Vụ 'gạt tay trúng má' PV báo Tuổi trẻ: Thiếu tướng Bộ Công an lên tiếng

Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết: “Tôi chưa biết đúng sai thế nào, vì chưa nắm được hồ sơ nên không thể khẳng định được. Nhưng cơ quan Công an quận Tây Hồ xử phạt hành chính PV Trần Quang Thế hơn 14 triệu đồng là cứng nhắc”.

Xung quanh vụ PV báo Tuổi Trẻ bị cơ quan Công an quận Tây Hồ, Hà Nội xử phạt hành chính là hơn 14 triệu đồng… PV Infonet có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

"Cơ quan Công an quận Tây Hồ xử phạt hành chính PV Trần Quang Thế hơn 14 triệu đồng là cứng nhắc”, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết. Nguồn ảnh báo Tiền Phong.

Giải thích về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói: “PV Trần Quang Thế mới vi phạm lần đầu nên cơ quan Công an quận Tây Hồ, Hà Nội có thể nhắc nhở. Với việc vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, vi phạm tiếp theo thì tuyên truyền rồi mới tiến tới xử phạt.

Nếu phóng viên Quang Thế vào hiện trường vụ án có thể là được đặt biển, được căng dây hoặc không. Việc này cũng tùy từng chỗ, khu vực rừng rộng hay bãi đất rộng thì cũng không thể căng dây, cắm cọc được”.

PV Infonet đặt câu hỏi, khi bị ngăn cản, PV Trần Quang Thế có hỏi lại những người được cho là CSHS Công an huyện Đông Anh, các anh là gì mà ngăn cản tôi thì những người này có nói, chúng tôi là dân vậy đúng hay sai?

Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết: “Việc các chiến sĩ CSHS có trả lời chúng tôi là dân là không sai. Vì dân nếu được giao nhiệm vụ ở khu vực hiện trường thì họ có quyền bảo vệ và nhắc nhở người khác không xâm phạm hiện trường. Chẳng hạn như công an viên xã Vinh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội”.

Phóng viên Trần Quang Thế bị đánh trên cầu Nhật Tân.

Tiếp đến PV Infonet cũng đặt câu hỏi với Thiếu tướng Trần Thế Quân rằng cơ quan Công an Hà Nội có trả lời báo chí là họ bảo vệ hiện trường bằng cách căng dây bằng người có hợp lý không? Thiếu tướng Trần Thế Quân nói: “Việc cơ quan Công an Hà Nội cho rằng họ bảo vệ hiện trường bằng cách dăng dây người cũng hợp lý.

Vì trên cầu Nhật Tân, lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường không thể căng dây được, nếu căng dây có thể căng hết cả cầu. Nếu làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông ngay. Chính vì vậy, công an có thể dùng người để xác định khu vực phạm vi hiện trường”.

Ngoài ra, thiếu tướng Trần Thế Quân cũng chia sẻ: “Có thể PV Trần Quang Thế hiểu hết về Luật báo chí nhưng có thể chưa hiểu hết về luật khác…. Vấn đề này, theo tôi cả 2 bên không nên gây căng thẳng cho nhau”.

PV Trần Quang Thế trình bày lại vụ việc với cơ quan công an.

Theo thiếu tướng Trần Thế Quân, đến lúc này, nhiều người vẫn nhầm giữa hiện trường và hoạt động nghiệp vụ trên hiện trường, tức là điều tra trên hiện trường. Danh mục bí mật trong công an nhân dân và các quy định về pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước thì hoạt động điều tra vụ án thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Còn hoạt động của phóng viên có thể đến hiện trường, cụ thể là trong trường hợp này, phóng viên Quang Thế đã vào trong khu vực mà công an xác lập chưa thì chưa rõ nhưng đã có người đứng đó cảnh báo rồi mà cố xông vào bên trong thì vẫn vi phạm.

Theo ông Quân: "Đấy là giả thuyết đưa ra chứ cũng chưa rõ vì tôi chưa biết cụ thể là như thế nào, phải tùy thuộc vào hồ sơ thể hiện. Tôi cũng không biết anh Thế có biết thông báo này hay không".

Đối với các vụ án, phóng viên vẫn có quyền tác nghiệp chụp ảnh, quay video clip hiện trường nhưng không được xâm phạm vào khu vực đã được phong tỏa. Khu vực phong tỏa có thể là căng dây, cắm biến cảnh báo hoặc lực lượng chức năng cảnh báo...

Phóng viên đứng phía ngoài khu vực phong tỏa vẫn có quyền sử dụng các thiết bị kỹ thuật, như máy ảnh có ống kính tele, máy quay zoom lại… để tiếp cận hiện trường.

Tiến Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-gat-tay-trung-ma-pv-bao-tuoi-tre-thieu-tuong-bo-cong-an-len-tieng-post210584.info