý do là năng lực vũ khí quy ước của Triều Tiên không thể sánh với lực lượng đồng minh Hàn-Mỹ. Triều Tiên sử dụng vũ khí hóa học trong các chiến dịch tấn công lẫn phòng thủ:

● Nhằm làm giảm hiệu quả chiến đấu của lực lượng đồng minh Hàn-Mỹ; ngăn cản sử dụng các căn cứ quân sự, kho vũ khí; cản trở lực lượng tăng viện từ bên ngoài vào Hàn Quốc.

● Nhằm chọc thủng các tuyến phòng ngự hoặc ngăn cản quân đội Hàn-Mỹ phản công; tấn công các mục tiêu cố định như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, các điểm tập kết hậu cần, sân bay.

Báo cáo của IISS nhận định nhiều binh chủng lục quân của Triều Tiên đã được trang bị các thiết bị bảo vệ như mặt nạ phòng hơi độc, quần áo bảo hộ, hệ thống dò tìm và khử nhiễm.

Vũ khí sinh học bí mật

Báo cáo của IISS ghi nhận có rất ít thông tin chính thức về chương trình vũ khí sinh học của Triều Tiên do Triều Tiên giữ bí mật hơn so với các chương trình vũ khí hóa học.

Mỹ khẳng định Triều Tiên đã theo đuổi chương trình vũ khí sinh học từ thập niên 1960. Phòng thí nghiệm do Học viện Quốc phòng quốc gia Triều Tiên quản lý nghiên cứu từ 10 đến 13 mầm bệnh như bệnh than, bệnh tả, dịch hạch, đậu mùa.

Sách Trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 1998 cho biết Triều Tiên đã thử nghiệm thành công về nuôi vi khuẩn và vi trùng để sản xuất vũ khí sinh học từ năm 1980 và cuối thập niên 1980 đã thử nghiệm vũ khí sinh học. Báo cáo của tình báo Nga năm 1993 ghi nhận trùng hợp rằng Triều Tiêu đã thử nghiệm vũ khí sinh học trên các đảo.

Sách Trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2001 ghi nhận Triều Tiên có từ 2.500 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học và sinh học. Một báo cáo khác cùng năm của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên đã sản xuất được một hoặc hai vũ khí hóa học.

Báo cáo của chính phủ Mỹ năm 2001 ghi nhận Triều Tiên có các cơ sở sản xuất vũ khí cho phép sản xuất đạn dược có tác nhân sinh học. Tháng 12-2011, Cục Tình báo quốc gia Mỹ công bố báo cáo khẳng định tỉnh Chagang ở vùng tây bắc Triều Tiên là khu vực sản xuất vũ khí hóa học và sinh học.

Quân đội Triều Tiên ra tối hậu thư với Hàn Quốc

Ngày 15-4, trong khi Triều Tiên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, khoảng 40 người quá khích tại Seoul (Hàn Quốc) đã đốt chân dung các nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Theo hãng tin AP, ngày 16-4, quân đội Triều Tiên đã tuyên bố hành vi nêu trên thật quái gở và cảnh báo từ hôm nay sẽ tiến hành trả đũa không báo trước chừng nào Hàn Quốc chưa xin lỗi về các hành động thù địch đối với Triều Tiên. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả với bất kỳ khiêu khích nào.

Trong khi đó hôm 15-4 (giờ địa phương), người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Jay Carney tiếp tục khẳng định các điều kiện nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi, có nghĩa là Triều Tiên phải cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế đã thỏa thuận. Nhà Trắng cũng thông báo đã mời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thăm Mỹ vào ngày 7-5 để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn Triều Tiên đe dọa.

Trong ngày 16-4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo một máy bay trực thăng UH-60 Black Hawk của quân đội Mỹ đã rơi gần biên giới hai miền Triều Tiên trong lúc lực lượng Hàn-Mỹ tập trận chung. 12 binh sĩ trên máy bay an toàn vô sự. Nguyên nhân tai nạn chưa rõ.

H.DUY

LÊ LINH

(Còn tiếp)

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130417124458585p0c1112/vu-khi-khong-quy-uoc-cua-trieu-tien.htm