Vụ "hôi đồ" hàng hiệu nhái: Người lấy hàng tiêu hủy bị phạt ra sao?

Theo chuyên gia tâm lý, việc một số cán bộ tại Bộ KH-CN “hôi đồ hàng hiệu nhái” tại buổi tiêu hủy hàng giả có thể xuất phát từ tâm lý tiếc của "đằng nào cũng đổ đi".

Khi công chức Bộ đi “hôi của”

Tại buổi tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ do Thanh tra Bộ KH-CN phối hợp cùng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP. Hà Nội tổ chức ngày 21/10 đã xảy ra sự kiện “hôi của” hy hữu, có một không hai khiến nhiều người ngạc nhiên.

Cụ thể, hội đồng tiến hành tiêu hủy các tang vật là các sản phẩm thời trang các loại như: túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ, vòng đeo tay… là hàng giả, hàng nhái theo các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ. Tuy nhiên, ngay sau khi hội đồng tuyên bố xong lý do, chưa kịp chuyển hàng đi tiêu hủy thì tại hiện trường đã nhốn nháo, lộn xộn. Mọi người có mặt tại hiện trường đã tranh nhau xông vào lấy những món hàng hiệu nhái này. Đáng nói là những người tham gia lấy hàng tiêu hủy là các phóng viên đến đưa tin, cán bộ của Bộ KH-CN.

Hình ảnh một số cán bộ tại Bộ KH-CN lấy hàng tiêu hủy. (Ảnh: Vietnamnet)

Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết, sự việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp, gây ra dư luận xấu trong xã hội. Bộ trưởng Bộ KH-CN đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan báo cáo chi tiết về quy trình và cách thức tiến hành việc tiêu hủy hàng hóa. Đồng thời, yêu cầu những người có trách nhiệm xác định các tổ chức và cá nhân có liên quan đến sự việc.

Bộ KH-CN cũng đã chỉ đạo sẽ lập danh sách những người đã lấy hàng hóa chưa tiêu hủy, yêu cầu các cá nhân phải trả lại hàng hóa chưa tiêu hủy trước 12h ngày 25/10/2016 để tiếp tục tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với PV, Chánh văn phòng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, ngay khi có kết quả thu hồi và xử lý, Bộ sẽ gửi thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí để thông tin đến người dân.

Hình phạt nào cho những người vi phạm?

Trả lời cho câu hỏi hình phạt nào cho các cá nhân lấy hàng tiêu hủy, coi thường tính nghiêm minh của pháp luật, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú) để làm rõ vấn đề này.

Theo luật sư Trương Anh Tú, hành vi lấy tang vật tiêu hủy của một số cá nhân để sử dụng đã vi phạm Nghị định 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013. Ngoài ra, các cá nhân đang là cán bộ công chức của Bộ KH-CN còn vi phạm Điều 8, Luật cán bộ công chức về “Nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh qui định của pháp luật” về trình tự thủ tục tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính.

Ông Trương Anh Tú chia sẻ, việc lấy hàng tiêu hủy là vi phạm hành chính và phải bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 115/2013/NĐ-CP thì hành vi “Chiếm đoạt tang vật” là hành vi bị cấm. Trong trường hợp để xảy ra mất, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện bị tiêu hủy thì các cá nhân phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, Nghị định trên không quy định rõ chế tài xử lý cụ thể về vấn đề này. Đây chính là khe hở, gây khó khăn trong việc xử lý các cá nhân, tổ chức lấy hàng tiêu hủy trong sự kiện vừa qua

Luật sư Trương Anh Tú cũng nhấn mạnh, người có thẩm quyền nhưng lơi lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấy hàng tiêu hủy cũng có thể bị xử lý theo các qui định tại Luật cán bộ công chức 2008 bằng một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm.

Ông Trương Anh Tú cũng cho hay, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị của Nhà nước để xảy ra sự việc trên sẽ phải chịu một hoặc nhiều hình thức xử lý trách nhiệm: Trách nhiệm kỷ luật; Trách nhiệm dân sự; Trách nhiệm vật chất; Trách nhiệm hình sự; Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, những người lấy hàng tiêu hủy có khả năng đối mặt với án phạt tiền 15 – 30 triệu đồng đối với hành vi tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đồng thời, các cơ quan chức năng buộc phải thu hồi tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tẩu tán hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, ông Tú cho biết thêm.

Liên quan đến sự việc này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, giảng viên Khoa Tâm lý (Học viện Báo chí & Tuyên truyền), cho biết hành động lấy hàng tiêu hủy của một số cá nhân công chức thể hiện ý thức kém trong việc tuân thủ pháp luật. Xét một cách khách quan, những người có mặt tại buổi tiêu hủy đều là những người có trình độ, có học thức nhưng hành động trên có thể xuất phát từ tâm lý tiếc của. Có thể, những cá nhân này nghĩ rằng, số hàng trên đằng nào cũng bị tiêu hủy nên có lấy dùng cũng không sao.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga cũng nhấn mạnh, hành động lấy hàng tiêu hủy của một số công chức, cán bộ tại Bộ KH-CN còn khiến người dân có tâm lý không tin tưởng vào những lần tiêu hủy trước và sau sự kiện này. Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi liệu trước đây và sau này sẽ có xảy ra sự việc “hôi của” tương tự?

Nhân Văn

Video tin tức xem nhiều nhất:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/hoi-do-hang-hieu-nhai-nguoi-lay-hang-tieu-huy-bi-phat-ra-sao-a167671.html