Vụ HH Phương Nga: Bà Mai Phương - nhân chứng hay người bị tố giác?

Kỳ án Phương Nga - Toàn Mỹ tiếp tục gây sửng sốt dư luận khi hôm qua, 27.6, tòa án đã mời bà Nguyễn Mai Phương đến tòa với tư cách người làm chứng để đối chất với các lời khai của Nga, Dung, Nghĩa tố bà can thiệp vào quá trình tố tụng của vụ án này, nhưng bà này lại được giấu mặt trong phòng cách ly (?).

Dư luận thắc mắc về việc tòa cho phép bà này được cách ly giấu mặt để đối chất với những người tố bà trước tòa.

Phương Nga và Dung trong phiên tòa có nhiều lần nhắc đến bà Mai Phương. Ảnh Thanh Tuấn

Giải thích về việc này, cơ quan tố tụng dẫn ra điểm a, khoản 3 điều 55 Bộ luật TTHS 2003 thì người làm chứng có quyền “yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”, từ căn cứ đó, Hội đồng xét xử phiên tòa đã thực hiện việc cách ly nhân chứng ngồi riêng theo yêu cầu của nhân chứng Mai Phương.

Tuy nhiên, nhận định như vậy là không chính xác.

Bởi lẽ, bà Mai Phương đã bị các bên bị cáo, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tiết lộ danh tính, và bà cũng đã trả lời công khai trên hai tờ báo điện tử (nhưng vẫn giấu mặt) là dọa sẽ kiện lại Nga - Dung về việc vu khống cho bà.

Với danh tính đã công khai trước tất cả mọi người, không ai là không biết người làm chứng trước tòa là bà Nguyễn Mai Phương. Và không còn có bí mật nhân thân nào để Hội đồng xét xử cho phép bà này được giấu mặt khi đối chất trước tòa như vậy cả.

Ngoài ra, khi bà Phương đối chất trực diện, tòa án vẫn hoàn toàn có khả năng "bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác” của bà Phương mà không cần phải cho giấu mặt như vậy.

Điều đáng chú ý nữa ở đây là cần phải xem xét địa vị pháp lý của bà Mai Phương theo đúng phản ánh trong các lời khai của bị cáo Nga - Dung, nhân chứng Nghĩa bạn Dung, ông Yên - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Nếu theo những phản ánh trong các lời khai của hai bị cáo và nhân chứng trên, bà Mai Phương rõ ràng có vai trò là người can thiệp sai trái vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tố tụng chứ không phải là người đang được các bên mời làm chứng cho lời khai của họ trước tòa.

Như vậy, theo tôi nghĩ, xét theo bản chất được phản ánh qua các lời khai trước tòa, thực chất địa vị pháp lý của bà Mai Phương trong vụ án này là người đang bị tố giác, chứ không phải người làm chứng.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/vu-hh-phuong-nga-ba-mai-phuong-nhan-chung-hay-nguoi-bi-to-giac-782798.html