Vụ hai 'game thủ' cướp bánh mì vì đói: Tòa chưa thấu cái tình?

Những ngày vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án 'Cướp giật tài sản' của 2 thanh niên chưa đủ 18 tuổi. Do hết sạch tiền, lại quá đói bụng nên cả 2 đã lên kế hoạch mua bánh mì và một số thứ khác trị giá 45.000 đồng rồi bỏ chạy. Xung quanh hình phạt dành cho các bị cáo, có nhiều ý kiến cho rằng mức án này quá nặng.

Hai đối tượng chờ nghị án

Hai đối tượng chờ nghị án

Cướp bánh mì vì quá đói

Vụ án hai thanh niên cướp bánh mì để ăn cho đỡ đói được TAND quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) đưa ra xét xử vào ngày 20/7/2016. Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận vì hai đối tượng chưa đủ 18 tuổi và giá trị tài sản cướp được định giá chỉ vẻn vẹn 45.000 đồng. Thế nhưng cả hai bị truy tố với khung hình phạt từ 1-5 năm tù.

Hai đối tượng bị truy tố về hành vi Cướp giật tài sản là Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) và Ôn Thành Tân (ngụ quận 9), cả 2 đều 17 tuổi khi gây án. Theo cáo trạng truy tố, khoảng 22h ngày 17/10/2015 Tuấn gặp Tân rồi rủ nhau đến một tiệm internet ở phường Tăng Nhơn Phú (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) chơi game, đến trưa ngày hôm sau thì nghỉ và dự định đi xin việc làm.

Vì không còn đồng tiền nào trong người, trong khi bụng lại đói nên khi đang trên đường đi xin việc, Tuấn và Tân nảy sinh ý định cướp đồ ăn để ăn cho đỡ đói. Khi đến trước một tiệm tạp hóa trên trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức), Tân tấp xe vào tiệm tạp hóa này để Tuấn hỏi mua 2 bịch chuối sấy, 3 bịch me đường, một bịch đậu phộng rang muối cùng bánh mì ngọt. Khi chủ quán vừa mang hàng ra, Tuấn giật lấy rồi cả 2 thanh niên này lên xe bỏ chạy.

Thấy gói hàng trên tay bị giật mất, chủ quán ngay lập tức tri hô và đã có rất nhiều người dân đuổi theo. Cả hai đối tượng được đưa lên Công an phường để lập hồ sơ xử lý. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng thừa nhận hành vi phạm tội.

Tân được trả tự do tại tòa

Theo giám định, số đồ ăn Tân và Tuấn cướp được có giá trị 45.000 đồng. Viện Kiểm sát Nhân dân quận Thủ Đức sau đó truy tố Tuấn và Tân tội “Cướp giật tài sản” thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm theo khoản 2, điều 136 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt mỗi đối tượng từ 3-10 năm tù.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 5/2016, cơ quan CSĐT đã có kết luận điều tra bổ sung, xác định Tuấn và Tân không dùng thủ đoạn nguy hiểm nên đề nghị truy tố hai thành niên này theo khoản 1, điều 136 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 1-5 năm tù.

Mức án có tính răn đe

Trước vành móng ngựa, gương mặt của Tuấn và Tân vẫn còn như trẻ con, cả hai tỏ ra hối hận và mong được pháp luật khoan hồng để sớm được ra tù. Khai tại tòa, Tuấn cho rằng mình ít học nhưng mê game.

Hôm gây án, Tuấn đã cùng Tân chơi game và hết tiền. Trên đường đi thì đói quá nên mới cướp bánh mì để ăn. Tuấn nhận thức được hành vi sai trái của mình và mong được tha thứ. “Lúc đi cướp bánh mì, vì đói quá nên cướp để ăn chứ trong đầu không nghĩ gì cả. Đến khi bị bắt, được giải thích mới biết hành vi của mình là sai trái”, Tuấn cúi đầu khai nhận.

Đồng phạm của Tuấn là bị cáo Tân cũng thừa nhận tội. Tân được xác định là người lái xe chở Tuấn đi cướp bánh mì. Tân khai: “Khi đến tiệm tạp hóa, bị cáo tấp xe vào cho Tuấn xuống xe giả vờ mua đồ. Khi chủ tiệm vừa đưa thì Tuấn giật lấy, leo lên xe và bị cáo tăng ga bỏ chạy.

Bị cáo định sau khi cướp được đồ ăn sẽ tìm chỗ vắng ngồi ăn cho đỡ đói nhưng bị truy đuổi và bị bắt. Chiếc xe mà bị cáo dùng chở Tuấn đi là xe mượn của bạn, giờ mong tòa trả lại cho bạn của bị cáo”.

Khi HĐXX hỏi tại sao Tân có nhà mà không về nhà ăn cơm mà lại đi cướp? Tân trả lời rằng do ba mẹ đều về quê không còn ai ở nhà nên Tân mới làm như vậy. Có mặt tại tòa, ông Ôn Văn Thành (cha của bị cáo Tân) khi được tòa hỏi đã nhận lỗi về phía mình vì đã không quan tâm con để con gây ra tội.

Ông Thành nói: “Tôi thật sự xin lỗi người bị hại khi để Tân gây ra hành vi sai trái. Tôi cũng xin được cảm ơn người bị hại đã có đơn bãi nại cho con tôi để con tôi được giảm nhẹ hình phạt. Tôi mong được pháp luật khoan hồng, và cho tôi được bảo lãnh con về nhà giáo dục nó thành người tốt”.

Mẹ ruột Tuấn cũng cũng thừa nhận hành vi của con trai bà là sai và xin cho con được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Tuấn trước đó đã bị Công an huyện Củ Chi truy nã về hành vi ăn trộm.

Khi được hỏi thì Tuấn đáp, Tuấn hoàn toàn không biết mình bị truy nã. Tuấn thừa nhận có ăn trộm xe máy, bị mời lên lấy lời khai và được cho tại ngoại để điều tra. Trong thời gian được cho tại ngoại, Tuấn xuống Quận 9 tìm việc làm chứ không phải bỏ trốn.

Tuấn phải chịu mức án 10 tháng tù

Bà Lại Thị Yên, người bị hại (bị giật túi đồ ăn) trong vụ án đã không tới dự tòa và có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa. Trước đó, bà Yên đã làm đơn xin bãi nại cho 2 bị cáo. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ cho 2 bị cáo khi xét xử. Với hành vi phạm tội của mình, Tuấn và Tân bị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị từ 10 – 12 tháng tù giam.

HĐXX sau giờ nghị án đã cho rằng, hành vi của các bị cáo cấu thành tội Cướp tài sản, trong đó Tân là người khởi xướng và Tuấn trực tiếp phạm tội. Cần phải tuyên phạt hai bị cáo mức án tù để có tính răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên xét thấy các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, tuổi đời còn trẻ, nhân thân tốt, người bị hại đã làm đơn xin bãi nại nên giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt theo quy định của pháp luật, HĐXX đã tuyên phạt Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam và trả tự do tại tòa), Tuấn 10 tháng tù. Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối trong thời gian qua nhưng tòa vẫn tuyên án tù đối với các bị cáo. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng đang có một tiền lệ “xử ép” để phù hợp với quyết định khởi tố và thời gian giam giữ?.

Câu hỏi này sẽ được Câu chuyện Pháp luật trao đổi với các chuyên gia về pháp lý, tòa án trong số báo sau.

Chia sẻ về vụ án, Luật sư Nguyễn Duy Tiền - văn Phòng Luật sư Lê Nguyễn – Chi Nhánh Đà Nẵng cho rằng:

“Có thể nói, đây là một vụ án tương đối “ngộ nghĩnh” trong thực tiễn pháp lý Việt Nam bởi chủ thể, mục đích của người phạm tội và đối tượng tài sản mà người phạm tội hướng đến.

Dưới góc độ pháp lý, việc truy tố và xét xử Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân về Tội cướp giật tài sản là phù hợp với Điều 136, Bộ luật Hình sự, bởi theo Điều luật này chỉ cần người nào thực hiện hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm về tài sản rồi tẩu thoát là sẽ cấu thành tội phạm mà không phụ thuộc vào giá trị tài sản cướp giật được.

Tuy nhiên, về hình phạt thì đây là mức án tương đối nghiêm khắc. Luật pháp Việt Nam vốn được xây dựng trên mối quan hệ giữa “lý - tình”, ngoài việc xác định cái đúng - sai theo lý thì luật pháp còn cái “tình” trong việc xử lý các hành vi vi phạm thể hiện qua việc xem xét hình phạt và yếu tố giáo dục người vi phạm.

Trong vụ án này, có lẽ Cơ quan tố tụng đã nặng cái “lý” hơn so với cái “tình” nên đã tiến hành truy tố, xét xử và đưa ra mức hình phạt tương đối nghiêm khắc, dẫu sao chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án này vẫn là người đang trong tuổi vị thành niên, mục đích của hành vi phạm tội chỉ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người và hành vi không gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

“So với vụ án “tha bổng Sếp Vinaconex”, có lẽ vụ án này là một sự đối lập sâu sắc về cách nhìn nhận về chủ thể, hành vi nào là đủ mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của các Cơ quan tiến hành tố tụng gây ra sự bất bình, phản cảm trong dư luận xã hội”, ông Tiền bình luận.

Thịnh Phạm - Thủy Sinh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/vu-hai-game-thu-cuop-banh-mi-vi-doi-toa-chua-thau-cai-tinh-285243.html