Vũ khí hạt nhân Nga và Mỹ khác nhau như thế nào?

Tại cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton, ông Trump có nói về việc Nga đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân và có những khả năng vượt trội hơn của Mỹ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Jeffrey Lewis, người sáng lập nhà xuất bản Arms Control Wonk, mặc dù Nga đã nâng cấp tên lửa và đầu đạn hạt nhân liên tục, việc Moscow có khả năng hạt nhân tốt hơn “hoàn toàn không chính xác”.

Những từ ngữ như “mới”, “hiện đại”, “đáng sợ” thường được dùng để miêu tả kho vũ khí hạt nhân của Nga. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-24 Yars của Nga mới đưa vào biên chế từ giữa những năm 2000, có thể tấn công vào bất cứ khu vực nào của Mỹ với khoảng 10 đầu đạn phân hướng độc lập. Các đầu đạn này khi tách ra khỏi tên lửa sẽ bay với vận tốc khoảng 8 km/s.

Trong khi đó, tên lửa Minuteman III của Mỹ chỉ mang một đầu đạn duy nhất và đã được sử dụng từ những năm 1970.

Trên thực tế, câu hỏi về việc vũ khí hạt nhân của ai lợi hại hơn không thể được trả lời bởi cách so sánh đơn giản như trên. Tiến sĩ Lewis cho biết, các lãnh đạo của Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ luôn khẳng định trong hàng thập kỉ qua rằng, nếu được lựa chọn sử dụng giữa vũ khí hạt nhân của Nga hay Mỹ, họ sẽ không bao giờ ngần ngại mà chọn Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với trang Business Insider, ông Lewis đã giải thích rằng, mặc dù vũ khí hạt nhân của Mỹ cũ và thiếu đi tiềm năng phá hủy toàn bộ cả một châu lục, nó vẫn phù hợp với nhu cầu chiến lược của nước này.

Vũ khí hạt nhân Nga mới nhưng chưa chắc đã tốt hơn Mỹ

Vũ khí hạt nhân Mỹ so với Nga

“Nga có nhiều thiết kế tên lửa hơn Mỹ. Nga chế tạo tên lửa dựa theo sự cải thiện dần dần, tức là vũ khí cần được nâng cấp thường xuyên. Trong khi đó, vũ khí hạt nhân Mỹ như những chiếc siêu xe Ferrari: đẹp mắt, đầy phức tạp và thiết kế cho hiệu quả cao. Các chuyên gia từng ước lượng rằng, plutoni trong tên lửa Mỹ có thể tồn tại hơn 100 năm. Các tên lửa như Minuteman III của Mỹ là một cỗ máy trường tồn và đáng kinh ngạc. Vũ khí hạt nhân Nga mới hơn nhưng nó phản ánh triết lí thiết kế không bền vững và họ sẽ chế tạo tên lửa mới trong khoảng 10 năm”, ông Lewis nhận định.

ICBM RS-24 Yars của Nga

Sự khác biệt không dừng lại ở đây. Theo ông Lewis, Nga thích đưa tên lửa lên xe chở lưu động trong khi Mỹ chỉ chọn kiểu triển khai xuống hầm phóng cố định, vốn mang lại sự tin cậy cao mặc dù thiếu đi sự cơ động.

Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ từng thử gắn ICBM lên xe tải nhưng không đáp ứng được yêu cầu về độ tin cậy và bền bỉ. Theo ông Lewis, Nga thường sản xuất các loại tên lửa đặt lên xe di động và có khả năng đánh tan hệ thống phòng thủ đối phương với mức chi phí nhỏ nhất, tuy nhiên, triết lí chế tạo vũ khí hạt nhân của Mỹ là không quan tâm đến giá cả mả chỉ cần chất lượng, nên Mỹ không đưa tên lửa lên một chiếc xe thiếu chắc chắn chỉ để có được sự cơ động.

ICBM Minuteman III của Mỹ đã được sử dụng từ những năm 1970

Một điểm khác biệt khác mà ông Lewis nhắc tới đó là Mỹ luôn ưu tiên độ chính xác so với khả năng hủy diệt.

“Mỹ tạo ra vũ khí hạt nhân với một đầu đạn và nó sẽ bay qua cửa sổ, phát nổ tòa nhà. Trong khi đó, Nga muốn 10 đầu đạn hạt nhân lao thẳng vào tòa nhà và hủy diệt toàn bộ thành phố”, ông Lewis bình luận.

Mỹ sẽ chống lại tên lửa Nga như thế nào?

Tên lửa Nga bay sẽ bay đến mục tiêu với 10 đầu đạn dẫn hướng độc lập với tốc độ nhanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh. Theo ông Lewis, nếu điều này thực sự xảy ra, Mỹ đơn giản là không thể chống đỡ do rất khó để hệ thống phòng không nào tiêu diệt được cùng lúc nhiều mục tiêu đến vậy, nhất là khi không chỉ một tên lửa mà hàng chục tên lửa như vậy cùng đồng loạt tấn công.

Một biện pháp khác có thể được tính đến đó là tiêu diệt tên lửa từ các vệ tinh ngoài không gian, tuy nhiên, theo ông Lewis, Mỹ cần nâng số lượng vệ tinh lên gấp 12 lần hiện nay thì mới đủ khả năng bảo vệ quốc gia.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ chịu thua vũ khí hạt nhân của Nga. Thay vì tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và hàng chục năm trời nghiên cứu, chạy đua vũ trang, Mỹ đang dựa trên học thuyết Đảm bảo Hủy diệt Lẫn nhau (MAD). Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, chính quyền Mỹ luôn chế tạo đủ vũ khí hạt nhân để hủy diệt Liên-xô nếu cần thiết.

Tổng thống Putin từng nói rằng, Nga có thể hủy diệt nước Mỹ trong “nửa giờ” bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng thực tế là các tên lửa Minutemen III cũng có thể “thổi bay” Điện Kremlin chỉ vài giây sau đó.

Ông Lewis cũng khẳng định rằng, Mỹ sở hữu bộ ba vũ khí hạt nhân bao gồm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, ICBM và máy bay ném bom chiến lược do đó, Moscow không thể đồng thời vô hiệu hóa cả 3 lực lượng này.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/vu-khi-hat-nhan-nga-va-my-khac-nhau-nhu-the-nao-712563.html