Vũ khí điện tử Mỹ tham chiến chống IS

Theo Sputnik, binh sĩ Mỹ vừa sử dụng vũ khí điện tử bắn hạ thành công mục tiêu là máy bay không người lái (UAV) của quân khủng bố IS.

Phát biểu tại một sự kiện hôm 24/10 ở Washington, người đứng đầu lực lượng Không quân Mỹ, Deborah Lee James tiết lộ, các binh sĩ nước này đã dùng vũ khí điện tử bắn hạ thành công 1 chiếc UAV của IS. Tuy nhiên, thông tin về vũ khí và địa điểm xảy ra vụ bắn hạ nói trên.

Mặc dù vậy, vị lãnh đạo này cho biết: "Ưu tiên hàng đầu đối với tôi ở thời điểm hiện tại là nguy hiểm từ những hệ thống bay không người lái tại khu vực Trung Đông.

UAV của IS bị Mỹ bắn hạ.

Những thiết bị bay này có giá rẻ và có thể dễ dàng mua chúng ở bất cứ đâu tại Trung Đông. Những phương tiện này sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm khi chúng được gắn thuốc nổ như một số trường hợp chúng tôi chứng kiến ở Syria và Iraq".

Theo Deborah Lee James, lực lượng khủng bố IS từng dùng UAV cỡ nhỏ để vận chuyển đạn dược tại Syria và Iraq. Ngay trước khi diễn ra vụ bắn hạ này, một chiếc UAV gắn vũ khí tự chế đã phát nổ ở miền Bắc Iraq, khiến 2 chiến binh người Kurd thiệt mạng khi những chiến binh này tiếp cận chúng.

Dù nguồn tin không cho biết vũ khí nào đã thực hiện vụ bắn hạ UAV của IS, tuy nhiên theo nhận định của truyền thông Nga, rất có thể đây là khẩu Drone Defenders - loại súng được thiết kế chuyên trị UAV cỡ nhỏ bay tầm thấp vừa được Mỹ thử nghiệm thành công hồi đầu năm 2016.

Theo những hình ảnh được Mỹ công khai về vũ khí này cho thấy, bên ngoài của Drone Defender giống như một khẩu súng trường bộ binh, trước mũi súng lắp một dàn ăng-ten mầu trắng.

Được biết, thiết bị Drone Defender có nhiều tính năng đột phá như cơ động, chính xác, dễ thao tác và có khả năng chống lại các máy bay không người lái tiếp cận tầm gần.

Nguyên lý sử dụng Drone Defender khá đơn giản, người sử dụng chỉ cần đưa thiết bị hướng đến máy bay không người lái, bóp cò là có thể “bắn hạ” mục tiêu. Theo giới thiệu, Drone Defender hoạt động hiệu quả trong vòng bán kính 400 m.

Cụ thể, các máy bay không người lái thường được điều khiển bằng hệ thống điều khiển từ xa hay vệ tinh GPS, thiết bị này sử dụng công nghệ vô tuyến làm gián đoạn tần số điều khiển của máy bay không người lái.

Sau khi UAV bị gián đoạn tần số điều khiến, người dùng Drone Defender có thể khiến máy bay không người lái rơi có chủ đích. Với phương thức tiến công như trên giúp vừa "hạ gục" được máy bay không người lái nhưng đảm bảo an toàn cho những vật thể dưới mặt đất.

Clip Mỹ thử nghiệm Drone Defender

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-dien-tu-my-tham-chien-chong-is-3321632/