Vụ di dời chợ Đức Phổ, Quảng Ngãi: Từ 6.9 chấm dứt hoạt động của chợ cũ

Lao Động điện tử ngày 6.8 có bài “Vụ di dời sang chợ Đức Phổ (mới): Thà chết đói chứ không chịu hợp tác” phản ánh bức xúc của tiểu thương trước việc di dời hoạt động kinh doanh sang Khu Thương mại – Dịch vụ Chợ Đức Phổ (chợ mới) do Cty Hà – Mỹ Á đầu tư. Ngày 18.8, UBND huyện Đức Phổ đã có văn bản phản hồi và yêu cầu cải chính một số chi tiết đăng trên báo Lao Động điện tử, cho đúng với bản chất sự việc. Để có thêm thông tin và căn cứ phản hồi, ngày 25.8, Tổ P.V báo Lao Động đã làm việc với đại diện chính quyền huyện Đức Phổ và bà con tiểu thương của chợ. Chúng tôi xin trở lại vấn đề di dời chợ Đức Phổ, đồng thời trả lời các vấn đề UBND huyện Đức Phổ đề cập trong công văn gửi đến báo Lao Động.

Bà Cao Thị Hương (phải): "Mỗi ngày vài ba lượt khách"

Thị xã trong mắt ai...

Công văn phản hồi số 1784/UBND-KTHT ngày 18.8, do Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ ký cho biết: Đến cuối tháng 12.2015, có 362/487 tiểu thương đăng ký hoạt động tại chợ Đức Phổ mới, trong đó, số đã di dời là 330 người.

Việc xây dựng biểu giá cho thuê và phí dịch vụ tại chợ mới là đúng quy định hiện hành; chợ Đức Phổ cũ quá nhỏ, không thể trở thành chợ trung tâm, không đáp ứng điều kiện vệ sinh thực phẩm, an toàn cháy nổ, cấp thoát nước; một số tiểu thương bị kẻ xấu “đứng phía sau xúi giục, kích động” phát ngôn sai sự thật...

Nội dung trên trong buổi làm việc với Tổ PV Báo Lao Động ngày 25.8, cũng được Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Nguyễn Thịnh nhắc lại:

“Chủ trương hình thành một khu chợ phù hợp bộ tiêu chuẩn quốc gia đã có từ năm 2008 nhằm góp phần xây dựng thị trấn Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại IV, đưa huyện Đức Phổ thành thị xã trực thuộc tỉnh.

Công trình thuộc nhóm khuyến khích xã hội hóa theo quy định của Chính phủ. Tháng 8.2011, Cty CP Công nghệ và truyền thông Biển Xanh, doanh nghiệp của con em Đức Phổ đang làm ăn, sinh sống tại Hà nội được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án Khu Thương mại – Dịch vụ Chợ Đức Phổ, kết hợp khu nhà ở liền kề.

Vai trò chủ đầu tư của Biển Xanh đến tháng 11.2012 chuyển sang Cty CP Đầu tư Hà – Mỹ Á. Dự án triển khai trên diện tích hơn 6,7 ha, riêng khu chợ rộng 11.568m 2 . Chợ mới hoàn thành tháng 3.2015.

Để chuẩn bị tâm lý, tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng tiểu thương, chúng tôi tổ chức hàng chục buổi đối thoại. Ngày 9.11.2015, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt phương án hoạt động kinh doanh chợ Đức Phổ (mới).

Ngày 24.12.2015, huyện quyết định chuyển toàn bộ hoạt động tại chợ cũ sang địa điểm mới. Trong quá trình vận động, nhiều tiểu thương đồng tình, ủng hộ nhưng cũng có người ra mặt chống đối. Họ tập hợp gây áp lực với huyện, kéo lên tỉnh, thậm chí ra ngoài trung ương”.

Sau khi kiểm tra nội dung và tư liệu, chúng tôi xin trả lời: Trong thực tế, bài báo đăng trên Lao Động điện tử ra ngày 6.8, người viết chỉ nêu: "Sau khi chợ mới xây xong và đưa vào sử dụng lại không nhận được sự đồng tình của toàn bộ gần 400 tiểu thương", chứ không viết rằng, đó là con số hộ tiểu thương không chấp hành chủ trương của chính quyền địa phương vào chợ mới.

Thứ hai, trong bài báo có viết "... giá thuê ở chợ Đức Phổ cao gấp hàng chục lần, bên cạnh đó còn thêm còn thêm các khoản phụ thu cao gấp 5-7 lần so với chợ cũ". UBND huyện Đức Phổ cho là không đúng, và cho rằng đây là "cách nói của một số tiểu thương".

Trong công văn, UBND huyện Đức Phổ khẳng định "Giá cho thuê các quầy, sạp, ki ốt và các phí dịch vụ khác áp dụng theo đúng quy định của Nhà nước.

Trong bài báo chỉ đề cập là các khoản thu tại chợ mới là cao, chứ không cho rằng các khoản thu này là trái với quy định của Nhà nước. Và UBND huyện Đức Phổ cho biết, giá thuê chợ mới chỉ cao gấp 3 lần chợ cũ. Về chi tiết này, chúng tôi xin cáo lỗi vì sự nhầm lẫn của phóng viên.

Trong bài báo nói trên dẫn lời tiểu thương: "UBND huyện cho rằng chợ Đức Phổ cũ được xây dựng các đây hơn 40 năm, đã xuống cấp, không bảo đảm các tiêu chuẩn về VSMT... là không có cơ sở".

Về chi tiết này, UBND huyện Đức Phổ phản bác ý kiến tiểu thương: "Diện tích chợ cũ Đức Phổ quá nhỏ (5.500m 2 ) không bảo đảm cho việc đầu tư, nâng cấp để trở thành chợ trung tâm của đô thị Đức Phổ; đường vào chợ cũ chật hẹp, hệ thống điện, cấp, thoát nước không đảm bảo theo tiêu chuẩn, nguy cơ cháy nổ... Đánh giá của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như Sở Công thương, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy... đều khẳng định Chợ Đức Phổ (cũ) không bảo đảm các tiêu chuẩn như quy định".

Trong bài báo, tiểu thương phản ảnh: "Trong gần 1 buổi sáng đối thoại, nhiều câu trả lời chưa được rõ ràng, hoặc bỏ ngõ, chưa đi vào trọng tâm câu hỏi của tiểu thương. Chính quyền huyện Đức Phổ đã đứng về phía chủ đầu tư, phối hợp sử dụng lực lượng công quyền để giúp chủ đầu tư thực hiện việc chuyển chợ... mang tính chất hành chính, áp đặt, mất dân chủ".

Tuy vậy trong công văn nói trên, UBND huyện Đức Phổ cho biết: " Tại buổi đối thoại đó, sau khi tiểu thương có ý kiến... đều được các cấp, các ngành từ thị trấn Đức Phổ đến huyện, tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Bí thư tỉnh ủy trả lời, giải thích cụ thể".

Những vấn đề vẫn còn băn khoăn

Trước hết, xác định rằng, việc di dời tiểu thương chợ Đức Phổ (cũ) sang Trung tâm thương mại của Công ty Hà – Mỹ Á là quan hệ dân sự và kinh tế, thuận mua, vừa bán giữa tiểu thương và một doanh nghiệp.

Chính sự thiếu rõ ràng, nhất quán về quan hệ dân sự và hành chính của cơ quan chức năng, đã là nguyên nhân gây ra làn sóng bất bình. Xin nhắc lại chi tiết, cùng thời điểm xây dựng chợ mới Trung tâm thương mại), vào các năm 2011, 2013, chợ cũ đã 2 lần được nâng cấp bằng phương thức huy động vốn từ tiểu thương.

Không ít người phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để có được một lô, quầy ở chợ. Các hợp đồng sau đấu giá, với thời hạn 10 năm (đến năm 2022, 2023), đảm bảo cho họ vị thế pháp lý chắc chắn, ổn định ở địa điểm mưu sinh truyền thống.

Quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại giai đoạn 2007 – 2010 và định hướng đến 2015 do UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành tháng 2.2008 hoàn toàn không tính đến việc di dời chợ. Tương tự là quyết định 686/QĐ-UBND ngày 14.5.2013, quyết định 373/QĐ-UBND ngày 18.11.2015 cũng của chính quyền Quảng Ngãi.

Trở lại Quyết định 7058/QĐ-UBND ngày 24.12.2015 do Chủ tịch Trần Em ký, phê duyệt phương án chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh từ chợ cũ sang chợ mới.

Văn bản này là một động thái bất thường, vì sau đó ba tháng (3.2016), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng mới có ý kiến đồng ý chủ trương đưa chợ Đức Phổ cũ ra khỏi quy hoạch hạ tầng thương mại nông thôn. Giấy trắng mực đen, đến ngày 14.6.2016, ý chí trên mới chính thức được thực hiện qua quyết định mang số hiệu 1034/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Trả lời câu hỏi của P.V Lao Động về căn cứ pháp lý của pha “cầm đèn chạy trước ô tô”, Phó chủ tịch Nguyễn Thịnh vin vào “chủ trương của huyện ủy”, và rằng “cứ nghĩ mọi việc sẽ thuận lợi, suôn sẻ. Nếu biết như bây giờ, cách làm sẽ phải khác”.

Việc đối chiếu quy chuẩn hiện hành để xem khoảng cách quá gần giữa 2 khu chợ (khoảng 300m) cũng gây thắc mắc. Đơn giản bởi chợ cũ từng có lịch sử tồn tại kéo dài đến 40 năm và là môi trường kinh doanh bình thường, ổn định của 400 hộ tiểu thương. Tuân thủ quy phạm, vì sao Đức Phổ không lựa chọn vị trí khác, thích hợp hơn cho khu chợ mới?

Trên thực tế, một số tiểu thương đã nhận thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng đến năm 2022, 2023, từ phía chính quyền thị trấn Đức Phổ.

Các đơn vị, cơ quan cấp huyện đều được huy động, vận động thân nhân (có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng) buôn bán ở chợ cũ Đức Phổ“chấp hành chủ trương chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh vào chợ Đức Phổ mới”.

“Xóa sổ” chợ cũ, xây dựng công viên

Ngày 19.8, UBND huyện Đức Phổ ra thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh, tháo dỡ các hạng mục công trình tại chợ Đức Phổ cũ. Tiểu thương được yêu cầu tháo dỡ, di dời tài sản, dừng hoạt động từ 20.8 đến 5.9. “Chính quyền địa phương không chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra (nếu có) đối với các trường hợp cố tình tiếp tục giao thương, mua sắm tại chợ cũ kể từ ngày 6.9”, thông báo viết. Số phận khu chợ được định đoạt. Trước đó, cuối tháng 7, Đức Phổ đã quyết định đầu tư, xây dựng trên nền chợ cũ công trình công viên cây xanh rộng 5.322m2; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4,5 tỉ đồng.

Nhiều quầy sạp trống trơn ở khu chợ mới

Nhiều quầy sạp trống trơn ở khu chợ mới

Cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ cũ

Cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ cũ

Những tiểu thương "bám trụ": "Chúng tôi bảo vệ quyền tự do kinh doanh, sao gọi chống đối"

Ý kiến cho rằng chợ cũ khó tiếp cận cứu hỏa bị nhiều người phản đối

Ý kiến cho rằng chợ cũ khó tiếp cận cứu hỏa bị nhiều người phản đối

Công văn phản hồi của UBND huyện Đức Phổ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vu-di-doi-cho-duc-pho-quang-ngai-tu-69-cham-dut-hoat-dong-cua-cho-cu-587722.bld